Doanh nghiệp khởi nghiệp khơi dậy tiềm năng phát triển tài nguyên địa phương
Các dự án khởi nghiệp có sự kết nối với cộng đồng địa phương nhằm tận dụng nguồn tài nguyên bản địa từ đó gia tăng giá trị sản phẩm.
Các dự án khởi nghiệp tận dụng tốt nguồn tài nguyên địa phương
Đây là nhận định của bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao và Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) trong buổi khai mạc Chung kết Cuộc thi Ý tưởng/Dự án Khởi nghiệp Xanh – Phát triển bền vững lần thứ 10 vào sáng 9/11/2024. Bà Hạnh cho biết, 36 ý tưởng và dự án vào chung kết cuộc thi năm nay, diễn ra trong hai ngày 9 và 10/11, đều có triển vọng lớn nhờ khai thác tốt các giá trị tài nguyên địa phương.
Tiến sĩ Phan Văn Minh, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu Công nghệ Sinh học Môi trường tại Viện Nghiên cứu Công nghệ Sinh học và Môi trường thuộc Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh, cũng đồng tình với nhận định trên. Ông cho rằng các dự án này khá sát với tài nguyên bản địa, mang nội dung đa dạng. Nhiều dự án đã sử dụng phế phẩm và sản phẩm nông nghiệp, chọn trồng những loại cây phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng như tre bốn mùa, cây xương rồng và bồ công tím để tạo ra giá trị cao.
Bà Hạnh thông tin thêm rằng sau 10 năm tổ chức, cuộc thi đã thu hút 2.300 thí sinh tham gia, trong đó có đến 1.600 dự án. Những ý tưởng và dự án tham gia cuộc thi hàng năm không chỉ làm phong phú và đa dạng cho cộng đồng doanh nông khởi nghiệp mà mỗi lần tổ chức cuộc thi còn ghi nhận nhiều đổi mới.
Điểm nhấn của cuộc thi năm nay là ban tổ chức không chỉ chấm điểm các dự án khởi nghiệp mà còn đánh giá các ý tưởng, đặc biệt từ các bạn đồng bào dân tộc ở những vùng sâu, vùng xa. Điều này cho thấy tiềm năng lớn từ những ý tưởng khai thác tài nguyên bản địa. Ban tổ chức năm nay chia thành hai bảng, một cho 12 ý tưởng/dự án và bảng còn lại cho 24 dự án đã hoạt động từ 4-5 năm.
“Cuộc thi năm nay có 12 ý tưởng và 24 dự án đến từ 26 tỉnh, thành trên khắp cả nước. Chúng tôi rất mừng vì cuộc thi năm nay thu hút được nhiều ý tưởng, dự án từ miền Trung và nhiều tỉnh cực Bắc của tổ quốc.
Chúng tôi mừng vì sở dĩ trước đó TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long đã có nhiều dự án tham dự và đã có những sản phẩm thâm nhập sâu vào thị trường trong nước và thế giới, thì nay sự tham dự của các ý tưởng/dự án miền Trung và miền Bắc là tín hiệu mới mà chúng tôi thấy rất mừng”, bà Vũ Kim Hạnh đã có những chia sẻ.
Trong thời gian qua, Trung tâm BSA đã tích cực kết nối và hợp tác với các chuyên gia, doanh nghiệp, cơ quan và tổ chức trong nước và quốc tế để hỗ trợ các dự án trong hệ sinh thái Khởi nghiệp Xanh. Điều này đã tạo nền tảng cho nhiều bạn trẻ đạt giải cao trong các cuộc thi khởi nghiệp của chúng tôi bước ra thị trường quốc tế, đáp ứng những yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn và chất lượng sản phẩm.
Họ đang từng bước trở thành những doanh nhân nông nghiệp, đưa sản phẩm nông sản Việt Nam qua chế biến sâu vươn tới nhiều quốc gia trên thế giới.
Một ví dụ điển hình là dự án Mr Mướp của Công ty Thảo Minh, giành giải quán quân trong cuộc thi Dự án khởi nghiệp – Khởi nghiệp xanh năm 2023. Sản phẩm của công ty này, được làm từ xơ mướp, hiện đã có mặt tại siêu thị AEON Nhật Bản và đạt chứng nhận OCOP 3 sao và 4 sao.
Dự án này không chỉ tận dụng nguồn tài nguyên bản địa mà còn biến phế phẩm nông nghiệp từ xơ mướp thành vật liệu tiềm năng trong xu hướng kinh tế xanh. Những sản phẩm như miếng lót giày, miếng rửa mặt, chà lưng, và túi xách mang thương hiệu Mr Mướp không chỉ thu hút sự chú ý của các nhà bán lẻ và chuỗi siêu thị trong nước mà còn chinh phục thành công thị trường Mỹ, Nhật Bản, và Hàn Quốc.
Công ty Thảo Minh hiện đang liên kết với khoảng 20ha vùng trồng tại các địa phương như Đồng Tháp, An Giang, Bình Phước, và Đồng Nai, thông qua kế hoạch xây dựng vùng trồng và bao tiêu nguyên liệu, giúp đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ nông dân. Trung bình, mỗi ha đất trồng cho sản xuất khoảng 80.000 sản phẩm, mang lại lợi nhuận khoảng 120 triệu đồng cho mỗi vụ.
Ông Đỗ Đăng Khoa, Giám đốc Công ty Thảo Minh, cho biết yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp nhận được nhiều đơn hàng từ thị trường quốc tế chính là chất lượng sản phẩm và tính thân thiện với môi trường.
Hiện nay, đơn hàng xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu đạt trung bình từ 50.000 đến 60.000 sản phẩm mỗi tháng, thu lãi khoảng 100 triệu đồng. Đối với thị trường nội địa, Mr Mướp cũng đã tìm được đầu ra ổn định đảm bảo cho 2.000 sản phẩm mỗi tháng.
Cuộc thi năm nay có tổng giá trị giải thưởng lên đến 967.000.000 VNĐ. Ngoài các giải thưởng, những ý tưởng và dự án xuất sắc còn có cơ hội tham gia Hội chợ quốc tế liên quan đến nông nghiệp và công nghệ thực phẩm do Trung tâm BSA tổ chức. Các dự án cũng sẽ được tham gia các lớp học nâng cao kiến thức về phát triển doanh nghiệp, xúc tiến thương mại và thực hành tiêu chuẩn.
Hơn nữa, họ còn có cơ hội tham gia các chuyến study tour trong nước, nơi học thực tế tại các doanh nghiệp, nông trường, trang trại với sự huấn luyện của các chuyên gia trong 2-3 ngày. Các dự án cũng sẽ nhận phiếu mua vật tư nông nghiệp, tham gia Phiên chợ Khởi nghiệp xanh, và thực hiện các đoạn clip truyền thông ngắn để giới thiệu về doanh nghiệp của mình.
“Các dự án ý tưởng khởi nghiệp tham gia vào chương trình này, bất kể có đến được chung kết hay không, thì các bạn đều được tham gia vào các business tour, các cuộc triển lãm… Năm nay, việc kết nối với thị trường quốc tế được coi trọng hơn, để các bạn có thể sớm tiếp cận với tiêu chuẩn và thị trường quốc tế” – bà Vũ Kim Hạnh đã khẳng định.
Minh Thư
Nguồn tham khảo: Thời báo Ngân hàng