25/10/2024 lúc 10:48

Imexpharm khẳng định vị thế trong phân khúc thuốc kháng sinh chất lượng cao

Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm (mã IMP) đã công bố kết quả kinh doanh quý III/2024 và 9 tháng đầu năm 2024.

TGĐ Trần Thị Đào phát biểu tại ĐHCĐ Imexpharm 2024 - 60s hôm nay

Doanh thu tăng trưởng hai con số, kênh ETC “thăng hoa”

Theo báo cáo tài chính mới nhất, doanh thu thuần quý III/2024 của Imexpharm đạt 545 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Động lực chính cho sự tăng trưởng này đến từ việc công ty tận dụng tối đa vị thế dẫn đầu trên kênh ETC (kênh bệnh viện, phòng khám).

Doanh thu kênh ETC trong quý III đã tăng tới 47% so với cùng kỳ năm trước, một con số ấn tượng và vượt xa mức tăng trưởng bình quân 11% của toàn ngành dược trong nửa đầu năm 2024.

Sự “thăng hoa” của kênh ETC cho thấy Imexpharm đang ngày càng khẳng định được uy tín và chất lượng sản phẩm trong hệ thống y tế. Điều này có được nhờ chiến lược tập trung vào các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu điều trị ngày càng khắt khe của bệnh viện và phòng khám.

Không chỉ kênh ETC, kênh OTC (kênh nhà thuốc) của Imexpharm cũng bắt đầu có dấu hiệu hồi phục rõ rệt. Doanh thu kênh OTC trong quý III tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng sau giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Đặc biệt, doanh thu bán hàng qua chuỗi nhà thuốc ghi nhận mức tăng trưởng đột biến. Quý III chứng kiến doanh thu bán hàng qua chuỗi tăng 91% so với quý II và tăng tới 182% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu bán hàng qua chuỗi nhà thuốc đã tăng 158% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả ấn tượng này cho thấy chiến lược hợp tác sâu rộng với các chuỗi nhà thuốc lớn đang phát huy hiệu quả. Việc mở rộng kênh phân phối thông qua các đối tác chiến lược giúp Imexpharm tiếp cận được lượng khách hàng lớn hơn, đồng thời nâng cao nhận diện thương hiệu và khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Giai đoạn đóng gói tại nhà máy Imexpharm.
Giai đoạn đóng gói tại nhà máy Imexpharm.

“Át chủ bài” cho tăng trưởng dài hạn của Imexpharm

Theo đại diện Imexpharm, kết quả kinh doanh ấn tượng của tháng 9 vừa qua đến từ nhu cầu gia tăng đối với các sản phẩm thuộc dự án IMP4 và sự hồi phục của kênh OTC nhờ kênh chuỗi nhà thuốc. Điều này tạo đà tăng trưởng tích cực cho quý cuối năm. Công ty kỳ vọng sẽ tiếp tục cải thiện EBITDA (lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao) và bám sát các mục tiêu kinh doanh cả năm.

mexpharm đã đầu tư đáng kể vào dự án IMP4, một dự án trọng điểm nhằm phát triển các sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Các sản phẩm thuộc dự án IMP4 được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng doanh thu và tối ưu hóa chi phí cố định cho Imexpharm trong dài hạn.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, Imexpharm đã ra mắt 16 sản phẩm mới và đang triển khai 99 dự án R&D. Điều này cho thấy sự chú trọng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường.

Đáng chú ý, Imexpharm đã triển khai phần mềm SAP S/4HANA – phiên bản hiện đại nhất của SAP hiện nay. Theo đó, Imexpharm trở thành công ty dược phẩm đầu tiên tại Việt Nam áp dụng công nghệ tiên tiến này, tiên phong tạo nên những chuẩn mực mới trong hiệu quả vận hành và dịch vụ khách hàng.

Việc ứng dụng SAP S/4HANA giúp Imexpharm tối ưu hóa quy trình quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động, cải thiện khả năng ra quyết định và cung cấp dịch vụ tốt hơn cho khách hàng. Đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của Imexpharm, giúp công ty nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh.

Thay đổi nhân sự cấp cao, đón “tướng” tài ba

Imexpharm vừa công bố bổ nhiệm bà Lê Nữ Minh Hoài, nguyên Tổng Giám đốc của United International Pharma, vào vị trí quan trọng trong ban điều hành. Với 30 năm kinh nghiệm trong ngành dược phẩm quốc tế và Việt Nam, bà Hoài được kỳ vọng sẽ đóng góp lớn vào việc định hướng chiến lược và thúc đẩy tăng trưởng của Imexpharm.

Bà Hoài là một dược sĩ với sự am hiểu sâu rộng về ngành, tốt nghiệp Đại học Y Dược TP.HCM và sở hữu bằng MBA của Trường Quản lý Maastricht tại Hà Lan. Kinh nghiệm và kiến thức của bà Hoài được kỳ vọng sẽ mang lại những giá trị mới cho Imexpharm, giúp công ty nâng cao năng lực quản trị và mở rộng thị trường.

Bên cạnh đó, sau khi bà Chun Chaerhan từ nhiệm, Imexpharm đã đề xuất bổ nhiệm ông Woo Sung Min vào Hội đồng quản trị (hiện đang chờ phê duyệt của cổ đông). Ông Woo có hơn 20 năm kinh nghiệm tư vấn quản lý tại Châu Á và từng là chủ phần hùn tại Oliver Wyman, một công ty tư vấn quản lý hàng đầu quốc tế. Sự gia nhập của ông Woo được kỳ vọng sẽ mang lại những góc nhìn mới và kinh nghiệm quản lý quốc tế cho Imexpharm.

Bà Trần Thị Đào, Thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc của Imexpharm, cho biết: “Quý III vừa qua, Công ty đã tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh nhu cầu thị trường đối với sản phẩm của Imexpharm tiếp tục gia tăng.

Điều này khẳng định chiến lược đúng đắn, lợi thế cạnh tranh và bề dày kinh nghiệm hơn 45 năm của Imexpharm trên thị trường dược phẩm. Tôi tin rằng với chiến lược đầu tư có chiều sâu vào chất lượng sản phẩm, chuyển giao công nghệ tiên tiến, mở rộng danh mục thuốc, thâm nhập thị trường quốc tế và gia tăng năng lực sản xuất, Imexpharm sẽ luôn giữ vững vị thế là doanh nghiệp dược hàng đầu Việt Nam và từng bước trở thành doanh nghiệp có tên tuổi trên thị trường dược phẩm châu Á”.

Nguồn: Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư – Hoàng Kim