VN-Index xuất hiện nhịp hồi kỹ thuật mang đến cơ hội tốt
Agriseco dự báo VN-Index có thể thu hẹp đà giảm, thậm chí hồi phục kỹ thuật trong tuần tới sau khi đánh giá tác động thuế quan và chờ đàm phán Việt-Mỹ.

VN-Index giảm sâu chưa từng có trong 25 năm
Thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận một phiên giao dịch kém khả quan sau tuyên bố của ông Trump, với chỉ số VN-Index giảm gần 88 điểm vào ngày 3/4, mức giảm sâu nhất kể từ khi thị trường hoạt động. Ngày 4/4, chỉ số VN-Index tiếp tục sụt giảm, có lúc đánh mất ngưỡng hỗ trợ 1.200 điểm, trước khi lực cầu bắt đáy làm thu hẹp đà giảm của VN-Index.
Tâm lý nhà đầu tư trở nên hoảng loạn, đặc biệt khi tỷ lệ áp thuế 46% cao hơn dự đoán. Hệ quả là không chỉ các nhóm ngành xuất khẩu mà hầu hết cổ phiếu đều bị bán tháo. Trao đổi với phóng viên, ông Lê Đức Huy – Trưởng bộ phận Chiến lược thị trường, Công ty CP Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho rằng nguyên nhân chính khiến thị trường phản ứng mạnh là do mức thuế suất 46% vượt quá kỳ vọng.
“Mức thuế cao đột biến này không chỉ tác động về mặt tâm lý bất ngờ, mà còn ảnh hưởng tiêu cực về kỳ vọng xuất khẩu và tăng trưởng GDP. Do đó tôi cho rằng việc thị trường giảm mạnh trong tuần qua là có cơ sở, cả về mặt tâm lý thị trường cũng như về phương diện đánh giá những tác động đến nền kinh tế và hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp”, vị chuyên gia cho hay.
Tuy nhiên, theo ông Huy, đây chưa phải là kịch bản cuối cùng và thị trường vẫn có cơ sở để kỳ vọng vào những chuyển biến tích cực trong thời gian tới. “Quãng nghỉ cuối tuần cùng dịp nghỉ lễ là thời gian để thị trường đánh giá lại một cách kỹ lưỡng hơn những tác động của chính sách thuế quan đến từng nhóm ngành và từng doanh nghiệp cụ thể”, ông Lê Đức Huy chia sẻ.
Chuyên gia này cũng nhấn mạnh rằng nền kinh tế Việt Nam với độ mở cao và tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ chiếm hơn 30% tổng kim ngạch sẽ chịu cú sốc lớn nếu mức thuế 46% thực sự được áp dụng. Trong kịch bản tích cực nhất, ông Huy kỳ vọng Mỹ sẽ điều chỉnh thuế xuống mức 20% hoặc thấp hơn, đặc biệt khi Tổng thống Trump vẫn để ngỏ khả năng đàm phán.
Trên thực tế, Việt Nam gần đây đã chủ động có nhiều động thái thể hiện thiện chí, từ việc cho phép Starlink nghiên cứu hoạt động, giảm thuế nhập khẩu với hàng hóa Mỹ, đến việc tăng cường mua vào các sản phẩm từ quốc gia này. Đáng chú ý, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Donald Trump nhằm thúc đẩy đối thoại và đề xuất áp dụng thuế suất 0% song phương – một tín hiệu cho thấy cánh cửa đàm phán vẫn đang mở rộng.
“Chúng ta sẽ cần theo dõi thêm những yêu cầu từ phía Mỹ đặt ra cho Việt Nam để có thể đàm phán về mức thuế. Tôi cho rằng sau đàm phán, mức thuế 46% mà Mỹ đang áp cho Việt Nam khả năng cao sẽ được điều chỉnh giảm, nhưng mức giảm đến đâu sẽ phụ thuộc vào việc đàm phán giữa 2 bên”, vị chuyên gia cho hay.
Áp lực ngắn hạn, cơ hội dài hạn

Tác động của cú sốc thuế quan không chỉ giới hạn ở các nhóm ngành xuất khẩu như dệt may, gỗ, thủy sản, cao su hay logistics, mà còn lan rộng toàn thị trường. Theo ghi nhận, sau phiên VN-Index giảm điểm kỷ lục, gần như tất cả các nhóm ngành đều chứng kiến mức sụt giảm đồng loạt, bất chấp mối liên hệ trực tiếp hay gián tiếp với chính sách thuế quan.
Tuy nhiên, ông Lê Đức Huy đánh giá, mặt bằng định giá cổ phiếu hiện nay đang ở mức thấp hơn đáng kể so với giai đoạn chiến tranh thương mại Mỹ – Trung lần đầu (2018-2019), cho thấy khả năng phục hồi kỹ thuật hoàn toàn có thể xảy ra.
“Nhìn lại giai đoạn 2018-2019 khi thương chiến 1.0 bắt đầu, thị trường chứng khoán toàn cầu đã giảm mạnh khoảng 20%, bao gồm cả thị trường chứng khoán Việt Nam, mặc dù chúng ta là quốc gia hưởng lợi trong giai đoạn đó. Vậy nên hiệu ứng tâm lý tiêu cực trong giai đoạn hiện tại có thể còn lớn hơn nhiều bởi Việt Nam là một trong các quốc gia chịu tác động lớn nhất”, ông Lê Đức Huy đánh giá.
Nhiều cổ phiếu đã được chiết khấu từ 15-20% so với đỉnh, tạo ra cơ hội tái cơ cấu danh mục đầu tư. Nhà đầu tư có thể bắt đầu xem xét các nhóm ngành ít chịu tác động từ bảo hộ thương mại như ngân hàng, xây dựng, bất động sản, bán lẻ hay công nghệ. Ngoài ra, các nhóm cổ phiếu có tính ổn định cao như điện, nước hoặc các cổ phiếu có tỷ suất cổ tức hấp dẫn được ông Huy đánh giá là lựa chọn an toàn trong bối cảnh thị trường còn nhiều biến động.
VN-Index đang đối mặt với thách thức về tâm lý và yếu tố vĩ mô sau mức giảm mạnh đầu tháng 4. Tuy nhiên, nếu căng thẳng thương mại được giảm bớt qua đàm phán, VN-Index có thể sớm phục hồi nhờ vào định giá và thanh khoản hấp dẫn. Các nhà phân tích kỳ vọng thị trường sẽ phản ánh chính xác hơn diễn biến đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ, và nếu tình hình tiếp tục tích cực, VN-Index có khả năng phục hồi và xác lập mặt bằng giá mới.
Minh Thư
Nguồn tham khảo: vietnamfinance.vn