09/11/2024 lúc 12:48

Hàng Loạt Doanh Nghiệp Bứt Phá Đạt Kế Hoạch Trước Thời Hạn

Tổng kết trong ba quý đầu năm, một số doanh nghiệp niêm yết đã báo lãi vượt mục tiêu lợi nhuận của cả năm.

Doanh nghiệp MGW lợi nhuận trong cả 3 quý vượt 20%
MGW đạt lợi nhuận 9 tháng vượt 20% so với kế hoạch của năm. Ảnh: Tin nhanh chứng khoán

Các doanh nghiệp vượt kế hoạch trước 3 tháng

Mặc dù trong năm 2024 được dự báo còn nhiều thách thức, các doanh nghiệp đã chủ động thích ứng, nắm bắt cơ hội để về đích trước kế hoạch.

Tại Công ty cổ phần Đầu tư, Xây dựng và Phát triển Trường Thành (TTA), kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 190 tỷ đồng, vượt 18,7% kế hoạch cả năm (160 tỷ đồng). Theo bà Trần Huyền Trang, Phó Tổng giám đốc TTA, hiện tượng La Nina quay trở lại từ cuối quý II đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động phát điện của Công ty. Bên cạnh đó, việc lãi suất cho vay giảm cũng góp phần cắt giảm chi phí tài chính.

Trong lĩnh vực cảng biển, Công ty cổ phần Gemadept (mã GMD), một trong những doanh nghiệp lớn trong ngành, cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan. Trong quý III/2024, Gemadept đạt doanh thu 1.264 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế trên 448 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 27% và 32% so với năm trước.

Tính theo lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu của công ty đạt hơn 3.420 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ, và lợi nhuận trước thuế đạt hơn 1.728 tỷ đồng. Dù lợi nhuận trong 9 tháng giảm 33% so với năm ngoái, con số này vẫn vượt chỉ tiêu năm nay. Năm 2024, Gemadept đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu đạt 4.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 1.686 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng, Công ty đã thực hiện 86% kế hoạch doanh thu và 102,5% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm.

“Số hóa và tự động hóa đóng vai trò then chốt, mang lại hiệu quả vượt trội, tối ưu hóa quy trình, giảm chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ của Công ty”, đại diện của Gemadept cho biết. Đáng chú ý, cảng Gemalink cùng các cảng tại khu vực Cái Mép – Thị Vải đang đóng vai trò huyết mạch trong kết nối thương mại giữa Việt Nam với các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu và nội Á.

Theo Gemadept, cảng Gemalink, cùng các cảng khác tại khu vực Cái Mép – Thị Vải, đã hỗ trợ đắc lực cho việc tăng trưởng hàng hóa xuất nhập khẩu. Trong bối cảnh Ngân hàng Thế giới xếp cụm cảng này ở vị trí thứ 7 trong danh sách các cảng container hoạt động hiệu quả nhất thế giới, Gemadept đang thúc đẩy kế hoạch phát triển giai đoạn 2A của cảng Gemalink để sẵn sàng cho nhu cầu tăng trưởng dự kiến vào năm 2026.

Ấn tượng nhất phải kể đến màn “lột xác” của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG). Sau quá trình tái cấu trúc toàn diện theo hướng “giảm lượng, tăng chất”, Công ty đã có bước nhảy vọt trong kết quả kinh doanh. Quý III/2024, MWG ghi nhận lãi ròng 805 tỷ đồng, tăng gấp 21 lần cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.881 tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch năm và tăng 37 lần so với cùng kỳ.

Nhờ các biện pháp tái cấu trúc, tập trung vào hiệu quả hoạt động và cắt giảm chi phí, với kế hoạch đạt 125.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 2.400 tỷ đồng trong năm 2024, MWG đã khôi phục lại đà tăng trưởng và đạt được 80% mục tiêu doanh thu cũng như vượt 20% mục tiêu lợi nhuận sau 9 tháng.

Công ty cổ phần Cao su Đắk Lắk (DRI) cũng ghi nhận lợi nhuận vượt kế hoạch năm nhờ giá cao su phục hồi. Với doanh thu hợp nhất 344,1 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 86,18 tỷ đồng, công ty đã hoàn thành 74,4% kế hoạch doanh thu và vượt 15,83% kế hoạch lợi nhuận năm. Mặc dù gặp nhiều thách thức từ thị trường, Cao su Đắk Lắk đã tận dụng được sự tăng giá của cao su, một mặt hàng có biến động lớn theo nhu cầu thế giới.

Tiềm năng tăng trưởng còn rộng mở

Không dừng lại ở việc hoàn thành sớm kế hoạch, nhiều doanh nghiệp đang tích cực tìm kiếm động lực tăng trưởng mới. Điển hình như Công ty cổ phần Dịch vụ ô tô Hàng Xanh (Haxaco) đã hoàn thành 91,2% mục tiêu lợi nhuận năm sau 9 tháng, nhưng vẫn đặt mục tiêu vượt kế hoạch đề ra.

Ông Đỗ Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Haxaco chia sẻ “với tinh thần cố được đến đâu sẽ làm hết sức đến đó, Công ty không dừng lại ở việc hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm mà hướng tới vượt mục tiêu đề ra”.

Công ty đang đẩy mạnh phân phối xe MG và mở rộng mạng lưới đại lý trên toàn quốc. Mục tiêu đến năm 2025, Haxaco sẽ nâng tổng số đại lý MG lên 18, trong đó có 12 đại lý Premium đạt tiêu chuẩn toàn cầu, với sản lượng dự kiến 8.000 xe.

Kết quả kinh doanh trong 9 tháng đầu năm tại Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại TNG cũng rất khả quan. Công ty đạt doanh thu 5.884 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 241 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng trưởng gần 10% về doanh thu và 47% về lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước.

Với kết quả này, TNG đã hoàn thành 74% kế hoạch doanh thu và 78% kế hoạch lợi nhuận cho năm. TNG đang chú trọng mở rộng thị trường xuất khẩu, khai thác các đơn hàng phức tạp có lợi nhuận tốt, đồng thời tối ưu hóa chi phí và nâng cao năng suất lao động thông qua ứng dụng công nghệ.

TNG có kết quả doanh thu tốt
TNG đạt được kết quả doanh thu khả quan trong 9 tháng đầu năm. Ảnh: Môi trường và đô thị

Đại diện TNG chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán rằng công ty đang xây dựng kế hoạch kinh doanh cho năm 2025 với mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu từ 5 đến 10%.

Sự phục hồi tích cực của nền kinh tế hiện nay đang tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp gia tăng kết quả kinh doanh. Các công ty cũng đang chú trọng hơn đến yếu tố phát triển bền vững nhằm mở rộng tiềm năng tăng trưởng.

Gemadept cho biết rằng đầu tư vào công nghệ, đào tạo nhân lực và phát triển hệ thống logistics thông minh đang trở thành yếu tố thiết yếu để doanh nghiệp có thể nắm bắt cơ hội trong kỷ nguyên số. Công ty đang đầu tư phát triển đội ngũ nhân viên có chuyên môn cao và tư duy đổi mới, đồng thời tăng cường vai trò của ban chuyển đổi số trong việc tìm kiếm các giải pháp tích hợp công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo nhằm nâng cao hiệu suất làm việc cho cả khối vận hành và khối văn phòng.

Sau năm 2023, được xem là một năm đầy thách thức cho cộng đồng doanh nghiệp, năm 2024 dự báo sẽ đưa nhiều doanh nghiệp đến đà tăng trưởng mạnh mẽ.

Minh Thư

Nguồn tham khảo: Tinnhanhchungkhoan.vn