Trong hai năm 2023 và 2024, thị trường tín dụng Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức lớn. Sự sụt giảm mạnh trong nhu cầu tiêu dùng, do tác động của đại dịch và các yếu tố kinh tế vĩ mô không ổn định, đã kéo theo sự suy yếu của sức cầu trên thị trường.
Đồng thời, các doanh nghiệp ngày càng thận trọng trong việc đầu tư, ưu tiên trì hoãn các dự án dài hạn trước rủi ro kinh tế và biến động thị trường. Hệ quả là tăng trưởng tín dụng trở nên chậm chạp và không ổn định, buộc các chính sách tiền tệ phải liên tục điều chỉnh để thích nghi với thực tế.
Dù lượng tín dụng giải ngân trong 9 tháng đầu năm 2024 có dấu hiệu cải thiện, chất lượng tín dụng vẫn đặt ra nhiều vấn đề cần lưu ý. Các khoản vay ngắn hạn tiếp tục chiếm ưu thế, chủ yếu nhằm đáp ứng nhu cầu thanh khoản tạm thời của doanh nghiệp. Trong khi đó, các ngân hàng tập trung vào các khoản vay có tài sản thế chấp để kiểm soát rủi ro nợ xấu và đảm bảo an toàn tài chính. Tuy nhiên, việc chú trọng vào tín dụng ngắn hạn lại làm dấy lên lo ngại về hiệu quả sử dụng vốn trong dài hạn.
Tín dụng ngắn hạn tăng trưởng nhanh
Dữ liệu từ giai đoạn 2023-2024 cho thấy tín dụng ngắn hạn tăng trưởng nhanh hơn đáng kể so với các khoản vay trung và dài hạn. Trong 6 tháng đầu năm 2024, khoảng cách tăng trưởng giữa hai loại tín dụng này ngày càng mở rộng. Xu hướng này phản ánh sự thận trọng của doanh nghiệp, khi họ ưu tiên vay ngắn hạn để duy trì thanh khoản và hoạt động tạm thời thay vì đầu tư vào các kế hoạch dài hạn.
Chỉ số PMI (Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng) năm 2024 minh chứng cho điều này: lần đầu tiên giảm xuống dưới 50 điểm vào tháng 9/2024, bất chấp sự phục hồi trong quý II. Thống kê giữa năm 2024 cho thấy hơn 65% dư nợ tăng thêm so với cuối năm 2023 là các khoản vay ngắn hạn. Tỷ trọng tín dụng ngắn hạn cũng lần đầu đạt gần 56% tổng dư nợ trong quý II/2024 – mức cao nhất trong 5 năm.
Tăng trưởng tín dụng ngắn hạn đạt 22,2% trong quý II/2024, cao hơn mức 15,85% của quý II/2023 và vượt xa tăng trưởng tín dụng trung – dài hạn (15,1%). Điều này cho thấy nhu cầu cấp bách về vốn lưu động để doanh nghiệp duy trì sản xuất, trả lương, và xử lý chi phí cố định trong bối cảnh kinh tế bất ổn.
Việc các ngân hàng tái ký hợp đồng tín dụng ngắn hạn hàng năm cũng đóng vai trò quan trọng, giúp doanh nghiệp lớn duy trì dòng tiền ổn định mà không cần vay mới dài hạn. Điều này không chỉ giúp các ngân hàng kiểm soát rủi ro mà còn tạo điều kiện để doanh nghiệp quản lý vốn linh hoạt hơn trong giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài, sự mất cân đối trong cơ cấu kỳ hạn tín dụng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Các khoản vay cầm cố giấy tờ có giá tăng mạnh
Tại biểu đồ thứ hai minh họa rõ rệt sự tăng trưởng đáng chú ý trong các khoản vay cầm cố bằng giấy tờ có giá (GTCG) tại các ngân hàng bán lẻ như Vietcombank (VCB), ACB, và Sacombank (STB). Xu hướng này cho thấy các ngân hàng đang tận dụng các tài sản có giá trị cao như sổ tiết kiệm và trái phiếu để mở rộng tín dụng một cách an toàn.
Bằng cách này, các ngân hàng không chỉ đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng mà còn giảm thiểu rủi ro nợ xấu, nhờ vào sự bảo đảm từ các tài sản chất lượng cao. Các ngân hàng được chọn phân tích đều có chiến lược thận trọng, tập trung vào phân khúc bán lẻ, thay vì chạy đua tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá.
Việc sử dụng GTCG làm tài sản đảm bảo đã chứng minh là một chiến lược hiệu quả trong việc thúc đẩy tín dụng mà vẫn kiểm soát được rủi ro. Điển hình, ACB đã tăng 82% giá trị tài sản đảm bảo bằng GTCG vào năm 2023 so với 2022 và tiếp tục duy trì xu hướng này trong 6 tháng đầu năm 2024, đạt mức cao kỷ lục. Tương tự, Vietcombank và Sacombank cũng đẩy mạnh việc nhận giấy tờ có giá làm tài sản đảm bảo. Phương thức này giúp các ngân hàng tăng trưởng tín dụng mà không phải lo ngại về các khoản vay không an toàn.
Tuy nhiên, việc quá phụ thuộc vào tín dụng cầm cố GTCG có thể làm giảm hiệu quả sử dụng vốn. Các ngân hàng phải đối mặt với thách thức trong việc cân bằng giữa tăng trưởng tín dụng và tối ưu hóa lợi nhuận dài hạn, bởi lẽ các khoản vay cầm cố GTCG, dù an toàn, thường mang lại biên lợi nhuận thấp hơn.
Nửa đầu năm 2024 cho thấy sự trái ngược trong tăng trưởng tín dụng. Trong khi tín dụng ngắn hạn tăng mạnh, điều này chủ yếu phản ánh sự phụ thuộc vào việc duy trì thanh khoản tạm thời thay vì đầu tư vào các hoạt động kinh tế mang tính bền vững. Đồng thời, tín dụng cầm cố GTCG cũng tăng trưởng đáng kể, hỗ trợ các ngân hàng đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, cả hai xu hướng này đều tiềm ẩn những thách thức lâu dài. Việc dựa vào tín dụng ngắn hạn hay tín dụng cầm cố GTCG có thể dẫn đến sự mất cân đối trong cơ cấu vốn và giảm hiệu quả sử dụng vốn. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều biến động, việc ngân hàng và doanh nghiệp cần tìm giải pháp cân bằng giữa tăng trưởng tín dụng an toàn và tối ưu hóa lợi nhuận là điều cấp thiết.
Nguồn: Tạp chí điện tử tài chính và cuộc sống – Lê Hoài Ân, CFA – Nguyễn Thị Ngọc An