Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp khởi nghiệp
Theo đánh giá từ Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố trong những năm qua vẫn còn hạn chế, như chất lượng hỗ trợ chưa cao, năng lực các cơ sở trung gian hỗ trợ doanh nghiệp còn thấp.
Hơn thế, đại diện một số doanh nghiệp khởi nghiệp cho rằng, vì vốn đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay chủ yếu đến từ nước ngoài, nên nếu có chính sách miễn giảm thuế cho nhà đầu tư sẽ tạo động lực để các tập đoàn, cá nhân có doanh thu lớn đầu tư. Chỉ ra khó khăn chung của doanh nghiệp khởi nghiệp, bà Lê Thị Tường Vy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp cho rằng, các doanh nghiệp khởi nghiệp không có tài sản để vay thế chấp nên phải tiếp cận các nguồn không chính thống với lãi suất cao.
Trong khi đó, Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp đang rất eo hẹp về nguồn vốn. “Đề nghị nâng quy mô của Quỹ từ 100 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng, tạo điều kiện cho thanh niên tiếp cận vốn kịp thời, vì hiện nay nhu cầu khởi nghiệp của thanh niên là chính đáng và đang được các bạn trẻ quan tâm”, bà Vy đề xuất.
Góp ý thêm về điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, bà Võ Thùy Dương (Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Quận 12) đề xuất lãnh đạo các sở, ngành, trung tâm cần xây dựng mạng lưới liên kết, tạo điều kiện để các bạn trẻ được tham quan các mô hình kinh tế giỏi trong và ngoài nước… Bên cạnh đó, ngành công thương cũng nên có các chương trình hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp cho thanh niên… Và hơn thế, một số trường đại học, cao đẳng nên có chương trình đào tạo khởi nghiệp, lập nghiệp cho các sinh viên…
Với vấn đề vốn vay cho doanh nghiệp khởi nghiệp, bà Trần Mai Phương, Phó Giám đốc Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, trước đây thành phố có ủy thác vốn qua Quỹ Đầu tư phát triển để cho vay khởi nghiệp. Tuy nhiên, từ khi có Luật Ngân sách Nhà nước, mô hình này không còn được thực hiện nữa. Do đó, cần nghiên cứu xây dựng phương án khác. Cùng với đó, UBND TP. Hồ Chí Minh có thể đối ứng vốn qua Ngân hàng Chính sách Xã hội hoặc hỗ trợ phần chênh lệch lãi suất khi thanh niên vay vốn từ NHTM.
Trên thực tế, về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, thành phố đang có những chương trình thiết thực và dài hơi. Đơn cử, cuối năm nay thành phố sẽ khánh thành Trung tâm Khởi nghiệp Sáng tạo thành phố. Đây sẽ là đầu mối kết nối, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho hoạt động hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trung tâm cũng được coi là một “hub”, làm động lực hình thành mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo ở các quận, huyện, viện, trường, doanh nghiệp… và các địa phương kết nối với TP. Hồ Chí Minh. “Đây cũng sẽ là nơi triển khai các chính sách hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TP. Hồ Chí Minh khi thực hiện Nghị quyết 98, như miễn giảm thuế, hỗ trợ không hoàn lại dự án khởi nghiệp từ 40-400 triệu đồng, thử nghiệm chính sách về sản phẩm, dịch vụ mới, thu hút chuyên gia và nhà khoa học cho các trung tâm nghiên cứu chuẩn quốc tế…”, lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh cho biết.
Trong những năm qua, UBND thành phố luôn quan tâm hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển thông qua các chính sách ưu đãi.
Với các chính sách vượt trội này cùng với các nền tảng sẵn có và đang hoàn thiện, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh khẳng định, thành phố đang hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động bậc nhất ở Đông Nam Á và khu vực. Đặc biệt, gần đây với Nghị quyết 98 của Quốc hội, thành phố có điều kiện triển khai các chính sách ưu đãi phát triển khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, các chính sách hỗ trợ hệ sinh thái và hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên, điều quan trọng là khi đã xác định khởi nghiệp, các bạn trẻ cần chuẩn bị sẵn kiến thức, kỹ năng. Nếu muốn thành phố hỗ trợ, cần có đề xuất cụ thể. Các tổ chức đoàn thể, hội thanh niên là đầu mối kết nối với thành phố và chủ động có các lớp đào tạo, nâng cao kỹ năng cho thanh niên về khởi nghiệp. Mỗi năm, thành phố có thể chi 100-300 tỷ đồng từ nguồn vốn khởi nghiệp để hỗ trợ, nhưng các doanh nghiệp khởi nghiệp cần có kế hoạch rõ ràng.
“TP. Hồ Chí Minh cam kết đầu tư phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và luôn đồng hành với cộng đồng khởi nghiệp, hướng tới sự thành công và phát triển bền vững. Thành phố cũng mong nhận được các ý kiến góp ý để thực hiện và hoàn thành tốt mục tiêu này”, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Nguồn: Thời báo ngân hàng – Minh Lâm