Những yếu tố thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp sôi động trở lại
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phục hồi mạnh năm 2024 và dự báo bứt phá năm 2025 nhờ Luật Chứng khoán sửa đổi và nhu cầu vốn lớn.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sôi động trở lại
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VBMA), năm 2024 ghi nhận 429 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng trị giá 410,544 tỷ đồng, cùng với 22 đợt phát hành ra công chúng trị giá 32,914 tỷ đồng. Tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2024 ước tính tăng gần 40% so với năm 2023.
VIS Ratings đánh giá, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đã có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ sau khủng hoảng 2022-2023, thể hiện qua sự giảm mạnh số trái phiếu chậm trả. Năm 2024, chỉ có 21 tổ chức phát hành chậm trả, giảm nhiều so với 79 tổ chức trong năm 2023.
Về tình hình xử lý chậm trả, tỷ lệ thu hồi nợ gốc chậm trả đạt 24,8% vào cuối năm 2024, cao hơn 6% so với đầu năm. Các tổ chức phát hành đã trả 21.000 tỷ đồng dư nợ gốc trái phiếu chậm trả trong năm qua. Tuy nhiên, 80% số trái phiếu chậm trả vẫn có tỷ lệ thu hồi nợ gốc dưới 5% so với tổng giá trị.

Báo cáo của VIS Rating cũng cho thấy hồ sơ tín nhiệm của các tổ chức phát hành đã có cải thiện. Trong năm 2024, tỷ lệ tổ chức phát hành có hồ sơ tín nhiệm ở mức “dưới trung bình” hoặc yếu hơn là 25%, giảm so với mức 34% của năm 2023.
Tác động của Luật Chứng khoán sửa đổi
Luật Chứng khoán sửa đổi, có hiệu lực từ 1/1/2025, sẽ nâng cao tính minh bạch và phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp, với việc quản lý phát hành và đầu tư trái phiếu chặt chẽ hơn, đồng thời khuyến khích sử dụng xếp hạng tín nhiệm trong đánh giá rủi ro đầu tư.
Phát biểu tại Diễn đàn Trái phiếu & Tín nhiệm Việt Nam, ông Nguyễn Đình Duy, hiện là Giám đốc, Chuyên gia Phân tích Cấp cao của VIS Rating cho rằng Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ mở ra một giai đoạn phát triển mới cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
“Những thay đổi trong luật không chỉ giúp hoàn thiện khung pháp lý và tăng cường kỷ luật thị trường mà còn nâng cao tính minh bạch trong công bố thông tin. Đây là yếu tố then chốt giúp khôi phục niềm tin của nhà đầu tư, từ đó tạo động lực để hoạt động phát hành trái phiếu khởi sắc trở lại”, ông nói.
TS. Nguyễn Tú Anh, đại diện Ban Chính sách, chiến lược Trung ương, nhận định rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam đã trải qua nhiều thăng trầm và bước ngoặt dù còn “non trẻ”.
Ông cũng nói thêm: “Từ những biến động trong quá khứ, hệ thống pháp lý dần được hoàn thiện hơn. Cùng với đó, những quy định về xếp hạng tín nhiệm hay yêu cầu về bảo lãnh ngân hàng và tài sản đảm bảo trong Luật Chứng khoán sửa đổi cũng giúp bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và tổ chức phát hành tốt hơn. Qua đó, kênh huy động vốn này trở nên minh bạch và đáng tin cậy hơn, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững và lành mạnh của thị trường”.

Dự báo thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2025
Từ bước đệm tích cực của năm 2024, thị trường trái phiếu doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025. Theo các chuyên gia phân tích của MBS, thị trường TPDN năm 2025 đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển mới.
“Thị trường TPDN trong năm 2025 sẽ được thúc đẩy bởi sự phục hồi của hoạt động sản xuất kinh doanh và thị trường bất động sản. Cùng với đó, giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh, trong khi các quy định pháp lý rõ ràng sẽ giúp cải thiện chất lượng thị trường TPDN cũng như củng cố niềm tin của nhà đầu tư”, chuyên gia MBS nhận định.
Theo các chuyên gia MBS, tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế năm 2025 sẽ hỗ trợ sự phục hồi của các ngành như bất động sản và sản xuất công nghiệp, với dự báo GDP đạt 7,1% – 7,5%, cao hơn mức 7,09% của năm 2024. Điều này chủ yếu nhờ vào việc tăng cường đầu tư công và phục hồi sản xuất.
Năm 2025 cũng là năm cuối của Kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, với mức đầu tư công dự kiến tăng lên 875 nghìn tỷ đồng. Những cải cách thể chế qua các luật như Luật Đầu tư công sửa đổi sẽ giúp giải quyết những rào cản và nâng cao hiệu quả giải ngân.
Mặt khác, TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM, cho biết thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã có bước chuyển biến tích cực trong năm 2024, nhưng vẫn tồn tại hạn chế về cơ cấu nhà phát hành. Khoảng 70% số trái phiếu phát hành là từ các ngân hàng thương mại, điều này tạo ra sự “méo mó” trên thị trường tài chính bởi ngân hàng chủ yếu huy động vốn từ dân cư và doanh nghiệp để cho vay.
Để thị trường TPDN phát triển lành mạnh và bền vững, ông Huân nhấn mạnh cần tăng cường tính minh bạch và niềm tin của nhà đầu tư, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia trúng thầu các dự án lớn để huy động vốn hiệu quả trên thị trường TPDN trong những năm tới.
Minh Thư