23/01/2025 lúc 14:44

Sản xuất thép triệu tấn, vì sao Việt Nam vẫn chi hàng tỷ USD nhập khẩu?

Ngành thép Việt Nam đứng trước nghịch lý, sản xuất trong nước đạt sản lượng lớn, nhưng kim ngạch nhập khẩu vẫn ở mức cao kỷ lục.

Năm 2024 Việt Nam chi hơn 19 tỷ USD nhập khẩu thép, tăng 21% so với năm trước. Điều này đặt ra câu hỏi lớn khi Việt Nam nằm trong top các nước sản xuất hàng đầu thế giới và khu vực. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến nghịch lý này? Hãy cùng 60s Hôm Nay tìm hiểu thực trạng ngành, lý giải nguyên nhân nhập siêu và đề xuất các giải pháp.

thép việt nam
Sản lượng sản xuất lớn nhưng Việt Nam vẫn nhập khẩu?. Ảnh: Systeelvina

Thép nội địa “lép vế” trước thép nhập khẩu giá rẻ

Sản lượng của Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 30 triệu tấn, giữ vị trí thứ 12 trên toàn cầu và dẫn đầu ASEAN. Thế nhưng, con số nhập khẩu lại “phình to” đáng báo động, lên đến 19.07 tỷ USD. Trung Quốc là “đầu tàu” cung cấp sản lượng nhập khẩu cho Việt Nam, chiếm tỷ trọng áp đảo. Sở dĩ những sản phẩm Trung Quốc chiếm ưu thế vượt trội là do giá thành rẻ hơn đáng kể so với mặt hàng nội địa, từ 30-70 USD/tấn. 

Điều này bắt nguồn từ việc Trung Quốc đang dư thừa công suất sản xuất, dẫn đến việc đẩy mạnh xuất khẩu với giá thấp để giải phóng hàng tồn kho. Thực tế này đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước, khi thép nội địa khó cạnh tranh về giá, dẫn đến tình trạng “lệch pha” giữa sản xuất và tiêu thụ. Bên cạnh đó, ngành thép trong nước cũng đối mặt với nhiều khó khăn nội tại như thị trường bất động sản ảm đạm, giá nguyên vật liệu leo thang, tồn kho lớn…

Một yếu tố quan trọng khác góp phần vào lượng nhập khẩu lớn là nhu cầu về các loại sản phẩm đặc thù, chất lượng cao mà Việt Nam chưa sản xuất được. Các tập đoàn điện tử lớn như Samsung và LG, với các yêu cầu khắt khe về linh kiện, phụ tùng, thường xuyên phải nhập khẩu thép chuyên dụng để phục vụ sản xuất. Đây là phân khúc thị trường mà các doanh nghiệp Việt Nam cần hướng tới trong tương lai để giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài.

nganh thep vie t nam trie n vo ng va tha ch thu c trong nam 2022
Việc nhập khẩu đến từ cạnh tranh khốc liệt từ sản phẩm của Trung Quốc giá rẻ, khó khăn của ngành tại trong nước và nhu cầu đặc thù chưa được đáp ứng. Ảnh: Báo Điện tử Chính phủ

Giải pháp nào cho bài toán nhập siêu thép?

Trước thực trạng trên, cần có các giải pháp đồng bộ để giảm thiểu sự phụ thuộc vào mặt hàng nhập khẩu, bảo vệ và thúc đẩy ngành thép trong nước phát triển bền vững. Một trong những biện pháp quan trọng là áp dụng các công cụ phòng vệ thương mại. Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra và áp dụng biện pháp chống bán phá giá, thuế bảo hộ đối với một số sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ. Đây được xem là “lá chắn” cần thiết để bảo vệ các doanh nghiệp thép nội địa trước cạnh tranh không lành mạnh.

Tuy nhiên về lâu dài, giải pháp căn cơ nhất vẫn là nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành thép Việt Nam. Cần hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt là hướng đến sản xuất các loại thép chất lượng cao, thép chuyên dụng. 

Việc đáp ứng được nhu cầu thép đặc thù của các ngành công nghiệp công nghệ cao, như điện tử (phục vụ Samsung, LG…), sẽ giúp giảm đáng kể lượng thép nhập khẩu. Đồng thời, cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu thép, theo dõi sát sao diễn biến thị trường thép thế giới, đặc biệt là tình hình xuất khẩu của Trung Quốc, để có biện pháp điều tiết kịp thời, tránh nguy cơ thép giá rẻ tràn ngập thị trường.

nganh thep viet nam
Áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành tại trong nước và kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu. Ảnh: Cafeland

Tăng cường sức cạnh tranh, “cởi trói” cho thép nội địa

Nghịch lý ngành thép Việt Nam, sản xuất lớn nhưng nhập khẩu cao, xuất phát từ sự chênh lệch về giá, khó khăn của doanh nghiệp trong nước và nhu cầu đặc thù chưa được đáp ứng. Giải quyết bài toán này đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa các chính sách vĩ mô, nỗ lực của doanh nghiệp và sự chuyển dịch cơ cấu sản phẩm. 

Mục tiêu cuối cùng là nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm “made in Vietnam”, giảm dần sự phụ thuộc vào nhập khẩu và phát triển ngành theo hướng bền vững. Việc này không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với ngành thép, mà còn tác động đến sự phát triển kinh tế nói chung.

Chí Cường