Cổ phiếu F&B “đón sóng” đầu tư mới nhờ tiêu dùng phục hồi
Sau năm 2024 đầy thách thức, ngành F&B Việt Nam năm 2025 hứa hẹn phục hồi tiêu dùng, và cơ hội đầu tư cổ phiếu hấp dẫn.
Bức tranh F&B Việt Nam 2024-2025
Trong năm 2024, xu hướng thắt chặt chi tiêu vẫn là yếu tố chủ đạo. Điều này được thể hiện rõ qua việc tiêu thụ hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) sụt giảm ở cả khu vực thành thị và nông thôn so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, mức tăng giá không bù đắp được sự sụt giảm khối lượng tiêu thụ, dẫn đến tổng chi tiêu giảm. Dù khu vực nông thôn có dấu hiệu phục hồi từ quý 2 nhưng thành thị vẫn chưa ghi nhận tăng trưởng quá rõ ràng.
Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này là sự bất tương xứng giữa tăng trưởng thu nhập và tăng giá cả. Trong 3 quý đầu năm, thu nhập bình quân đầu người tăng trưởng chậm, thậm chí còn sụt giảm ở quý 2, trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của các nhóm lương thực, thực phẩm và đồ uống lại liên tục tăng.
Đặc biệt nhóm lương thực tăng mạnh từ đầu năm do giá gạo tăng cao và mùa cao điểm tiêu dùng Tết. So với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số giá lương thực tháng 12 tăng 4.58%, đồ uống và thuốc lá tăng 2.4%. Theo khảo sát của PwC, người tiêu dùng Việt Nam đang ưu tiên chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu như nhu yếu phẩm, quần áo và chăm sóc sức khỏe, đồng thời cắt giảm chi tiêu cho hàng xa xỉ.
Tính đến tháng 7/2024, Việt Nam ghi nhận 304,700 doanh nghiệp F&B, giảm 3.09% so với cuối năm 2023, trong đó có ít nhất 30,000 cửa hàng đóng cửa. Tại TP.HCM, số cửa hàng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với mức giảm 5.97%, trong khi Hà Nội chỉ tăng trưởng nhẹ 0.1%. Mặc dù cạnh tranh lớn, ngành vẫn điều chỉnh cấu trúc để cải thiện tình hình cho các doanh nghiệp yếu kém.
Triển vọng các ngành hàng trong 2025
Báo cáo của Shinhan Securities cho thấy ngành F&B tại Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2025, nhờ vào các yếu tố nhân khẩu học thuận lợi, bao gồm cơ cấu dân số vàng và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu. Trong ngành đường, giá đường thế giới hiện đang cao và giá trong nước cũng tương tự. Tuy nhiên, ngành đường trong nước chỉ đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu, phần còn lại phải nhập khẩu.
Để khắc phục tình trạng này, chính phủ Việt Nam đã triển khai các chính sách bảo hộ như thuế nhập khẩu và hạn ngạch, giúp giảm áp lực cạnh tranh từ hàng ngoại. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần chú ý đến biến động giá dầu và chính sách nhập khẩu, vì chúng có thể ảnh hưởng đến sản xuất. Trong giai đoạn 2021-2024, diện tích trồng mía dự kiến sẽ tăng mạnh, ước đạt 163,019 ha vào năm 2023/2024, tăng 11.4% so với năm trước, nhờ vào giá mía cao, đảm bảo thu nhập cho nông dân.
Ngành bia chứng kiến lượng tiêu thụ giảm trong năm 2023 do ảnh hưởng của Nghị định 100 và xu hướng thắt chặt chi tiêu. Tuy nhiên, dự báo ngành này sẽ phục hồi mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng 8.6%/năm trong giai đoạn 2024-2028 và đạt mốc 6.4 tỷ lít. Các doanh nghiệp đang chú trọng phát triển sản phẩm bia không cồn và ít cồn để đáp ứng nhu cầu sức khỏe của người tiêu dùng, đồng thời mở rộng kênh bán hàng off-trade đang ngày càng quan trọng.
Mặt khác, ngành bia cũng gặp nhiều thách thức từ dự thảo luật tăng thuế tiêu thụ đặc biệt. Việt Nam đã có 4 lần tăng thuế đặc biệt đối với bia bao gồm mức 45% giai đoạn 2010-2012, sau đó tăng đều lên 50% từ năm 2013, 55% từ năm 2016, 60% từ năm 2017 và 65% từ 2018. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược ứng phó linh hoạt trước những thay đổi này.
Thị trường sữa Việt Nam tiếp tục được dự báo tăng trưởng với tốc độ kép 4.1%/năm trong giai đoạn 2024-2028, cao hơn mức trung bình của thế giới. Nhưng vẫn còn một số vấn đề trong việc thị trường sữa Việt Nam có sự tập trung vào một số công ty lớn như VNM và Friesland, trong đó VNM giữ vị trí hàng đầu trong ngành hàng sữa nước, sữa chua và sữa đặc.
Ngành sữa cũng chỉ mới đáp ứng 40-50% nhu cầu trong nước, mặc dù vẫn đang tăng trưởng nhưng phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn từ sữa nhập khẩu. Vấn đề giá nguyên liệu sữa nhập khẩu dự kiến sẽ tăng trở lại, nhưng không quá đột biến do Trung Quốc có xu hướng giảm nhập khẩu, tạo áp lực lên biên lợi nhuận của các doanh nghiệp trong nước.
Cơ hội đầu tư cổ phiếu với các doanh nghiệp dẫn đầu
Sự phục hồi của ngành F&B không chỉ mang lại triển vọng tích cực về tiêu dùng mà còn mở ra cơ hội đầu tư cổ phiếu hấp dẫn. Báo cáo nhấn mạnh tiềm năng tăng trưởng của các doanh nghiệp niêm yết lớn như Masan Group (MSN), Vinamilk (VNM), Sabeco (SAB) và Quảng Ngãi Sugar (QNS).
Với mảng mía đường hưởng lợi từ giá đường cao và chính sách bảo hộ, cổ phiếu QNS được đánh giá là một cơ hội đầu tư hấp dẫn. Biên lợi nhuận của QNS dự kiến sẽ được cải thiện nhờ giá bán đường tăng và nỗ lực kiểm soát chi phí. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý đến các rủi ro như biến động giá đường và cạnh tranh từ đường nhập lậu.
Là doanh nghiệp dẫn đầu thị phần ngành sữa, Vinamilk duy trì hiệu suất tài chính ấn tượng với dự báo doanh thu năm 2025 đạt 64.021 tỷ đồng, tăng 2,4% so với năm trước. Biên lợi nhuận ròng (NPM) của VNM dự kiến đạt 15,7%, thể hiện sức mạnh vượt trội về hiệu quả hoạt động. Nhờ đó, cổ phiếu VNM có thể duy trì đà tăng trên thị trường.
Cổ phiếu MSN thuộc Masan Group với chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và tập trung vào thị trường tiêu dùng nội địa, doanh thu của Masan dự kiến đạt 91.732 tỷ đồng vào năm 2025, tăng trưởng 7,4% so với năm 2024. Điều này giúp Masan trở thành một trong những mã cổ phiếu có triển vọng sinh lời cao nhất, với mục tiêu giá tăng tới 50,6%.
Được hỗ trợ bởi sự hồi phục nhu cầu tiêu thụ bia, doanh thu của Sabeco dự báo đạt 34.238 tỷ đồng, tăng trưởng 5,8% so với năm trước. Với mục tiêu giá 71.300 đồng/cổ phiếu, nhờ đó cổ phiếu SAB đang thu hút sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư.
Minh Thư