Thị trường M&A Việt Nam “bừng tỉnh” sau giấc ngủ dài
Thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) Việt Nam tăng trưởng ấn tượng trong 9 tháng đầu năm 2024, ngược dòng xu hướng chung của Đông Nam Á.
Trong khi thị trường M&A tại nhiều quốc gia Đông Nam Á đang trải qua giai đoạn ảm đạm, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng mới với sự phục hồi mạnh mẽ và đầy hứa hẹn. Khác với xu hướng chung của khu vực, thị trường M&A Việt Nam đang cho thấy những tín hiệu tích cực với sự gia tăng về giá trị giao dịch. Sự tương phản này càng làm nổi bật sức hấp dẫn và tiềm năng của thị trường M&A Việt Nam
Động lực tăng trưởng của thị trường M&A
Sự phục hồi của thị trường M&A Việt Nam không chỉ đơn thuần là một phản ứng ngắn hạn mà là kết quả của những thay đổi mang tính cấu trúc, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững trong dài hạn. Trong 9 tháng đầu năm 2024, thị trường M&A Việt Nam đạt tổng giá trị giao dịch 3,2 tỷ USD với hơn 220 thương vụ, tăng trưởng ấn tượng 45,9% so với cùng kỳ năm trước.
Điều này hoàn toàn trái ngược với xu hướng chung của khu vực Đông Nam Á, khi tổng giá trị giao dịch M&A tại các thị trường như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines giảm 11,3% trong cùng kỳ. Việt Nam đã và đang tận dụng tốt các lợi thế cạnh tranh của mình để thu hút dòng vốn đầu tư M&A, trở thành điểm sáng giữa bức tranh ảm đạm của khu vực.
Sự tăng trưởng vượt bậc của thị trường M&A Việt Nam được thúc đẩy bởi sự kết hợp của nhiều yếu tố thuận lợi. Trước hết, nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, cùng với triển vọng tăng trưởng GDP tích cực, đã tạo ra một môi trường kinh doanh đầy tiềm năng, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 6,5 – 7%, thậm chí có thể đạt 7 – 7,5% hoặc cao hơn.
Cải cách mạnh mẽ về pháp lý và hành chính cũng là một yếu tố then chốt. Chính phủ đã và đang tích cực triển khai các chính sách cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, minh bạch hóa quy trình đầu tư, và tăng cường bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Luật Đầu tư công (sửa đổi) cùng các luật sửa đổi liên quan đến đầu tư, quy hoạch, đấu thầu và quan hệ đối tác công – tư (PPP) đang được trình Quốc hội, mang tư duy quản lý mới, chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, tăng phân cấp, phân quyền, hứa hẹn tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng và thuận lợi hơn.
Chẳng hạn, các quy định mới cũng thân thiện hơn với nhà đầu tư, trong Luật Viễn thông về phát triển trung tâm dữ liệu và dịch vụ viễn thông trên Internet, hay việc thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tạo điều kiện cho vốn ngoại dễ dàng tiếp cận hơn các ngành trò chơi điện tử và bán lẻ, cùng cơ chế mua bán điện trực tiếp hỗ trợ các dự án năng lượng tái tạo, đã góp phần giảm thiểu rủi ro và tăng cường niềm tin cho các nhà đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực tiềm năng.
Bên cạnh đó, hoạt động sôi nổi của các nhà đầu tư trong nước cũng là một động lực quan trọng cho sự tăng trưởng của thị trường M&A. Các thương vụ “khủng” của các tập đoàn lớn như Vingroup, Masan, Becamex… đã tạo ra những cú hích mạnh mẽ cho thị trường, đồng thời chứng tỏ năng lực tài chính và tầm nhìn chiến lược của doanh nghiệp Việt.
Sự năng động của khu vực tư nhân cũng là một động lực quan trọng. Các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn của Việt Nam, dẫn đầu là VinGroup, Masan và Becamex, đã và đang tích cực tham gia vào các thương vụ M&A, đóng góp lớn vào tổng giá trị giao dịch của thị trường. 9 tháng đầu năm 2024, 4 giao dịch của Vingroup và Masan Group đạt giá trị 1,9 tỷ USD, chiếm 58% tổng giá trị thị trường. Điều này cho thấy vai trò ngày càng lớn của các tập đoàn tư nhân trong việc thúc đẩy thị trường M&A.
Một điểm đáng chú ý khác là quy mô của các thương vụ M&A cũng đang tăng lên. Đã có tổng cộng 10 thương vụ lớn nhất trong 9 tháng đầu năm 2024 chiếm khoảng 2,8 tỷ USD, tương đương 87% tổng giá trị giao dịch được công bố. Quy mô giao dịch trung bình cũng tăng lên đáng kể, đạt 56,3 triệu USD. Những con số này cho thấy sự lớn mạnh và khả năng cạnh tranh ngày càng tăng của doanh nghiệp Việt, đồng thời phản ánh sự sôi động và tiềm năng phát triển của thị trường M&A.
Điển hình là thương vụ nhóm nhà đầu tư trong nước mua lại 55% cổ phần của Công ty Phát triển Đầu tư và Thương mại SDI (công ty con của Vingroup) với giá trị 982 triệu USD, hay thương vụ Becamex IDC chuyển nhượng dự án nhà ở tại Bình Dương cho CapitaLand Group với giá trị 553 triệu USD. Những thương vụ này không chỉ đóng góp đáng kể vào tổng giá trị giao dịch M&A mà còn tạo hiệu ứng lan tỏa, khuyến khích các doanh nghiệp khác tham gia vào thị trường.
Ngoài ra, sự trở lại của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ Hàn Quốc, cũng góp phần làm sôi động thị trường M&A Việt Nam. Theo các chuyên gia, các nhà đầu tư từ Nhật Bản, Singapore, Mỹ và Trung Quốc cũng đang thể hiện sự quan tâm ngày càng lớn đến thị trường Việt Nam, hứa hẹn mang đến làn sóng đầu tư mới trong thời gian tới.
Bài toán cân bằng giữa cơ hội và rủi ro
Mặc dù thị trường M&A Việt Nam đang có những bước phát triển tích cực, vẫn còn tồn tại những thách thức cần được nhìn nhận và giải quyết. Tình hình địa chính trị thế giới diễn biến phức tạp, rủi ro lạm phát tại Mỹ, biến động kinh tế toàn cầu và những bất ổn trong khu vực đều có thể tác động đến dòng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Tuy nhiên, nhìn về dài hạn, triển vọng cho thị trường M&A Việt Nam trong năm 2025 và những năm tiếp theo vẫn rất lạc quan. Các chuyên gia dự báo thị trường sẽ tiếp tục khởi sắc, với sự quan tâm của các nhà đầu tư tập trung vào các ngành tiềm năng như bất động sản, tiêu dùng, sản xuất, công nghệ, tài chính, y tế, giáo dục, năng lượng tái tạo và chăm sóc sức khỏe.
Kim Khanh
Xem thêm tin: Tại đây