VN-Index ổn định trên 1.300 điểm nhờ nhóm cổ phiếu chứng khoán
Mặc dù có lúc rung lắc, VN-Index vẫn giữ mốc 1.300 điểm. Sau bứt phá, thị trường chứng khoán đi ngang để tích lũy cho đợt tăng tiếp theo.

VN-Index giằng co quanh mốc 1.300 điểm
Trong phiên hôm nay, tâm lý thận trọng bao trùm khi cả bên mua và bên bán đều chờ đợi diễn biến tiếp theo của VN-Index. Việc chỉ số chính dao động trong biên độ hẹp hơn 5 điểm và thanh khoản suy giảm cho thấy nhà đầu tư đang cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định giao dịch.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm nhẹ 0,2 điểm (-0,02%), xuống 1.302,96 điểm. Toàn sàn có 198 mã tăng nhưng số mã giảm vẫn chiếm ưu thế với 259 mã. Thanh khoản sụt giảm khi tổng khối lượng giao dịch đạt 758,3 triệu đơn vị, giá trị 16.677 tỷ đồng, giảm hơn 14% so với phiên trước đó. Trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm 47,8 triệu đơn vị, tương đương 1.139,1 tỷ đồng.
Phiên sáng, nhóm cổ phiếu thép là điểm sáng hiếm hoi khi duy trì đà tăng tích cực. Tuy nhiên, các nhóm dẫn dắt khác như ngân hàng và chứng khoán lại chịu áp lực điều chỉnh. Đến phiên chiều, nhóm chứng khoán bất ngờ đảo chiều, trở thành động lực chính giúp thị trường cân bằng hơn.
Đóng cửa phiên, hầu hết cổ phiếu thuộc nhóm chứng khoán đều tăng giá, ngoại trừ VCI giảm nhẹ và SSI, VIX đứng giá. Đáng chú ý, BSI tăng mạnh 4,14% lên 52.800 đồng/cp, FTS tăng 3,97% lên 47.100 đồng/cp, CTS tăng 2,28% lên 38.100 đồng/cp. Một số mã khác cũng ghi nhận sắc xanh như VDS tăng 1,52%, AGR tăng 1,42%, HCM tăng 1,29%.
Bên cạnh nhóm chứng khoán, cổ phiếu thép tiếp tục giữ vững phong độ. TLH và VCA duy trì chuỗi ba phiên tăng trần liên tiếp, dù thanh khoản ở mức thấp. Các mã dẫn dắt như NKG, HPG, HSG cũng có mức tăng nhẹ, lần lượt 1,76%, 0,91% và 0,85%.
Ngân hàng kém khởi sắc, bất động sản phân hóa
Trái ngược với nhóm chứng khoán và thép, nhóm ngân hàng giao dịch khá trầm lắng. NAB trở thành cổ phiếu tăng mạnh nhất nhóm với mức tăng 2,55% lên 18.100 đồng/cp, thay thế EIB. Tuy nhiên, SHB và EIB hạ nhiệt, chỉ tăng trên dưới 0,5%. Một số mã giảm mạnh nhất bao gồm CTG, SSB và STB với mức giảm từ hơn 1% đến gần 1,8%.

Trong khi đó, nhóm bất động sản phân hóa rõ rệt. VRC gây chú ý khi tăng trần lên 16.150 đồng/cp. LDG, SGR, SZL cũng ghi nhận mức tăng trên 3%. Ở chiều ngược lại, NTL, NBB và CTD đều giảm hơn 2% khi chốt phiên. Các mã như VCG và PDR cũng giảm lần lượt 1,82% và 1,29%.
VIX dẫn đầu thanh khoản nhóm chứng khoán với gần 37 triệu đơn vị khớp lệnh. HPG đứng đầu nhóm thép với 31,8 triệu đơn vị, trong khi SHB dẫn đầu nhóm ngân hàng với 28,4 triệu đơn vị. Trên toàn thị trường, BCG là mã có thanh khoản cao nhất với 39,7 triệu đơn vị, song giá cổ phiếu lại giảm mạnh 4,55% xuống 5.870 đồng.
Sàn HNX cũng chứng kiến rung lắc trong phiên chiều, song vẫn giữ được sắc xanh khi chốt phiên. HNX-Index tăng nhẹ 0,29 điểm (+0,12%) lên 238,6 điểm. Thanh khoản sụt giảm với tổng khối lượng giao dịch đạt 68,4 triệu đơn vị, giá trị 1.202,6 tỷ đồng, giảm 18% so với phiên trước.
Trên sàn này, DST bất ngờ tăng trần lên 6.300 đồng/cp với thanh khoản hơn 1,6 triệu đơn vị. SHS dù giao dịch sôi động với 11,2 triệu đơn vị nhưng lại giảm 0,69%. Các mã có thanh khoản cao khác bao gồm MBS (6 triệu đơn vị), CEO (4 triệu đơn vị), TIG (2,3 triệu đơn vị).
Tại UPCoM, chỉ số chung dao động dưới tham chiếu suốt phiên chiều và đóng cửa ở mức thấp hơn so với phiên sáng. UPCoM-Index giảm 0,24 điểm (-0,24%) xuống 99,73 điểm. Thanh khoản toàn sàn đạt 71,6 triệu đơn vị, giá trị giao dịch 949,9 tỷ đồng.
Cổ phiếu AAH có diễn biến đáng chú ý khi phục hồi về mức trần 5.200 đồng/cp sau khi mất sắc tím vào cuối phiên sáng. Tuy nhiên, về thanh khoản, AAH chỉ đứng thứ 5 trên sàn UPCoM, xếp sau các mã BCR, BGE, BVB và DDV.
Trên thị trường chứng khoán phái sinh, hợp đồng VN30F2503 đáo hạn tháng 3 chỉ tăng nhẹ 2,1 điểm (+0,15%) lên 1.361,8 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 121.657 hợp đồng, tương đương 16.566,9 tỷ đồng.
Ở thị trường chứng quyền, hai mã có thanh khoản cao nhất đều thuộc nhóm chứng quyền HPG do SSI phát hành. CHPG2408 ghi nhận thanh khoản 7,19 triệu đơn vị, tăng 4,76% lên 880 đồng/cp, trong khi CHPG2407 khớp 4,97 triệu đơn vị, tăng 5,88% lên 720 đồng/cp.
Trong lĩnh vực trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, hơn 4 triệu đơn vị đã được giao dịch với tổng giá trị 3.072,8 tỷ đồng. Mã HQN12101 của Hưng Thịnh Quy Nhơn dẫn đầu về khối lượng với 768.157 trái phiếu, trong khi ACB12408 của ACB có giá trị giao dịch cao nhất, đạt 506,1 tỷ đồng.
Minh Thư
Nguồn tham khảo: Tinnhanhchungkhoan.vn