06/12/2024 lúc 16:26

VPBank phủ 3.000 điểm giao dịch, Techcombank mở 2.000 tài khoản/ngày nhờ hợp tác bán lẻ

Ngân hàng “bắt tay” bán lẻ, tạo ra mô hình hợp tác đôi bên cùng có lợi, hứa hẹn thay đổi diện mạo thị trường tài chính.

Sự kết hợp giữa ngân hàng và doanh nghiệp bán lẻ đang trở thành một xu hướng nổi bật trên thị trường tài chính. Không chỉ đơn thuần là mối quan hệ cộng sinh, sự hợp tác này mang đến lợi ích chiến lược cho cả hai bên, đồng thời tạo ra những trải nghiệm mới mẻ và tiện lợi cho người tiêu dùng. Điển hình cho xu hướng này chính là sự hợp tác giữa VPBank và Thế Giới Di Động, cũng như câu chuyện thành công trước đó của Techcombank và Masan Group.

Ngân hàng VPBank hợp tác với Thế Giới Di Động, biến 3.000 cửa hàng thành điểm giao dịch tài chính. Ảnh: VPBank
Ngân hàng VPBank hợp tác với Thế Giới Di Động, biến 3.000 cửa hàng thành điểm giao dịch tài chính. Ảnh: VPBank

“Cây ATM” tại điểm bán lẻ: VPBank và Thế Giới Di Động tiên phong mô hình mới

VPBank đã chính thức bắt tay với Thế Giới Di Động, biến hơn 3.000 cửa hàng điện thoại, điện máy trên toàn quốc thành điểm giao dịch tài chính, hoạt động như những “cây ATM” thu nhỏ. Theo đó, khách hàng có thể thực hiện các giao dịch ngân hàng cơ bản như nạp, rút, chuyển tiền cho tất cả các ngân hàng khác ngay tại cửa hàng Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh, chỉ với chiếc căn cước công dân.

Không chỉ dừng lại ở đó, khách hàng còn có thể mở tài khoản thanh toán VPBank NEO, mở thẻ tín dụng online 100% một cách nhanh chóng và thuận tiện. Đây là mô hình đại lý thanh toán đầu tiên được Ngân hàng Nhà nước chính thức cấp phép tại Việt Nam, theo quyết định số 666/QĐ-TTGSNH2, mở ra cánh cửa mới cho sự phát triển của dịch vụ tài chính.

Lễ ký kết hợp tác giữa VPBank và Thế Giới Di Động. Ảnh: CafeF
Lễ ký kết hợp tác giữa VPBank và Thế Giới Di Động. Ảnh: CafeF

Mô hình hợp tác này mang lại lợi ích kép cho cả VPBank và Thế Giới Di Động. VPBank sẽ mở rộng được mạng lưới tiếp cận khách hàng của mình, đặc biệt là ở những khu vực chưa có chi nhánh, phòng giao dịch hay ATM. Đồng thời, ngân hàng cũng sẽ tối ưu hóa đáng kể chi phí vận hành so với việc mở rộng hệ thống giao dịch truyền thống.

Về phần Thế Giới Di Động, bên cạnh việc gia tăng doanh thu thông qua phí giao dịch, cửa hàng còn có thể nâng cao trải nghiệm khách hàng, thu hút thêm lượng khách đến cửa hàng và củng cố vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực bán lẻ.

“Sự hợp tác này cũng thể hiện khẳng định cam kết của chúng tôi trong việc mang đến trải nghiệm tài chính ngày càng trọn vẹn và tiện lợi hơn cho khách hàng”, ông Phùng Duy Khương, Phó Tổng Giám đốc thường trực phụ trách phía Nam, Giám đốc khối KHCN VPBank, chia sẻ.

Ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động, cũng bày tỏ sự tin tưởng vào sự thành công của mô hình này: “Chúng tôi tin rằng, đây đều là các dịch vụ cần thiết với bất cứ ai trong thời đại ngày nay, nhất là xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt được Nhà nước tích cực thúc đẩy”.

Ông Phùng Duy Khương - Giám đốc khối KHCN VPBank (vị trí thứ 2 từ trái sang) tại buổi lễ ký kết. Ảnh: CafeF
Ông Phùng Duy Khương – Giám đốc khối KHCN VPBank (vị trí thứ 2 từ trái sang) tại buổi lễ ký kết. Ảnh: CafeF

Ngân hàng Techcombank và Tập đoàn Masan Group: Câu chuyện thành công trước đó

Một ví dụ điển hình khác cho thấy sức hút của mô hình hợp tác ngân hàng và bán lẻ chính là “câu chuyện thành công” của Techcombank và Masan Group. Nhận thấy sự hạn chế về mạng lưới giao dịch truyền thống so với quy mô khổng lồ của hệ thống bán lẻ WinCommerce (gần 3.500 cửa hàng trên toàn quốc), Techcombank đã quyết định “bắt tay” với Masan Group, cho phép khách hàng mở tài khoản Techcombank và thực hiện các giao dịch tài chính ngay tại các điểm bán của WinCommerce.

Kết quả đạt được sau thời gian triển khai đã vượt ngoài mong đợi của ngân hàng. Chỉ sau 6 tháng, chương trình đã ghi nhận 100.000 tài khoản Techcombank mở mới, cùng với 100 thẻ tín dụng được phát hành chỉ trong hai tuần thí điểm.

Hiện tại, theo ông Danny Le, Tổng Giám đốc Masan Group, mỗi ngày có khoảng 2.000 tài khoản Techcombank được mở mới thông qua hệ thống của WinCommerce. Với đà này, mục tiêu nâng tổng số tài khoản mở mới lên 5.000 – 6.000 tài khoản/ngày hoàn toàn nằm trong tầm tay.

Ngân hàng Techcombank cũng đã hợp tác với Tập đoàn Masan Group triển khai mô hình tương tự như VPBank và Thế Giới Di Động. Ảnh: CafeF
Ngân hàng Techcombank cũng đã hợp tác với Tập đoàn Masan Group triển khai mô hình tương tự như VPBank và Thế Giới Di Động. Ảnh: CafeF

Sự hợp tác này đã mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên Techcombank và Masan Group. Masan Group thì có được cơ hội tiếp cận và thu thập dữ liệu khách hàng, phục vụ cho chiến lược cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm.

Techcombank thì tận dụng được mạng lưới rộng khắp của Masan để mở rộng tập khách hàng, tăng trưởng số lượng tài khoản và triển khai dịch vụ tài chính với chi phí thấp hơn nhiều so với việc mở rộng chi nhánh truyền thống. Hơn nữa, việc tích hợp các ưu đãi, giảm giá khi thanh toán qua tài khoản Techcombank tại WinCommerce còn giúp kích thích tiêu dùng, thúc đẩy doanh số bán hàng cho Masan.

Sự hợp tác giữa ngân hàng và bán lẻ không chỉ là một xu hướng nhất thời mà còn là bước chuyển mình tất yếu của thị trường tài chính trong thời đại số. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, việc liên kết, tận dụng thế mạnh của nhau là chìa khóa để tối ưu hóa nguồn lực, mở rộng thị phần và nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Mô hình này tạo ra giá trị gia tăng cho cả ba bên: ngân hàng, doanh nghiệp bán lẻ và người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Với những lợi ích vượt trội, dự kiến trong tương lai sẽ có thêm nhiều “cuộc bắt tay” chiến lược giữa ngân hàng và bán lẻ, hứa hẹn tạo nên bức tranh đa sắc màu và sôi động hơn cho thị trường tài chính Việt Nam.

Kim Khanh

Xem thêm tin: Tại đây