26/03/2025 lúc 14:27

Thị trường nhà đất 2025 tăng nhiệt, tỉnh táo trước bẫy “FOMO”

Thị trường nhà đất hồi phục mạnh nửa đầu 2025, nhưng “săn” đất vùng ven dễ gặp rủi ro sốt ảo. Nhà đầu tư cần cảnh giác trước bẫy “FOMO”.

Thị trường nhà đất đang dần hồi phục
Dự đoán thị trường nhà đất 2025 có xu hướng tăng nhiệt. Ảnh minh hoạ

Thị trường nhà đất đang dần hồi phục 

Sau gần 2 năm khó khăn vì lãi suất cao và tín dụng siết chặt, thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng trưởng mới với nhiều tín hiệu tích cực. 

Ngân hàng Nhà nước đang nới lỏng dần chính sách tiền tệ với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% trong năm nay, tương đương 2,5 triệu tỷ đồng được bơm vào nền kinh tế. Điều này dẫn đến việc dòng vốn đang chảy mạnh vào các kênh đầu tư, đặc biệt là BĐS. 

Cùng với đó, lãi suất cho vay duy trì ở mức thấp sau chỉ đạo của Chính phủ về giảm lãi suất huy động và cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nhà đầu tư tiếp cận vốn dễ dàng hơn.

Trong bối cảnh này, xu hướng “săn” đất tại các khu vực vùng ven và tỉnh lân cận các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM bùng nổ. Tại miền Bắc, các tuyến huyện, xã ở Ninh Bình, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương ghi nhận giao dịch tăng mạnh. 

Đặc biệt, Hưng Yên chứng kiến giá đất nền thiết lập mặt bằng mới, với mức tăng 6-15% so với tháng 12/2024. Tại huyện Văn Giang, đất được chào bán 125-150 triệu đồng/m², trong khi các xã như Phụng Công, Xuân Cao đạt 40-55 triệu đồng/m², tăng khoảng 5% từ tháng 1/2025. Ở miền Nam, các tỉnh như Bình Dương, Long An cũng đón làn sóng đầu tư nhờ hạ tầng phát triển đồng bộ. 

Cảnh báo bẫy “FOMO” từ các “cơn sốt ảo”

Với bối cảnh đô thị hoá gia tăng, nhiều dự án đang trên đà tái khởi động và tâm lý lo ngại lạm phát toàn cầu, nhiều cá nhân và hộ gia đình xem bất động sản như một kênh “trú ẩn” tài sản. Đặc biệt, thông tin về nghị quyết sáp nhập tỉnh, thành phố cũng góp phần kích thích tâm lý nhà đầu tư. 

Tuy nhiên, không phải khu vực nào cũng tăng trưởng bền vững. Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cảnh báo, nhiều cá nhân và tổ chức lợi dụng tâm lý đám đông, tạo hội chứng “FOMO” (sợ bỏ lỡ cơ hội), đẩy giá đất lên cao dù không có nền tảng hạ tầng hay quy hoạch rõ ràng. Điều này khiến nhà đầu tư đối mặt với rủi ro lớn từ các “cơn sốt ảo”.

VARS nhấn mạnh, giao dịch thực tế chỉ tăng mạnh ở các khu vực có mặt bằng giá còn thấp và tiềm năng phát triển rõ ràng. Những nơi thiếu quy hoạch đồng bộ hoặc chỉ dựa vào tin đồn lại nhanh chóng rơi vào im ắng sau khi giá bị đẩy lên cao.

Cảnh báo bẫy “FOMO” từ các “cơn sốt ảo”
Nhiều cơn sốt đất xuất hiện tại một số khu vực quy hoạch mới. Ảnh: Báo Xây dựng

Lịch sử thị trường cho thấy, các đợt sốt đất thường xuất hiện sau khi có thông tin về quy hoạch mới. Khi Hà Nội hay TP.HCM công bố lên quận cho một số huyện ngoại thành, giá đất từng tăng phi mã, nhưng nhiều khu vực không có đầu tư hạ tầng đã giảm ngay sau đó. Tình trạng tương tự đang lặp lại ở các tỉnh lân cận vào năm 2025. Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS, nhận định: giá trị BĐS chỉ tăng bền vững khi có sự phát triển đồng bộ về giao thông, kinh tế, và xã hội – như mở tuyến đường lớn, xây trường học, hoặc khả năng khai thác cho thuê.

Thực trạng cho thấy, chi phí vốn tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM hiện quá cao, khiến nhà đầu tư chuyển hướng sang vùng ven để tối ưu lợi nhuận. Điều này lý giải vì sao Ninh Bình, Bắc Giang hay Long An trở thành “điểm nóng”. Tuy nhiên, tâm lý “FOMO” đang chi phối mạnh, khiến giá đất vượt xa giá trị thực tế ở một số nơi. 

Ông Đinh Minh Tuấn, Phó Giám đốc kinh doanh Batdongsan.com.vn cảnh báo, giai đoạn này tiềm ẩn rủi ro lớn, đặc biệt với nhà đầu tư mới, khi giá không chỉ phụ thuộc vào nghị quyết sáp nhập các tỉnh, thành mà còn ở các yếu tố như hạ tầng, việc làm và nền kinh tế địa phương.

Cảnh báo bẫy “FOMO” từ các “cơn sốt ảo”
Thị trường nhà đất vùng ven nóng lên sau thông tin sáp nhập tỉnh, thành. Ảnh: Tạp chí Tài chính

Nhìn chung, thị trường nhà đất nửa cuối năm 2025 có thể tiếp tục tăng trưởng nhưng không đồng đều. Với 2,5 triệu tỷ đồng tín dụng được bơm vào nền kinh tế, dòng vốn sẽ tiếp tục kích thích đầu tư BĐS, đặc biệt ở các khu vực có hạ tầng hoàn thiện như Hưng Yên, Bình Dương. Tuy nhiên, các “cơn sốt ảo” tại vùng ven thiếu quy hoạch cụ thể có nguy cơ thoái trào, kéo theo rủi ro chôn vốn cho nhà đầu tư. 

Theo ông Phan Đình Phúc, CEO Seenee, thông tin sáp nhập thường tạo hiệu ứng tâm lý ngắn hạn. Nếu không có sự phát triển đồng bộ, giá đất có thể điều chỉnh giảm sau 6-12 tháng, khiến nhà đầu tư “mắc kẹt” trong vòng 10-20 năm. Điều này đòi hỏi người tham gia thị trường phải tỉnh táo, ưu tiên các khu vực có kế hoạch triển khai hạ tầng rõ ràng và khả năng tạo dòng tiền (thu nhập từ cho thuê hoặc kinh doanh). 

Kim Hoàng