19/11/2024 lúc 14:58

FDI và bài toán môi trường kinh doanh tại Việt Nam

Môi trường kinh doanh Việt Nam cần cải thiện để thu hút và giữ chân vốn FDI, đáp ứng mong đợi của nhà đầu tư.

Nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, với mức tăng trưởng GDP ấn tượng và kim ngạch xuất xuất nhập khẩu tăng cao. Tuy nhiên, theo các chuyên gia và doanh nghiệp, môi trường kinh doanh tại Việt Nam vẫn còn nhiều điểm cần cải thiện để thu hút mạnh mẽ và bền vững hơn dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Môi trường kinh doanh – Thách thức lớn đối với tăng trưởng FDI

Các chỉ số kinh tế vĩ mô cho thấy sự phục hồi tích cực, với GDP 9 tháng đầu năm 2024 tăng 6.82% và lạm phát được kiểm soát. Song, nhiều ý kiến tại hội thảo do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) được tổ chức ngày 18/11 cho rằng môi trường kinh doanh của Việt Nam chưa thực sự hấp dẫn.

Theo khảo sát của EuroCham, chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) trong quý III/2024 đã tăng lên 52 điểm phần trăm, cho thấy sự phục hồi đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp châu Âu vẫn bày tỏ sự lo ngại về gánh nặng hành chính, quy định pháp luật chưa rõ ràng, minh bạch và khó khăn trong việc xin giấy phép. Ba trở ngại này được xem là “nút thắt” cản trở hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp FDI.

Một thực tế đáng chú ý là mặc dù tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam có tăng, nhưng quy mô vốn của từng dự án lại có xu hướng giảm. Điều này cho thấy Việt Nam đang thu hút được nhiều dự án nhỏ lẻ, nhưng chưa đủ sức hút đối với các dự án quy mô lớn, mang tính chiến lược và công nghệ cao. Đây là một tín hiệu đáng lo ngại, đòi hỏi cần có những thay đổi, cải cách mạnh mẽ và thực chất hơn để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) trong quý III/2024 đã tăng lên 52 điểm phần trăm, cho thấy sự phục hồi đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Thời báo ngân hàng
Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) trong quý III/2024 đã tăng lên 52 điểm phần trăm, cho thấy sự phục hồi đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Thời báo ngân hàng

Minh bạch và ổn định: Yêu cầu then chốt từ phía nhà đầu tư

Theo các chuyên gia kinh tế và đại diện cộng đồng doanh nghiệp, yếu tố then chốt để thu hút FDI bền vững và chất lượng chính là sự minh bạch và ổn định của chính sách. Nhà đầu tư cần một môi trường kinh doanh rõ ràng, thông thoáng, dễ dự đoán, để có thể xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn, giảm thiểu rủi ro và tối đa hóa lợi nhuận.

Sự thiếu nhất quán, thiếu đồng bộ trong chính sách, pháp luật giữa các bộ, ngành, địa phương, cùng với những thay đổi đột ngột, thiếu dự báo, thiếu tham vấn ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, sẽ làm giảm sút niềm tin của nhà đầu tư và khiến họ e ngại rót vốn vào các dự án lớn, dài hạn tại Việt Nam.

Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Chủ tịch PwC Việt Nam, cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hài hòa chính sách giữa các bộ, ngành, địa phương, tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu thống nhất trong các quy định pháp luật. Điều này sẽ tạo ra sự khó khăn, phức tạp cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện dự án, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động và làm giảm sức hút đầu tư.

Hội thảo do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) được tổ chức ngày 18/11. Ảnh: Vneconomy
Hội thảo do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) được tổ chức ngày 18/11. Ảnh: Vneconomy

Nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh: Giải pháp cho tăng trưởng bền vững

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ kế hoạch và Đầu tư), khẳng định Việt Nam đang đứng cơ hội lớn để trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam có nhiều lợi thế như vị trí địa lý thuận lợi, lao động trẻ, dồi dào, chi phí lao động cạnh tranh và cam kết hội nhập quốc tế mạnh mẽ.

Theo ông, cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Cụ thể, cần tập trung vào ba đột phá chiến lược: phát triển hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài bàn về các giải pháp giúp nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh. Ảnh: Báo Nhà Đầu Tư
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài bàn về các giải pháp giúp nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh. Ảnh: Báo Nhà Đầu Tư

Phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại sẽ giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu của các ngành công nghiệp công nghệ cao. Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa sẽ tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và cạnh tranh. Còn chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ giúp đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ số.

Việc xúc tiến đầu tư tại chỗ, hỗ trợ trực tiếp nhà đầu tư giải quyết khó khăn, vướng mắc cũng là một yếu tố quan trọng để xây dựng niềm tin và thu hút thêm FDI. Sự đồng hành của Chính phủ, cùng với nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp, đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư quốc tế.

Kim Khanh

Xem thêm tin: Tại đây