15/01/2025 lúc 16:53

Ảnh hưởng của biến động tỷ giá lên thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán lao đao trước áp lực tỷ giá căng thẳng và bán ròng từ khối ngoại, khiến nhà đầu tư thận trọng trong năm 2025.

Thị trường chứng khoán đang chịu biến động của tỷ giá
Thị trường chứng khoán đang chịu biến động của tỷ giá. Ảnh minh họa

Rủi ro tỷ giá gây áp lực lên thị trường chứng khoán

Chưa đến một tuần nữa, Tổng thống Donald Trump sẽ chính thức nhậm chức, trở thành Tổng thống thứ 47 của Mỹ. Mặc dù thời điểm nhậm chức chưa đến, nhưng những kỳ vọng từ giới đầu tư đã đẩy đồng đô la tăng mạnh. Lợi suất trái phiếu Mỹ cũng đồng loạt tăng, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tỏ ra thận trọng với những quyết định về lãi suất.

Tính đến ngày 13/1, chỉ số đồng đô la Mỹ (DXY) đã vượt qua mốc 110 điểm, đạt mức cao nhất trong hơn hai năm. Đến ngày 14/1, mặc dù chỉ số này có giảm nhẹ, vẫn giữ ở mức 109,5 điểm, tăng hơn 2% so với thời điểm ông Trump đắc cử. Xu hướng này tạo ra áp lực đáng kể lên tỷ giá trong nước.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán lại ghi nhận sự rút ròng của khối ngoại, tình trạng này kéo dài từ năm 2024 và tiếp tục vào những tháng đầu năm 2025. Tâm lý dè dặt của nhà đầu tư nội khiến thanh khoản trên ba sàn chứng khoán chỉ còn khoảng 9.000 tỷ đồng. VN-Index mất tổng cộng hơn 6,5 điểm sau phiên tăng 5 điểm trước đó.

VN-Index mất điểm do khối ngoại bán ròng mạnh
VN-Index mất điểm do khối ngoại bán ròng mạnh. Ảnh: VnEconomy

Báo cáo mới nhất của Quỹ SGI Capital chỉ ra, tỷ giá USD/VND liên tục căng thẳng trong năm 2024, kết hợp với áp lực bán ròng kéo dài từ nhà đầu tư nước ngoài, là những yếu tố tiêu cực đối với thị trường chứng khoán. Tình hình này được dự báo sẽ tiếp diễn trong năm nay, đặc biệt khi dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã giảm hơn 8 tỷ USD, chỉ còn đủ cho 11 tuần nhập khẩu, thấp hơn mức khuyến nghị 14 tuần của IMF.

Ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, chuyên gia tư vấn đầu tư tại chương trình Việt Nam và các chỉ số ngày 14/1 đã đưa ra nhận định: “Chúng ta phải thừa nhận rằng đồng đô la hiện rất cao (vượt mức 109), ảnh hưởng rõ rệt đến thị trường và làm VN-Index yếu đi”.

Bên cạnh đó, ACBS cảnh báo Việt Nam có thể gặp áp lực từ sự mạnh lên của DXY và đồng nhân dân tệ suy yếu nếu Trung Quốc phá giá đồng tiền. Các chuyên gia dự đoán tỷ giá USD có khả năng tăng lên 5% giống như năm 2024, trong khi lãi suất điều hành có thể tăng thêm 0,25%.

Bài toán quản trị cho nhà đầu tư

Mặc dù tỷ giá là một yếu tố rủi ro lớn với nền kinh tế và thị trường chứng khoán, nhưng thực tế cho thấy nỗi lo về tỷ giá phần lớn đến từ tâm lý các nhà đầu tư và áp lực bán ròng từ khối ngoại. Theo thống kê, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành tỷ giá hiệu quả trong những năm qua, giúp ổn định thị trường ngay cả khi tỷ giá gặp áp lực.

Trong báo cáo chiến lược năm 2025 vừa công bố, các công ty chứng khoán đều nhận định rằng mặc dù tỷ giá vẫn là một rủi ro, lãi suất vẫn duy trì ổn định, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Theo Chứng khoán HSC, sự mạnh lên của đồng USD có thể gây áp lực cho các nền kinh tế xuất khẩu như Việt Nam, nhưng tác động tiêu cực sẽ được kiểm soát nhờ các điều chỉnh chiến lược phù hợp.

Áp lực của tỷ giá trên thị trường chứng khoán vẫn sẽ được kiểm soát
Áp lực của tỷ giá trên thị trường chứng khoán vẫn sẽ được kiểm soát. Ảnh minh họa

Điều đáng mừng là doanh nghiệp đã chủ động ứng phó với biến động tỷ giá từ nhiều năm nay. Tỷ giá không còn là rủi ro khó quản lý mà trở thành yếu tố thường xuyên trong quản trị rủi ro. Nhà đầu tư có thể dựa vào thông tin công bố của doanh nghiệp để ước tính tác động của tỷ giá đến chi phí và lợi nhuận, từ đó đưa ra quyết định hợp lý.

Khi những lo ngại về tỷ giá được giảm bớt nhờ thông tin mới từ kết quả kinh doanh quý IV/2024 và kế hoạch năm 2025, tâm lý thị trường chứng khoán có thể được cải thiện. Mặc dù mức giá thị trường chứng khoán không còn quá rẻ, nhiều mã cổ phiếu đã giảm về vùng hỗ trợ dài hạn với định giá thấp theo chỉ số P/E hoặc P/B.

Ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh Số của Chứng khoán VPBank, nhận định rằng tỷ giá VND/USD đang có xu hướng mạnh lên, phản ánh sức mạnh của nền kinh tế Mỹ. Theo chu kỳ, đồng USD thường mạnh vào ba tháng đầu năm và có thể chững lại từ tháng 4. Tuy nhiên, nếu Tổng thống Donald Trump có những phát biểu tích cực về chính sách thương mại, có thể kỳ vọng sự phục hồi của USD, trong bối cảnh thị trường chứng khoán thường khó tăng trưởng khi USD không tạo đỉnh.

Còn theo ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, trong bối cảnh tỷ giá biến động, nhóm ngành xuất nhập khẩu vẫn sẽ tiếp tục hưởng lợi trên thị trường chứng khoán. Ông Tâm có chia sẻ: “Các doanh nghiệp xuất khẩu có đầu vào trong nước như thuỷ sản, dệt may… nhưng đầu ra lại thu được đô la về do xuất khẩu sang Mỹ thì sẽ được hưởng lợi, dự đoán các doanh nghiệp sẽ có mức tăng trưởng cao. Trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường đang suy yếu thì các các cổ phiếu đều bị chiết khấu theo dòng tiền, dù vậy cổ phiếu các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn được đánh giá cao”.

Minh Thư

Xem thêm tin: Tại đây