Thị trường chứng khoán: Mùa kết quả kinh doanh phân hóa
(ĐTCK) Sự phân hóa giữa các cổ phiếu, nhóm cổ phiếu diễn ra càng mạnh hơn trong mùa công bố báo cáo tài chính quý III/2024.
Ngược chiều giữa các ngành và trong từng ngành
Tính đến ngày 17/10, một số doanh nghiệp niêm yết đã công bố kết quả kinh doanh quý III/2024. Trong đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) gây chú ý với khoản lãi sau thuế 3.022 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Hòa Phát ghi nhận 9.210 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng 140% so với cùng kỳ. Thép và các sản phẩm liên quan đóng góp 85% vào kết quả này.
Trong khi đó, doanh nghiệp cùng ngành là Công ty cổ phần Thép Thủ Đức – VNSteel (mã TDS) báo lỗ gần 7 tỷ đồng trong quý vừa qua, tăng mạnh so với số lỗ gần 500 triệu đồng cùng kỳ năm ngoái. Tính đến hiện tại, TDS là doanh nghiệp thép đầu tiên báo lỗ trong quý III/2024. Điều này cho thấy sự phân hoá không chỉ diễn ra giữa các ngành, mà trong cùng một ngành cũng có sự chênh lệch rất lớn. Cổ phiếu đang biến động theo kỳ vọng lợi nhuận của doanh nghiệp.
Có thể nói, sóng phục hồi vừa qua của thị trường chứng khoán chủ yếu đến từ nhóm VN30, trong đó trụ đỡ vẫn là nhóm cổ phiếu ngân hàng. Ngành ngân hàng được dự báo ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận quý III cao hơn mức trung bình của nhiều ngành khác và vẫn là nhóm “gánh” lợi nhuận toàn thị trường. Tuy vậy, theo Công ty Chứng khoán MB (MBS), ngành ngân hàng cũng có sự phân hoá mạnh về mức tăng trưởng lợi nhuận quý III.
Một số nhà băng được kỳ vọng có mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế cao như HDBank (44% trong quý III và 31% cho cả năm), TPBank (35% trong quý III và 23% cho cả năm), VPBank (tăng 37% trong quý III và 69% cho cả năm), BIDV (tăng 20% trong quý III và 17% cho cả năm) nhờ tín dụng cải thiện… thì một số ngân hàng khác được dự báo có mức tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn trung bình ngành như Vietcombank (tăng 9% trong quý III, cả năm tăng 5%) hay ACB (tăng 7% trong quý III và cả năm tăng 6%) trong bối cảnh biên lãi thuần (NIM) giảm nhẹ và room tín dụng không còn quá nhiều…
Ngành chứng khoán được MBS dự báo có mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 7% trong quý III và 41% trong 9 tháng đầu năm. Công ty cổ phần Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) vừa công bố kết quả hoạt động kinh doanh quý III và lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, với con số lợi nhuận trước thuế lần lượt là 1.097 tỷ đồng và 3.869 tỷ đồng. Với kết quả này, Công ty đã hoàn thành 105% kế hoạch lợi nhuận cả năm sau 3 quý.
Hay Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) báo lãi trước thuế quý III/2024 là 275 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Công ty đạt lợi nhuận 1.011 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ và hoàn thành 70% kế hoạch cả năm. Tuy vậy, những công ty chứng khoán đạt được tốc độ tăng trưởng tốt đều là các công ty chứng khoán có quy mô lớn, nằm trong Top thị phần cao. Trong khi đó, các công ty có quy mô nhỏ vẫn đang chật vật.
Sự phân hoá giữa các ngành cũng đang diễn ra. Ngoài ngân hàng, chứng khoán, một số ngành như bán lẻ, dệt may, chăn nuôi, cao su… được dự báo ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng cao trong quý III/2024. Với ngành chăn nuôi, giá heo hơi neo ở mức cao, trong khi giá thức ăn chăn nuôi hạ nhiệt đã hỗ trợ tích cực cho lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành.
Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco (mã DBC) vừa báo lãi sau thuế quý III ấn tượng, với hơn 312 tỷ đồng, cao gấp 25 lần cùng kỳ và là mức cao nhất trong vòng 5 quý gần đây. Lũy kế 9 tháng, Công ty đạt lợi nhuận sau thuế 530 tỷ đồng, gấp hơn 28 lần cùng kỳ. Công ty cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam (mã BAF) cũng được dự báo mức tăng trưởng lợi nhuận quý III/2024 tính bằng lần…
Lợi nhuận doanh nghiệp ngành cao su được hỗ trợ bởi diễn biến giá cao su thiên nhiên gần đây. Đơn cử, Công ty cổ phần Cao su Tây Ninh (mã TRC) báo lãi sau thuế quý III đạt 73,13 tỷ đồng, tăng hơn 483% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng đạt 101,33 tỷ đồng, tăng gần 399% so với cùng kỳ…
Trong khi đó, bức tranh lợi nhuận quý III của ngành bất động sản dự báo vẫn khá u ám. Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã PDR) cho biết, riêng quý III/2024, Công ty chỉ đạt 2,6 tỷ đồng doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ, giảm mạnh so với con số 355 tỷ đồng cùng kỳ. Nhờ doanh thu tài chính đạt 194 tỷ đồng nên Công ty ghi nhận lợi nhuận 51 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ. 9 tháng đầu năm 2024, PDR đạt 154 tỷ đồng lợi nhuận, giảm 62% so với cùng kỳ.
