Những “ông lớn” nào đang khuấy đảo thị trường M&A Việt Nam?
Sóng M&A đang dâng cao tại Việt Nam với sự tham gia mạnh mẽ của các tập đoàn lớn trong nước, nổi bật là Masan Group, Vingroup và Becamex IDC.
Thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) tại Việt Nam đang chứng kiến sự sôi động chưa từng có với hàng loạt thương vụ tỷ USD được thực hiện. Đáng chú ý, doanh nghiệp nội địa cũng đang đóng vai trò chủ đạo, dẫn dắt làn sóng M&A và định hình lại bức tranh kinh tế. Masan Group, Vingroup và Becamex IDC chính là những cái tên tiêu biểu, cho thấy sự năng động và chiến lược đầu tư táo bạo của các “ông lớn” Việt.
Becamex IDC mở đường cho nhà đầu tư chiến lược từ nước ngoài
Tập đoàn Becamex IDC, một “ông lớn” trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp, đang chủ động tham gia vào thị trường M&A với chiến lược thoái vốn nhà nước, mở đường cho các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước. Thương vụ chuyển nhượng dự án nhà ở trị giá 553 triệu USD cho CapitaLand Group, một tập đoàn bất động sản hàng đầu của Singapore, là minh chứng rõ nét cho chiến lược này.
Becamex IDC đang thực hiện kế hoạch giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước từ 95,44% xuống còn trên 65%, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài gia tăng tỷ lệ sở hữu và tham gia sâu hơn vào quá trình phát triển của tập đoàn. Đồng thời, Becamex IDC cũng đang tái cấu trúc danh mục đầu tư, tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi như bất động sản công nghiệp, nhà ở xã hội và năng lượng tái tạo.
Với việc bổ sung ngành sản xuất điện vào danh mục kinh doanh và kế hoạch xây dựng hàng ngàn căn nhà ở xã hội, Becamex IDC đang khẳng định vị thế và vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội tại Bình Dương và khu vực lân cận. Tập đoàn đặt mục tiêu huy động ít nhất 33.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2024 – 2025 để phục vụ nhu cầu đầu tư sản xuất – kinh doanh.
Thành công từ những thương vụ M&A của Masan Group
Tập đoàn Masan (MSN) tiếp tục khẳng định vị thế với chiến lược bài bản và tầm nhìn dài hạn, hướng đến việc xây dựng một hệ sinh thái tiêu dùng toàn diện. Từng được vinh danh là doanh nghiệp có chiến lược M&A tiêu biểu trong giai đoạn 2021 – 2022 với hơn 10 thương vụ, trong đó 5 thương vụ lọt top 50 thương vụ tiêu biểu, Masan không ngừng tìm kiếm cơ hội để mở rộng và hoàn thiện hệ sinh thái này.
Từ việc mua lại VinCommerce và VinEco (nay là WinCommerce và WinEco) đến việc nắm giữ phần lớn cổ phần của Vinacafé Biên Hòa và đầu tư vào chuỗi trà sữa Phúc Long, Masan đang từng bước hoàn thiện chuỗi giá trị, từ sản xuất đến bán lẻ, đáp ứng đa dạng nhu cầu của người tiêu dùng.
Không chỉ dừng lại ở mảng thực phẩm và đồ uống, Masan còn mở rộng sang lĩnh vực tài chính với khoản đầu tư hàng chục triệu USD vào Trusting Social. Đây là một công ty cung cấp giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ tài chính trong bán lẻ và tiêu dùng, nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và thực thi mô hình “offline to online” của tập đoàn.
Ngoài ra, thương vụ Masan nhận khoản đầu tư 255 triệu USD từ Bain Capital (một quỹ đầu tư tư nhân hàng đầu thế giới) đã tạo tiếng vang lớn. Thương vụ còn nằm trong top 3 thương vụ đầu tư vốn cổ phần lớn nhất tính đến thời điểm hiện tại của năm 2023. Khoản đầu tư này không chỉ mang lại nguồn lực tài chính đáng kể, mà còn thể hiện sự tin tưởng mạnh mẽ của Bain Capital vào chiến lược dài hạn và triển vọng của Masan.
Tập trung vào công nghệ và công nghiệp: Chiến lược M&A của Vingroup
Vingroup – một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn nhất Việt Nam, đang thực hiện chiến lược tái cấu trúc danh mục đầu tư thông qua các thương vụ M&A, với trọng tâm là các lĩnh vực công nghệ và công nghiệp. Chiến lược này phản ánh tầm nhìn dài hạn của Vingroup trong việc nắm bắt xu hướng công nghệ toàn cầu và đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Động thái thoái vốn khỏi Vincom Retail với giá trị 982 triệu USD, thương vụ M&A lớn nhất tại Việt Nam từ đầu năm đến nay, là một minh chứng rõ nét cho sự chuyển dịch chiến lược này.
Việc thoái vốn khỏi mảng bán lẻ bất động sản, một lĩnh vực đã tương đối trưởng thành, cho phép Vingroup giải phóng nguồn lực tài chính đáng kể để tập trung đầu tư vào các lĩnh vực mới nổi và tiềm năng hơn. Theo ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vingroup, quyết định thoái vốn khỏi Vincom Retail nhằm tập trung nguồn lực cho các thương hiệu trọng điểm, hướng tới sự phát triển đột phá trong giai đoạn mới.
Đồng thời, việc mua lại VinES Energy Solutions với giá 440 triệu USD cũng thể hiện rõ tham vọng của tập đoàn trong lĩnh vực công nghệ năng lượng, đặc biệt là pin xe điện, hỗ trợ trực tiếp cho chiến lược phát triển xe điện của VinFast. Những thương vụ M&A này cho thấy Vingroup đang hướng tới một tương lai công nghệ, với mục tiêu trở thành một tập đoàn công nghệ – công nghiệp hàng đầu khu vực.
Thị trường M&A Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, với doanh nghiệp nội đóng vai trò chủ đạo. Theo báo cáo của KPMG, các nhà đầu tư trong nước chiếm tới 53% tổng giá trị giao dịch M&A được công bố trong 9 tháng đầu năm 2024, gần gấp đôi tổng giá trị của 4 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất cộng lại. Các chuyên gia dự báo thị trường M&A sẽ tiếp tục khởi sắc, đặc biệt với sự trở lại của các thương vụ xuyên biên giới, với dòng vốn đến từ các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Mỹ.
Kim Khanh
Xem thêm tin: Tại đây