21/03/2025 lúc 16:57

Phân tích tiềm năng phát triển của cổ phiếu bán lẻ trong năm 2025

Chuyên gia VPS nhận định ngành bán lẻ năm 2025 hiện đang có tín hiệu tích cực, tạo cơ hội tuyển chọn cổ phiếu hấp dẫn cho nhà đầu tư.

Nhận định ngành bán lẻ năm 2025 -60s hôm nay
Nhận định ngành bán lẻ năm 2025. Ảnh minh họa

Kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2025

Thị trường bán lẻ Việt Nam kỳ vọng tích cực trong năm 2025, tiếp tục tăng trưởng từ cuối năm 2024. Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán VPS, doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2025 ước đạt 573,3 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. 

Bộ Công Thương đặt mục tiêu tăng trưởng ngành bán lẻ khoảng 10% trong năm 2025, nhờ vào việc tăng lương cơ sở từ 1/7/2024, góp phần kích thích sức mua. Đồng thời, sự mở rộng của các kênh bán lẻ hiện đại và mua sắm trực tuyến giúp người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm dễ dàng hơn, đặc biệt tại khu vực thành thị. 

Tuy nhiên, bên cạnh các tín hiệu lạc quan, người tiêu dùng cũng có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Theo khảo sát năm 2024 của PwC, 64% người tiêu dùng ưu tiên ngân sách cho thực phẩm, trong khi 48% tập trung vào chăm sóc sức khỏe. Ngược lại, khoảng 33% dự định cắt giảm chi tiêu cho hàng xa xỉ và 30% hạn chế mua sắm các sản phẩm không thiết yếu.

Thị trường bán lẻ thực phẩm đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ nhờ sự phát triển của tầng lớp trung lưu, dự kiến chiếm 26% dân số vào năm 2026. Theo dự báo của VPS, doanh thu thương mại điện tử ngành thực phẩm sẽ đạt 1,3 tỷ USD vào năm 2026, với tốc độ tăng trưởng 12% mỗi năm, NielsenIQ cũng ghi nhận sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng, khi chi tiêu cho thực phẩm tươi sống và sản phẩm từ sữa lần lượt tăng 34% và 23%, trong khi chi tiêu cho bữa ăn ngoài giảm 38%. Đây là cơ hội để các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi và kênh bán hàng trực tuyến mở rộng thị phần.

Ngành bán lẻ thực phẩm đang chuyển dịch mạnh mẽ - 60s hôm nay
Ngành bán lẻ thực phẩm đang chuyển dịch mạnh mẽ. Ảnh: Tin nhanh chứng khoán

Các ngành bán lẻ tiềm năng trong năm 2025

Lĩnh vực dược phẩm tiếp tục ghi nhận triển vọng tích cực nhờ nhu cầu chăm sóc sức khỏe tăng cao. Theo dự báo, chi tiêu cho y tế sẽ tăng 7% vào năm 2025. Đặc biệt, Gen Z đang quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm chức năng, trong khi dân số trên 65 tuổi dự kiến chiếm 17% vào năm 2025, thúc đẩy nhu cầu dược phẩm OTC, thực phẩm chức năng và thiết bị y tế gia đình.

Thị trường dược phẩm Việt Nam được dự báo đạt 316.747 tỷ đồng vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng 9,7% mỗi năm. Sự chuyển dịch sang các chuỗi nhà thuốc hiện đại và nền tảng bán thuốc trực tuyến sẽ tiếp tục hỗ trợ sự phát triển của ngành này. Dù thị trường bán lẻ điện thoại di động và điện máy (ICT-CE) đã gần đạt mức bão hòa, một số phân khúc vẫn có triển vọng trong năm 2025. Đáng chú ý, thị trường smartphone dự kiến tăng trưởng 6% nhờ sự phổ biến của điện thoại 5G và các tính năng AI tiên tiến.

Việc Microsoft ngừng hỗ trợ Windows 10 vào tháng 10/2025 sẽ thúc đẩy nhu cầu thay thế máy tính, hỗ trợ tăng trưởng thị trường PC. Trong khi đó, nhu cầu mua sắm thiết bị điện máy tại các hộ gia đình đô thị vẫn duy trì ổn định. Thị trường trang sức Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng trưởng trong giai đoạn 2025-2026, nhờ sự mở rộng của tầng lớp trung lưu và sự phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, giá vàng ở mức cao có thể khiến nhu cầu trang sức trong phân khúc trung cấp và phổ thông giảm nhẹ.

Mảng bán lẻ điện thoại di động - điện máy (ICT-CE) - 60s hôm nay
Mảng bán lẻ điện thoại di động – điện máy (ICT-CE). Ảnh: Tin nhanh chứng khoán

Cơ hội đầu tư vào các cổ phiếu bán lẻ tiềm năng

Theo nhận định của VPS, một số cổ phiếu ngành bán lẻ đang có triển vọng tích cực trong năm 2025, bao gồm MWG, FRT và PNJ. MWG dự kiến sẽ ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ nhờ vào sự phục hồi của chuỗi Bách Hóa Xanh (BHX).Theo kế hoạch, BHX đã có lãi tại miền Nam và đang mở rộng ra miền Trung, với dự báo doanh thu tăng 21% và lợi nhuận ròng tăng 28% trong giai đoạn 2025-2026. Bên cạnh đó, chuỗi điện máy EraBlue sẽ mở rộng lên 150 cửa hàng vào năm 2025, đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của MWG. 

Công ty cũng tập trung tối ưu hóa chi phí và điều chỉnh cơ cấu hàng hóa tại Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh để tăng doanh số. FRT tiếp tục đặt trọng tâm vào chuỗi nhà thuốc Long Châu, hiện chiếm 62% doanh thu của công ty và dự kiến tăng lên 70% vào năm 2025. Công ty có kế hoạch mở thêm 350 nhà thuốc trong năm tới, đồng thời mở rộng hệ thống Tiêm chủng Long Châu với 100-120 cơ sở mới.

Ngoài ra, FPT Shop đã có lãi nhờ cắt giảm các cửa hàng hoạt động kém hiệu quả và mở rộng sang mảng điện máy. Biên lợi nhuận cải thiện từ 10% lên 13%, với kế hoạch mở thêm 50 cửa hàng điện máy vào cuối năm 2024. PNJ tiếp tục mở rộng hệ thống cửa hàng và gia tăng thị phần trong năm 2025. 

Công ty đẩy mạnh các dòng sản phẩm thiết kế theo phong cách truyền thống như Giao Duyên, Trầu Cau, thu hút người tiêu dùng trẻ và tầng lớp trung lưu. Triển vọng ngành trang sức vẫn khả quan, đặc biệt khi giá vàng có xu hướng ổn định nhờ sự thay đổi kỳ vọng kinh tế Mỹ và giảm xung đột địa chính trị. Biên lợi nhuận gộp của PNJ cũng được kỳ vọng cải thiện nhờ tỷ trọng doanh thu bán lẻ tăng lên.

Minh Thư

 Nguồn tham khảo: Tinnhanhchungkhoan.vn