Kém tích cực hơn, Công ty cổ phần Bất động sản và Đầu tư VRC (VRC) báo lỗ 3,25 tỷ đồng trong quý vừa qua.
Giá cổ phiếu sẽ phân hóa mạnh hơn
Từ góc nhìn của ông Đào Hồng Dương, Giám đốc Phân tích cổ phiếu và ngành VPBankS, sự phân hóa theo kết quả kinh doanh có thể sẽ diễn ra sau khi có một bức tranh đầy đủ hơn về các doanh nghiệp và ngành nghề lĩnh vực. Và với những ngành nghề có tính chất kinh doanh ổn định như bán lẻ, thực phẩm và đồ uống, kết quả kinh doanh quý III có vai trò rất quan trọng trong việc đánh giá triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp trong quý cuối năm và giai đoạn tiếp theo.
Chứng khoán là thị trường của kỳ vọng, giá cổ phiếu của doanh nghiệp thường “chạy” trước diễn biến lợi nhuận của doanh nghiệp. Có nghĩa là, thị giá các cổ phiếu đã phản ánh kỳ vọng về lợi nhuận quý III/2024 của các doanh nghiệp. Điều này có thể lý giải qua việc nhóm cổ phiếu ngân hàng, bán lẻ, chăn nuôi, cao su…, những nhóm ngành được dự báo ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận quý III tích cực đã có nhịp tăng tốt vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 và chững lại trong hơn một tuần qua, trước thời điểm báo cáo tài chính quý III/2024 của các doanh nghiệp trên sàn chính thức được công bố.
Dự báo về diễn biến của thị trường chứng khoán trong mùa công bố kết quả kinh doanh quý III, ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc Kinh doanh, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, sẽ phân hóa thành một số nhóm:
Thứ nhất, những cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt như kỳ vọng và đã phản ánh vào giá thì dù kết quả kinh doanh quý IV dự báo tích cực cũng sẽ có nhịp điều chỉnh rồi mới tăng lại, ví dụ như DBC, HSG…
Thứ hai, những cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý III vượt kỳ vọng và giá trước đó đã tăng thì xác suất cao sẽ tăng tiếp, nhất là cổ phiếu của những doanh nghiệp được dự báo lợi nhuận quý IV tiếp tục tăng trưởng tốt.
Thứ ba, những cổ phiếu ra kết quả kinh doanh giảm mà thị giá đã giảm mạnh trước đó thì xác suất tạo đáy và hồi phục sẽ khá cao.
Thứ tư, những cổ phiếu ra kết quả kinh doanh xấu mà chưa điều chỉnh thường sẽ có nhịp điều chỉnh mạnh như PDR, VDS…
“Có nghĩa là, tình hình kinh doanh quý IV/2024 và dự phóng năm 2025 lạc quan có thể khiến nhiều cổ phiếu tăng giá thêm trong giai đoạn tới. Những cổ phiếu có kết quả kinh doanh nổi trội như vài cổ phiếu công nghệ, ngân hàng, bán lẻ, dầu khí, hóa chất, thép, bất động sản như FPT, ACB, DGC, VGS, NTL… sẽ có diễn biến khá hơn so với các cổ phiếu khác cùng ngành…”, ông Quang dự báo.
Còn theo ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI), kết quả kinh doanh giai đoạn cuối năm của các doanh nghiệp niêm yết nhìn chung sẽ ghi nhận xu hướng phục hồi và tăng trưởng ở hầu hết các ngành, đặc biệt một số ngành có mức nền thấp ở cùng kỳ năm trước.
“Chúng tôi ước tính lợi nhuận sau thuế năm 2024 của các doanh nghiệp thuộc chỉ số VN-Index tăng khoảng 20% so với năm ngoái. Điều này sẽ giúp định giá của thị trường ở mức thấp hơn, qua đó, tạo cú hích cho thị trường chứng khoán giai đoạn cuối năm”, ông Tuấn cho biết.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng thừa nhận, các nhóm ngành tăng trưởng lợi nhuận cao sẽ trở nên khan hiếm hơn so với thời điểm trước. Các ngành được hưởng lợi từ quá trình phục hồi của nền kinh tế như ngân hàng, bán lẻ, tài nguyên cơ bản, xuất nhập khẩu, dầu khí nên được lưu tâm trong giai đoạn này.
Cụ thể, nhóm ngân hàng dự kiến sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận tốt hơn trong quý IV/2024 sau giai đoạn tập trung trích lập và xử lý nợ xấu trong nửa đầu năm. Còn nhóm bán lẻ có thể duy trì xu hướng tích cực nhờ nhu cầu tiêu dùng phục hồi trong bối cảnh kinh tế tốt lên và thu nhập của người dân tăng và chính sách giảm thuế VAT giúp kích cầu tiêu dùng. Nhóm tài nguyên cơ bản có triển vọng tích cực hơn khi chính sách tài khóa trở lại là điểm sáng trong quá trình hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.
Với nhóm xuất nhập khẩu, cơ sở cho luận điểm của ông Tuấn là, tính chung 9 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đã tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, với nhóm dầu khí, một số doanh nghiệp dầu khí thượng nguồn có thể ghi nhận kết quả kinh doanh quý cuối năm tích cực hơn nhờ việc chuỗi Dự án Lô B – Ô Môn đã vào giai đoạn triển khai tổng thể, đồng bộ các gói thầu EPCI 1, gói thầu EPCI 2…