Thị trường chứng khoán 2025 và các rủi ro “Thiên nga đen” tiềm ẩn
Sự chuẩn bị và chiến lược phù hợp giúp nhà đầu tư biến rủi ro “Thiên nga đen” thành cơ hội khi thị trường chứng khoán biến động.
Thị trường chứng khoán 2025 cần cẩn trọng rủi ro
Nhận định về triển vọng thị trường chứng khoán năm 2025, ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh số Chứng khoán VPBankS, đã có những chia sẻ trong Chương trình “Việt Nam và các chỉ số: Tài chính Thịnh vượng” đánh giá rằng khả năng tăng trưởng của chỉ số Vn-Index sẽ vượt trội hơn so với khả năng giảm sâu.
Theo ông Đức, thị trường chứng khoán đã tích lũy nhiều yếu tố tích cực trong hai năm qua. Năm 2024, doanh nghiệp trong nước dự kiến sẽ phục hồi tốt với mức tăng trưởng đạt khoảng 18%. Đặc biệt, định giá thị trường hiện ở mức tương đối hấp dẫn, chỉ khoảng 11-12 lần. Mặc dù vậy, khối ngoại đã có thời điểm bán ròng mạnh. Tuy nhiên, vào cuối năm, xu hướng này đã có sự thay đổi tích cực khi hoạt động mua trở lại gia tăng.
Bước sang năm 2025, ông Đức hy vọng khi Việt Nam được nâng hạng trên thị trường quốc tế, dòng tiền nước ngoài sẽ quay trở lại. Kinh tế trong nước cũng được dự báo sẽ phát triển ổn định với mức tăng trưởng từ 6,5-7% và cung tiền dự kiến tăng khoảng 15%. Ông khẳng định: “Thị trường vượt được 1.400 thì có thể vượt 1.500 điểm trong năm tới”. Mặc dù có nhiều lý do tích cực, ông Đức cũng cảnh báo rằng thị trường chứng khoán đang đối mặt với một số rủi ro, mà một chuyên gia gọi là “thiên nga đen”.
Rủi ro thuế quan từ chính sách thương mại Mỹ
Một trong những rủi ro lớn nhất được nhận diện cho năm 2025 là khả năng Mỹ áp dụng chính sách thuế quan cực đoan, khi Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng. Trước đó, ông Trump từng tuyên bố sẽ áp thuế 60% với hàng hóa Trung Quốc và 25% với các nước khác. Chính sách này, nếu thực hiện, có thể gây ra những biến động lớn cho nền kinh tế toàn cầu, tác động trực tiếp đến lạm phát, GDP, tiền tệ, cũng như các kênh đầu tư.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Việt Đức nhận định điều này là khó xảy ra: “Trong bài phỏng vấn gần đây, khi được hỏi sẽ làm gì trong 100 ngày đầu tiên, ông Trump cho biết thuế quan chỉ là công cụ đàm phán. Nếu đồng ý xử lý vấn đề như ngăn chặn nhập cư hay trả lại kênh đào Panama hay những quốc gia có nhiều thặng dư chịu nhập nhiều hàng hóa mà Mỹ có lợi thế như dầu thì kịch bản trên sẽ không xảy ra”.
Theo ông Đức, việc chính sách thuế quan cực đoan của cựu Tổng thống Trump có thể dẫn đến lạm phát trở lại, nhưng ông cho rằng đây chỉ là chiêu thức đàm phán nhằm gia tăng nhập khẩu từ Mỹ. Ông chia sẻ rằng thị trường đã chuẩn bị cho kịch bản “Thiên Nga đen” liên quan đến thuế quan của Mỹ.
Tác động thực tế của chính sách này sẽ phụ thuộc vào những tuyên bố chính thức của ông Trump sau khi ông nhậm chức. Nếu không có thông tin tiêu cực, thị trường chứng khoán có thể tiếp tục tăng trưởng trong năm tới. Nếu chỉ có Trung Quốc đáp trả, tác động sẽ không quá nghiêm trọng, do nước này đã trải qua cuộc chiến thương mại kéo dài 5-6 năm và đã có những điều chỉnh cần thiết.
