Theo đó, các cổ đông tổ chức bao gồm Công ty cổ phần Tập đoàn T&T sở hữu 7,85%, Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) sở hữu 1,46%, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủ công mỹ nghệ và người có liên quan sở hữu 2,44%.
Các cá nhân sở hữu trên 1% vốn điều lệ của SHB gồm ông Đỗ Quang Hiển – Chủ tịch HĐQT SHB (2,72%), bà Đỗ Thị Thu Hà (2,03%), ông Đỗ Quang Vinh (2,77%), ông Đỗ Vinh Quang (2,93%).
Trước đó, TPBank cũng công bố danh sách cổ đông tính đến ngày 30/8 với 22 cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên cùng tổng số cổ phần sở hữu là gần 1,56 tỷ, tương ứng 70,74% vốn điều lệ của ngân hàng.
Đáng chú ý, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng không nằm trong số cổ đông nắm trên 1% vốn điều lệ của ngân hàng. Tuy nhiên, hai con của ông Phú là ông Đỗ Minh Đức và con gái Đỗ Vũ Phương Anh mỗi người đang cùng nắm tương ứng 1,11% vốn ngân hàng. Hai cá nhân này hiện lần lượt là Phó chủ tịch thường trực và Tổng giám đốc Tập đoàn DOJI, là cổ đông tổ chức nắm 5,93% vốn TPBank.
Ngoài ra, em trai ông là ông Đỗ Anh Tú, Phó chủ tịch Ngân hàng đang nắm hơn 81,6 triệu cổ phiếu, tương đương 3,71% vốn TPBank. Sở hữu cổ phần của người có liên quan đến ông Tú đang nắm 331,4 triệu cổ phần, tương đương 15,04% vốn ngân hàng, trong đó, con trai và con gái của ông là ông Đỗ Minh Quân và bà Đỗ Quỳnh Anh nắm lần lượt 3,34% và 3,07% vốn ngân hàng. Ông Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch hiện sở hữu hơn 79,4 triệu cổ phiếu, tương đương 3,61% vốn điều lệ TPBank.
Công ty cổ phần FPT đang nắm 149 triệu cổ phiếu TPB, tương đương 6,77% vốn Ngân hàng. Ngoài ra, nhóm cổ đông tổ chức tại TPBank còn có Quỹ SBI Ven Holdings PTE. LTD và các cá nhân liên quan đang nắm giữ khoảng 20% vốn. Công ty TNHH SP và Công ty TNHH JB cùng nắm số cổ phần tương đương nhau, ở mức 4,08%. Người có liên quan của 2 cổ đông tổ chức này cùng đồng thời nắm 15,92% vốn ngân hàng.
Quỹ ngoại PYN Elite Fund hiện đang sở hữu 3,59% vốn Ngân hàng, Công ty cổ phần Hải Phòng Invest nắm 3,08%; Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam nắm 2,64%; Công ty cổ phần phát triển Bất động sản Dragon và người có liên quan nắm tổng cộng gần 11%; International Finance Corporation (IFC) nắm 1,17% và quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited sở hữu 1,12%.
Còn VPBank cho biết, tính đến ngày 19/7/2024 có tổng cộng 13 cổ đông cá nhân (nắm giữ hơn 40,8% vốn ngân hàng) và 4 cổ đông tổ chức sở hữu tổng cộng gần 5,1 tỷ cổ phiếu VPB, chiếm hơn 64% vốn điều lệ của ngân hàng.
Với nhóm cá nhân, Chủ tịch HĐQT Ngô Chí Dũng nắm 4,14% vốn, tương đương với sở hữu 328,5 triệu cổ phiếu. Còn người có liên quan tới ông Dũng nắm giữ 2,34 tỷ cổ phiếu VPB, chiếm 29,5% vốn điều lệ. Theo đó, ông Dũng và người có liên quan nắm giữ 33,64% vốn ngân hàng.
Bốn cổ đông tổ chức tại VPBank gồm: Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) – cổ đông chiến lược của VPBank – đang sở hữu gần 1,2 tỷ cổ phiếu, tương đương 15% vốn điều lệ; Công ty cổ phần DIERA sở hữu 4,39%; Quỹ đầu tư là Composite Capital Master Fund và Vietnam Enterprise Investments lần lượt sở hữu 2,73% và 1,28% vốn điều lệ.
Tại MSB, có 11 cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên. Trong đó, VNPT là cổ đông chiến lược, hiện nắm gần 121 triệu cổ phiếu MSB, tương đương 6,05% vốn điều lệ. Theo lộ trình đã phê duyệt, đến hết năm 2025, VNPT sẽ thoái vốn tại MSB.
Các cổ đông lớn còn lại là 3 doanh nghiệp trong hệ sinh thái ROX Group (trước đây là TNG Holdings) nắm giữ gần 5,4% vốn điều lệ của MSB, bao gồm: Công ty cổ phần ROX Key Holdings nắm 2,43%; Công ty cổ phần Đầu tư và Cho thuê Tài sản TNL: 1,08%; và Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng ROX Cons: 1,87%.
Ba doanh nghiệp khác, mỗi doanh nghiệp sở hữu gần 5% vốn điều lệ ngân hàng này gồm: Công ty TNHH Khu nghỉ dưỡng Bãi Dài: 4,96%; Công ty TNHH Thành phố Công nghệ Xanh Hà Nội: 4,97%; Công ty Xây dựng và Kinh doanh Cơ sở Hạ tầng KCN Hà Nội – Đài Tư: 4,98%. Công ty cổ phần Đầu tư Tiến An sở hữu 1,11%; Công ty cổ phần Đầu tư Ricohomes sở hữu 2,64%.
Với khối ngoại, Quỹ Buenavista Holdings nắm giữ 2,02% vốn của MSB. Còn phía nhà đầu tư cá nhân, chỉ có ông Nilesh Ratilal Banglorewala nắm giữ 3,32% vốn điều lệ ngân hàng.
Tại Eximbank, Công ty cổ phần Tập đoàn Gelex hiện là cổ đông lớn nhất, sở hữu hơn 85,5 triệu cổ phần (tương đương 4,9% vốn điều lệ). Tiếp theo là Công ty cổ phần Chứng khoán VIX sở hữu 3,58%; Công ty cổ phần Thắng Phương: 3,07%. Ngoài ra, 2 nhà đầu tư cá nhân sở hữu lần lượt 1,03% và 1,12% vốn Eximbank là bà Lê Thị Mai Loan và bà Lương Thị Cẩm Tú.
Đáng chú ý, Ngân hàng này sẽ triệu tập ĐHĐCĐ bất thường vào ngày 28/11/2024 tại Hà Nội nhằm thông qua việc thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính của Eximbank và các nội dung khác thuộc thẩm quyền. Ngày đăng ký cuối cùng để hưởng quyền dự họp và biểu quyết tại ĐHĐCĐ là 29/10.
Việc công bố thông tin nhằm thực hiện theo Điều 49 Luật Các Tổ chức tín dụng về công khai thông tin cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên. Theo Luật Các Tổ chức tín dụng 2024, người có liên quan đối với tổ chức và cá nhân được mở rộng đối tượng hơn so với trước đây. Đồng thời, theo Luật Các Tổ chức tín dụng 2024, giới hạn tỷ lệ sở hữu cho cổ đông là tổ chức giảm từ 15% xuống 10%, cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15%. Trong trường hợp nhóm này đang sở hữu cổ phần vượt mức theo quy định mới vẫn được duy trì nhưng không được tăng thêm, trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu.
Nguồn: Tinnhanhchungkhoan.vn – Nhuệ Mẫn