Những cổ phiếu tiềm năng dựa trên kết quả kinh doanh quý cuối năm 2024
Nhiều cổ phiếu ghi nhận tăng trưởng ấn tượng về doanh thu và lợi nhuận trong quý 4/2024, đặc biệt ở nhóm ngành thiết yếu.

Bức tranh kinh tế toàn cầu và ở Việt Nam
Năm 2024, nền kinh tế toàn cầu phục hồi nhưng vẫn đối mặt nhiều thách thức. Lạm phát giảm đã tạo điều kiện cho các ngân hàng trung ương thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt và các gói kích thích tài khóa được triển khai để thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, sự cạnh tranh thương mại gia tăng, xung đột địa chính trị và biến đổi khí hậu gây áp lực lên thị trường năng lượng và chuỗi cung ứng.
Gánh nặng nợ công tại các nền kinh tế chủ chốt cũng có thể làm giảm tăng trưởng. OECD dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu đạt 3,2% trong năm 2024 và 3,3% vào năm 2025, trong khi IMF dự báo lạm phát toàn cầu giảm xuống 5,8% vào cuối năm 2024, từ 6,7% năm trước, và còn 4,3% vào năm 2025.
Tại Việt Nam, nền kinh tế duy trì ổn định với lạm phát được kiểm soát tốt. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý 4/2024 tăng 2,87% so với cùng kỳ, và cả năm CPI tăng 3,63%, đạt mục tiêu Quốc hội. Lạm phát cơ bản cũng thấp, chỉ tăng 2,71%, dưới mức trần 4 – 4,5% của Chính phủ. Đầu năm 2025, CPI tăng nhẹ, đạt 0,98% so với tháng trước và 3,63% so với cùng kỳ.
GDP Việt Nam quý 4/2024 tăng trưởng 7,55%, là mức tăng cao nhất từ năm 2017, với tổng GDP cả năm tăng 7,09%, vượt nhiều nền kinh tế khu vực. Việt Nam đặt mục tiêu đạt tăng trưởng trên 8% năm 2025, hướng tới tốc độ tăng trưởng hai con số từ năm 2026, mở ra triển vọng phát triển bền vững.
Phân tích kết quả kinh doanh quý 4/2024
Báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2024 cho thấy tăng trưởng ổn định và phân hóa giữa các ngành. Tổng lợi nhuận sau thuế tăng 20,9% so với năm trước, tương tự mức của ba quý trước. Nhóm ngành phi tài chính tăng trưởng 25,7%, trong khi ngành tài chính chỉ tăng 16,7%.
Ngành bán lẻ ghi nhận mức tăng 445,6%, phản ánh nhu cầu tiêu dùng phục hồi mạnh. Ngành viễn thông tăng 234,9%, nhờ xu hướng chuyển đổi số. Du lịch và giải trí tăng trưởng 171,1% do lượng khách quốc tế tăng, trong khi bất động sản tăng 101,3% nhờ các hỗ trợ của Chính phủ. Ngành xây dựng và vật liệu tăng 61,9% nhờ đầu tư công.

Tuy nhiên, một số ngành giảm sút đáng kể. Ngành dầu khí giảm 48,5% do biến động giá dầu, dịch vụ tài chính giảm 15,8%, và hóa chất giảm 10,8%. Các lĩnh vực y tế và bảo hiểm cũng ghi nhận mức giảm nhẹ.
Chứng khoán Việt Nam có diễn biến không quá tích cực trong quý 4/2024 khi VN-Index giảm vào tháng 10 và tháng 11 trước khi hồi phục vào tháng 12. Tính đến phiên giao dịch cuối cùng của năm 2024, VN-Index đạt 1.266,78 điểm, tăng nhẹ 1,3% so với tháng trước và tăng 12,1% so với cuối năm 2023.
Thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao với khối lượng giao dịch trung bình trên sàn HOSE trong tháng 12 đạt hơn 578 triệu cổ phiếu mỗi ngày, với giá trị giao dịch trung bình đạt hơn 14.595 tỷ đồng mỗi ngày, tăng 6,08% về khối lượng và 2,64% về giá trị so với tháng trước.
Tính chung cả năm 2024, giá trị giao dịch bình quân trên HOSE đạt 18.760 tỷ đồng mỗi ngày, tăng 23% so với năm 2023. Đáng chú ý, tổng giá trị vốn hóa thị trường trên HOSE đạt hơn 5,2 triệu tỷ đồng, tương đương 50,95% GDP năm 2023 và chiếm hơn 93,92% tổng vốn hóa cổ phiếu niêm yết trên thị trường.
Danh mục cổ phiếu tiềm năng trong năm 2025
Dựa trên kết quả kinh doanh quý 4/2024, Mirae Asset Vietnam đã lọc ra danh mục cổ phiếu tiềm năng dựa trên nền tảng cơ bản, biên lợi nhuận gộp, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận và tính thanh khoản. Ngành bất động sản nổi bật nhờ hưởng lợi từ lãi suất thấp và các chính sách pháp lý mới, như Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Xây dựng (sửa đổi), sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2025.

Ngành bán lẻ được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng nhờ sức mua nội địa cải thiện và chính sách kích cầu của Chính phủ. Ngành cao su có lợi thế nhờ nguồn cung toàn cầu thiếu hụt, giúp giá cao su duy trì ở mức cao. Lĩnh vực xây dựng cũng có triển vọng tích cực khi Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% vào năm 2025, kéo theo nhu cầu đầu tư công tăng cao.
Vận tải và kho bãi là một lĩnh vực đáng quan tâm khi giá cước vận tải gia tăng do căng thẳng địa chính trị, đồng thời sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu có thể giúp Việt Nam trở thành điểm trung chuyển quan trọng.
Dựa theo các nhận định trên Mirae Asset Vietnam đã chia các mã cổ phiếu thành 2 nhóm chính bao gồm nhóm “Super Stocks” có tiềm năng tăng trưởng mạnh và đáp ứng điều kiện biên LNG Q4/2024 > Biên LNG Q3/2024 > Biên LNG 2023. Danh sách bao gồm FRT (Bán lẻ), PET (Bán lẻ), DXG (Bất động sản), SJS (Bất động sản), TDC (Bất động sản), DPR (Cao su), TRC (Cao su), DRI (Cao su), MSH (Dệt may), VGT (Dệt may), ACV (Dịch vụ hàng không), TTA (Điện), và GEE (Điện).
Nhóm thứ hai là nhóm Good với các cổ phiếu đáp ứng điều kiện Biên LNG Q4/2024 > Biên LNG Q3/2024. Danh sách bao gồm VIC (Bất động sản), GVR (Cao su), CTS (Chứng khoán), GEX (Điện), VTZ (Nhựa), VHC (Thủy sản), HVH (Xây dựng), PC1 (Xây dựng), và VC2 (Xây dựng).
Trong bối cảnh đó, các nhóm ngành ổn định như thực phẩm, điện, cũng như các ngành có tiềm năng phục hồi mạnh như bất động sản, bán lẻ, xây dựng và vận tải dự kiến sẽ tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư. Mặc dù có những biến động trong ngắn hạn, triển vọng kinh tế Việt Nam và thị trường chứng khoán năm 2025 vẫn rất tích cực, với nhiều cơ hội cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Minh Thư