Ngược lại, nếu tất cả các quốc gia đồng loạt phản đối Mỹ, khả năng xảy ra “Thiên Nga đen” sẽ cao hơn. Tuy nhiên, ông Đức cho rằng khả năng này khó xảy ra, vì Trump chỉ áp thuế khi có lý do hợp lý và có thể sẽ không duy trì thuế nếu giải quyết được vấn đề.
Về mặt chính sách tiền tệ, lạm phát tại Mỹ được coi là chỉ tiêu quan trọng cho các quyết định của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Tuần trước, Fed thông báo sẽ không hạ lãi suất nhanh như kỳ vọng, giảm dự báo xuống còn hai lần trong năm 2025, dẫn đến phản ứng tiêu cực từ thị trường.
“Đây là điều đáng lo ngại hơn chính sách thuế của ông Trump. Nhưng nhìn về hướng tích cực, việc Fed không hạ lãi suất mạnh tay do nền kinh tế Mỹ vẫn tốt. Do đó, có thể gọi đây là kịch bản “Goldilock”: kinh tế tăng trưởng khoảng 2%, lạm phát xuống không quá thấp, khoảng 3%. Kịch bản không quá tốt nhưng giúp thị trường thế giới có thể tăng trưởng được. Bởi vậy, đa số các nhà phân tích trên thế giới vẫn kỳ vọng chứng khoán Mỹ có thể tăng trưởng 10% trong năm tiếp theo”, ông Nguyễn Việt Đức chia sẻ.
Rủi ro tỷ giá từ biến động thị trường quốc tế
Bên cạnh thuế quan, tỷ giá là một rủi ro đáng chú ý khác, đặc biệt tại các quốc gia mới nổi như Việt Nam. Năm 2024, các đợt điều chỉnh mạnh của thị trường chứng khoán vào tháng 4, tháng 6 và tháng 10 đều xuất phát từ áp lực tỷ giá.
Đối với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, tỷ giá không chỉ phụ thuộc vào nội tại mà còn bị chi phối bởi biến động của đồng nhân dân tệ hay các đồng tiền tại khu vực Đông Nam Á. Chẳng hạn, khi Trung Quốc hoặc Indonesia điều chỉnh tỷ giá, Việt Nam gần như ngay lập tức chịu tác động trực tiếp.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Việt Đức cho rằng tỷ giá năm 2025 sẽ ổn định hơn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có những chính sách linh hoạt và nhịp nhàng trong điều hành tiền tệ. Các biện pháp này giúp kiểm soát lạm phát và đảm bảo mức lãi suất thực dương. Nhìn chung, các chính sách tài khóa và tiền tệ trong năm tới sẽ tiếp tục được điều chỉnh nhằm duy trì sự ổn định của tỷ giá, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng GDP ở mức hợp lý.
Ngoài ra, ông Đức cảnh báo về rủi ro định giá của S&P 500, khi mà chứng khoán Mỹ đang ở mức cao ngất ngưởng. Sự tương quan giữa thị trường chứng khoán Việt Nam và Mỹ được ước tính lên đến 70-80%. Sự điều chỉnh trong thị trường Mỹ có thể xảy ra do mức định giá quá cao, bất chấp tình hình kinh tế vĩ mô.
Kịch bản thị trường chứng khoán thể đi theo hai hướng nếu chứng khoán Mỹ điều chỉnh nhằm cải thiện định giá, dòng tiền có thể quay lại các thị trường như Việt Nam, đem lại lợi ích cho thị trường chứng khoán trong nước.
Tuy nhiên, trong trường hợp Mỹ gặp khó khăn nghiêm trọng, dòng tiền có thể chảy ra khỏi kênh đầu tư chứng khoán, chuyển sang những lựa chọn an toàn hơn như bất động sản hay vàng, thay vì hướng đến các thị trường có định giá thấp. Do đó cần phải phân biệt rõ giữa các đợt điều chỉnh do định giá và suy thoái kinh tế.
Minh Thư
Xem thêm tin: Tại đây