Long An phấn đấu đảm bảo nhu cầu về nhà ở xã hội
Giải quyết nhà ở xã hội, nhất là nhà ở dành cho công nhân được tỉnh Long An xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế – xã hội.
Nhu cầu cao về nhà ở
Theo Ban Quản lý khu kinh tế Long An, toàn tỉnh hiện có 36 khu công nghiệp (KCN) được thành lập với tổng diện tích được quy hoạch hơn 9.693 ha. Trong đó, có 26 KCN đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư với diện tích quy hoạch hơn 5.982 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 68%; 10 KCN đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, đang triển khai thực hiện các thủ tục, giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng KCN với diện tích hơn 2.908 ha.
Theo Quyết định số 686/QĐ-TTg ngày 13/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch toàn tỉnh Long An giai đoạn 2021 – 2030 có 51 KCN với tổng diện tích quy hoạch là 12.433 ha.
Đến nay, tại các KCN trên địa bàn tỉnh Long An có 1.685 doanh nghiệp đang hoạt động, với hơn 199.000 lao động đang làm việc. Theo Ban Quản lý khu kinh tế Long An, với xu hướng gia tăng lao động hằng năm, dự kiến, số lượng công nhân và người lao động làm việc trong các KCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 là hơn 201.500 người. Trong đó, lao động trong tỉnh khoảng 110.800 người, lao động từ các địa phương khác khoảng 90.700 người. Dự kiến, nhu cầu về nhà ở dành cho công nhân và người lao động trong các KCN đến năm 2025 là hơn 82.120 căn.
Dựa theo tỷ lệ lấp đầy và diện tích đất sạch có thể cho thuê của các KCN trong giai đoạn 2026 – 2030, dự kiến số lượng công nhân và người lao động làm việc trong các KCN đến năm 2030 là 224.100 người. Trong đó, lao động trong tỉnh khoảng 123.250 người, lao động từ các địa phương khác khoảng 100.850 người. Dự kiến, nhu cầu về nhà ở dành cho công nhân và người lao động trong các KCN đến năm 2030 là khoảng 91.320 căn.
Hiện nay, nhu cầu về nhà ở của lao động làm việc tại các KCN Long An rất cao. Có khoảng 25% lao động trong tỉnh và 60% lao động ngoài tỉnh có nhu cầu về nhà ở. Tuy nhiên, nhà ở dành cho công nhân trên địa bàn tỉnh còn ít, không đáp ứng nhu cầu, người lao động phải thuê nhà trọ cạnh các KCN để ở.
Phát triển nhà ở xã hội là nhiệm vụ trọng tâm
Giải quyết nhà ở xã hội, nhất là nhà ở dành cho công nhân được tỉnh Long An quan tâm và xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Chương trình Phát triển nhà ở tỉnh Long An giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2962/QĐ-UBND ngày 24/8/2020, được điều chỉnh, bổ sung tại Quyết định số 9607/QĐ-UBND ngày 17/10/2022.
Trên cơ sở đó, Kế hoạch Phát triển nhà ở 5 năm (giai đoạn 2021 – 2025) trên địa bàn tỉnh Long An đề ra chỉ tiêu: giai đoạn 2021 – 2025 phát triển nhà ở cho các đối tượng xã hội là 6.395.176 m2 sàn, tương ứng khoảng 159.879 căn. Trong đó, nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp là 3.513.617 m2 sàn, tương ứng với khoảng 87.840 căn; nhà ở cho xã hội dành cho công nhân là 2.881.559 m2 sàn, tương ứng với khoảng 72.039 căn.
Dự kiến nhu cầu quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021 – 2025 khoảng 1.962 ha (chưa bao gồm 20% quỹ đất nhà ở xã hội theo quy định pháp luật).
Vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chủ yếu từ nguồn vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng ưu đãi, Ngân hàng Chính sách xã hội…, hoặc từ nguồn vốn ngân sách tỉnh dùng để hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong hàng rào.
Riêng trong năm 2024, theo Kế hoạch Phát triển nhà ở tỉnh Long An năm 2024 (ban hành kèm theo Quyết định số 12267/QĐ-UBND, ngày 25/12/2023 của UBND tỉnh Long An), toàn tỉnh cần phát triển nhà ở cho các đối tượng xã hội là 2.119.584 m2 sàn, tương ứng với khoảng 53.105 căn. Trong đó, nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp là 1.159.795 m2 sàn, tương ứng với khoảng 29.052 căn; nhà ở xã hội dành cho công nhân là 959.789 m2 sàn, tương ứng với khoảng 24.053 căn.
