“Chia tay” Manulife Việt Nam, lợi nhuận năm nay của Ngân hàng Techcombank (TCB) liệu có bị ảnh hưởng?
(TCCT) Ngân hàng Techcombank (mã cổ phiếu TCB) và Manulife Việt Nam vừa quyết định ngừng hợp tác kinh doanh bảo hiểm. Manulife Việt Nam hiện là doanh nghiệp bảo hiểm có vốn điều lệ cao nhất toàn ngành và quy mô tài sản cao thứ ba.
Theo thông báo mới đây từ Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Ngân hàng Techcombank, mã cổ phiếu TCB – sàn HoSE), ngân hàng này và Hãng Bảo hiểm Manulife Việt Nam quyết định ngừng hợp tác phân phối bảo hiểm độc quyền qua ngân hàng (bancassurance) từ ngày 14/10.
Sau thời điểm này, Ngân hàng Techcombank sẽ không còn phân phối các sản phẩm bảo hiểm của Manulife nữa. Ngân hàng Techcombank cũng nhấn mạnh việc ngưng hợp tác với Manulife Việt Nam sẽ không ảnh hưởng đến quyền lợi của các khách hàng đã ký hợp đồng, và sẽ tiếp tục hướng dẫn khách hàng liên hệ Manulife Việt Nam khi có yêu cầu cần hỗ trợ về hợp đồng bảo hiểm đã ký.
Ngân hàng Techcombank và Manulife Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác chiến lược trong mảng bảo hiểm kể từ năm 2013. Động thái chấm dứt hợp tác đã khiến một số nhà đầu tư lo ngại có thể ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Ngân hàng Techcombank.
Theo đánh giá mới đây của Chứng khoán Vietcap, việc ngưng hợp tác với Manulife Việt Nam có thể khiến Ngân hàng Techcombank phát sinh một số chi phí và có thể ảnh hưởng đến thu nhập phí từ các hoạt động bancassurance của ngân hàng này trong ngắn hạn khi ngân hàng chưa tìm được đối tác mới.
Nhưng nhìn chung sự kiện này sẽ không ảnh hưởng đáng kể tới lợi nhuận của Ngân hàng Techcombank trong năm 2024, theo Chứng khoán Vietcap. Các chi phí phát sinh (nếu có) có thể sẽ được bù đắp bởi khả năng ngân hàng sẽ ký một thỏa thuận độc quyền mới với các hãng bảo hiểm khác.
Trên thực tế, trong bối cảnh khó khăn chung của toàn thị trường, doanh thu từ thu phí bảo hiểm của Ngân hàng Techcombank trong năm 2023 chỉ đạt hơn 667 tỷ đồng, giảm 62% so với năm 2022. Con số này cũng chiếm tỷ trọng nhỏ khi so với tổng thu nhập hoạt động của Ngân hàng Techcombank trong năm 2023 là khoảng 40.100 tỷ đồng.
Tính chung nửa đầu năm nay, thu nhập từ phí bảo hiểm của Ngân hàng Techcombank là 385 tỷ đồng, chiếm khoảng 6,6% trong thu từ hoạt động dịch vụ (theo định nghĩa của ngân hàng) và 1,5% tổng thu nhập hoạt động (25.681 tỷ đồng).
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Techcombank ghi nhận lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 15.628 tỷ đồng, tăng 38,6%; lợi nhuận sau thuế ở mức 12.547 tỷ đồng, tăng 38,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Qua đó, hoàn thành 57,7% mục tiêu lợi nhuận cả năm nay.
Với bancassurance, các ngân hàng và công ty bảo hiểm hợp tác để tận dụng lợi thế của nhau để gia tăng hiệu quả kinh doanh. Ngân hàng cung cấp mạng lưới khách hàng rộng lớn và hệ thống chi nhánh trải dài, trong khi các công ty bảo hiểm mang đến sản phẩm tài chính bổ sung. Sự kết hợp này nhanh chóng trở thành kênh phân phối chính của nhiều công ty bảo hiểm lớn, thúc đẩy doanh thu cho cả hai bên trong những năm vừa qua.
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia và hãng chứng khoán, mô hình hợp tác cũ đã dần qua thời hoàng kim. Thị trường cũng chứng kiến một số cuộc “chia tay” giữa các ngân hàng và hãng bảo hiểm trong thời gian qua, một phần vì hợp đồng hợp tác độc quyền hết hạn và do các thay đổi trong chính sách pháp luật, sức ép cạnh tranh, lùm xùm về tính minh bạch của sản phẩm…
Đối với Manulife Việt Nam, hãng bảo hiểm này ghi nhận lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm 2024 đạt 2.127 tỷ đồng, giảm 12,6% so với cùng kỳ. Hiện Manulife là doanh nghiệp bảo hiểm có vốn điều lệ cao nhất toàn ngành và quy mô tài sản cao thứ ba.
Mặc dù lợi nhuận giảm so với cùng kỳ nhưng Manulife Việt Nam hiện là doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ lãi lớn nhất trong nửa đầu năm 2024, vượt qua những cái tên như Prudential, Dai-ichi Life hay Bảo Việt Nhân thọ… nhờ lãi thuần đột biến trong mảng kinh doanh tài chính.