Căn cứ các chỉ tiêu phát triển nhà ở năm 2024 và quy hoạch sử dụng đất tỉnh Long An giai đoạn 2021 – 2030, dự kiến nhu cầu quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội khoảng 550,14 ha (chưa bao gồm 20% quỹ đất nhà ở xã hội theo quy định pháp luật).
Dự kiến vốn để phát triển nhà ở trong năm 2024 hơn 96.669 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư nhà ở cho người thu nhập thấp gần 11.598 tỷ đồng; vốn đầu tư nhà ở công nhân khoảng hơn 7.486 tỷ đồng.
Thời gian qua, tỉnh Long An tập trung huy động các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân KCN.
UBND tỉnh Long An đã phê duyệt chủ trương đầu tư 28 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có 7 dự án hoàn thành đưa vào hoạt động với tổng diện tích đất khoảng 5,41 ha; tổng diện tích sàn hoàn thành là 76.638 m2 với 1.884 căn, đáp ứng cho khoảng 8.000 người. Tiêu biểu là Khu lưu trú công nhân KCN Long Hậu (diện tích sàn 38.230 m2, gồm 594 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho 1.600 người); Khu nhà ở công nhân KCN Hải Sơn (diện tích sàn 7.332 m2, gồm 522 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho 1.700 người); Khu nhà ở xã hội Tân Đức (diện tích sàn 14.361,88 m2, gồm 458 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho 1.850 người)…
Bên cạnh đó, có 21 dự án đang triển khai, dự kiến diện tích đất 42,12 ha, diện tích xây dựng khoảng 915.963,6 m2 sàn, với 15.526 căn. Riêng trong năm 2024, dự kiến có 7 dự án khởi công với quy mô 8,36 ha, tương ứng 4.550 căn.
Ngoài ra, có 24 dự án nhà ở xã hội thuộc quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại đã có chủ trương, quy mô 201 ha với 50.835 căn. Tại các huyện cũng đã có quy hoạch quỹ đất khu nhà ở xã hội tập trung với 16 dự án, tổng diện tích 131,2 ha với 22.868 căn.
Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
Theo Sở Xây dựng tỉnh Long An, nhìn chung, tình hình triển khai nhà ở thương mại và nhà ở xã hội của tỉnh đã thực hiện theo kế hoạch nhà ở hằng năm. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn còn thấp, chưa đạt chỉ tiêu nhà ở theo kế hoạch đề ra.
Nguyên nhân là do trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng, mua – bán nhà ở xã hội còn phức tạp và kéo dài, làm ảnh hưởng đến việc thu hút nhà đầu tư. Cụ thể, tuy dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, nhưng cũng phải thực hiện trình tự thủ tục tính tiền sử dụng đất để được miễn; việc thẩm định, xác định đối tượng được mua nhà ở xã hội phức tạp, kéo dài… Hơn nữa, mức lợi nhuận của nhà đầu tư bị khống chế không quá 10%, nên chưa thu hút được các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, ngân sách của tỉnh còn hạn chế, chưa cân đối bố trí được nguồn vốn để hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật của dự án, làm ảnh hưởng đến việc triển khai dự án.
Ngoài ra, việc tỉnh chưa có quỹ đất ở phù hợp để kêu gọi đầu tư dự án nhà ở xã hội cũng ảnh hưởng đến thu hút đầu tư dự án. Hiện có nhiều nhà đầu tư quan tâm đề xuất Long An hỗ trợ khu đất phù hợp để đầu tư nhà ở xã hội, nhưng tỉnh chưa có quỹ đất để kêu gọi đầu tư, chủ yếu do nhà đầu tư tự tìm và đề xuất, nên chưa hấp dẫn nhà đầu tư.
Một khó khăn nữa là việc xây dựng, hướng dẫn sử dụng vốn đầu tư phát triển nhà ở xã hội còn chưa cụ thể, rõ ràng.
Nhận diện rõ nguyên nhân, tỉnh Long An đang chủ động tìm giải pháp, kiến nghị gỡ vướng về chính sách, từng bước khắc phục để thực hiện mục tiêu đảm bảo nhu cầu về nhà ở xã hội tại địa phương.
Nguồn: Báo Đầu Tư – Trúc Giang