Quỹ đầu tư âm thầm tạo đột phá đứng đầu bảng hiệu suất
Năm 2024, thành bại của quỹ đầu tư phụ thuộc vào đà tăng của một số cổ phiếu (đặc biệt FPT). Từ đầu 2025, tình hình đã đảo ngược.

Các quỹ mở mất lợi thế trước VN-Index
Năm 2024, cổ phiếu FPT liên tục xô đổ các kỷ lục khi có tới 42 lần lập đỉnh, trở thành nhân tố quan trọng giúp nhiều quỹ mở đạt hiệu suất vượt trội so với VN-Index. Các quỹ như VMEEF, SSISCA, VLGF, VCBF-BCF, VCBF-MGF, BVPF, DCDS và VEOF đều ưu tiên FPT trong danh mục đầu tư, biến đây trở thành một trong những mã chiến lược tạo lợi nhuận cao nhất.
Nhờ sở hữu lượng lớn cổ phiếu FPT, các quỹ mở này đã có một năm 2024 thành công rực rỡ khi liên tục ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Trong đó, quỹ VMEEF đạt lợi nhuận đầu tư 34%, trở thành một trong những quỹ có hiệu suất tốt nhất thị trường. Tuy nhiên, bước sang năm 2025, bối cảnh thị trường đã thay đổi hoàn toàn.
Tại thời điểm cuối tháng 2/2025, FPT vẫn giữ tỷ trọng lớn tại một số quỹ mở như DCDS, VCBF-BCF, MAGEF, BVPF… nhưng sự suy yếu của cổ phiếu này đã khiến các quỹ gặp khó khăn. Từ đầu năm 2025 đến nay, cổ phiếu FPT liên tục giảm mạnh trước áp lực bán ròng từ khối ngoại. Chỉ trong vòng chưa đầy ba tháng, vốn hóa của FPT đã “bốc hơi” gần 20%, tương đương khoảng 42.600 tỷ đồng.
Xu hướng bán tháo chưa có dấu hiệu dừng lại khi dòng tiền ngoại tiếp tục rút ra, khiến FPT đối diện nguy cơ dò đáy trong các phiên tới. Sự sụt giảm của FPT đã tác động tiêu cực đến hiệu suất của hàng loạt quỹ mở lớn. Đến ngày 24/3/2025, hầu hết các quỹ mở từng vượt trội VN-Index trong năm 2024 đều thua kém thị trường chung. Nhiều quỹ thậm chí đang rơi vào tình trạng thua lỗ khi kỳ chốt NAV quý I/2025 đến gần.
Chẳng hạn, Quỹ Đầu tư cổ phiếu kinh tế hiện đại VinaCapital (VMEEF) quỹ mở từng đạt lợi nhuận đầu tư 34% vào năm 2024 hiện ghi nhận hiệu suất -1,3% từ đầu năm đến ngày 19/3/2025, trong khi VN-Index tăng hơn 4% trong cùng giai đoạn. Tương tự, Quỹ Đầu tư cổ phiếu tiếp cận thị trường VinaCapital (VESAF), một trong những quỹ có hiệu suất tốt nhất năm 2024, cũng đang lỗ 1,7% tính đến giữa tháng 3/2025. Điều này cho thấy sự lao dốc của FPT đã kéo theo sự suy giảm rõ rệt của các quỹ mở nắm giữ tỷ trọng lớn cổ phiếu này.
Không có cổ phiếu Vingroup, quỹ mở càng khó khăn
Không chỉ bị ảnh hưởng bởi FPT, một nguyên nhân khác khiến hiệu suất của các quỹ mở thua xa VN-Index từ đầu năm là việc thiếu vắng cổ phiếu nhóm Vingroup trong danh mục đầu tư. Trong khi đó, nhóm Vingroup lại đóng vai trò quan trọng trong đà tăng của VN-Index từ đầu năm 2025. Hai cổ phiếu VIC và VHM đã tăng mạnh 30-40% chỉ trong vòng một tháng qua, giúp thị trường chung duy trì xu hướng tích cực.

Động lực tăng trưởng của nhóm này đến từ thông tin Vinpearl chuẩn bị niêm yết trên HOSE cùng hàng loạt yếu tố hỗ trợ khác. Đà tăng này đã đưa VIC và VHM lên vùng đỉnh 18 tháng, tạo ra lợi thế lớn cho những quỹ có tỷ trọng đầu tư vào nhóm này. Ngược lại, các quỹ mở lớn không nắm giữ VIC và VHM đang phải đối diện với sự chững lại về hiệu suất. Khi VN-Index tăng trưởng nhờ nhóm Vingroup, những quỹ không có cổ phiếu này trong danh mục gần như bị bỏ lại phía sau.
Giữa bối cảnh nhiều quỹ mở sụt giảm hiệu suất, một quỹ đầu tư đang vươn lên mạnh mẽ nhờ chiến lược danh mục hợp lý. Quỹ Đầu tư giá trị MB Capital (MBVF) trở thành quỹ có hiệu suất tốt nhất trong 3 tháng đầu năm 2025 nhờ né tránh cổ phiếu FPT và tập trung vào nhóm Vingroup. Tính đến ngày 27/3/2025, MBVF đạt hiệu suất đầu tư 4,69%, vượt mức tăng 3,76% của VN-Index.
Danh mục đầu tư của quỹ này không có sự xuất hiện của các cổ phiếu công nghệ như FPT hay CMC mà thay vào đó, tập trung mạnh vào nhóm ngân hàng lĩnh vực đang có sự phục hồi tích cực. Cụ thể, ngành ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục MBVF với 44,8% tổng giá trị tài sản, tiếp theo là nhóm tiện ích (11,28%) và bất động sản (10,92%).
Đáng chú ý, cổ phiếu VHM là một trong hai mã đóng góp lớn nhất vào đà tăng của VN-Index từ đầu năm chiếm 8,2% danh mục đầu tư của MBVF. Ngoài ra, quỹ đầu tư này cũng nắm giữ hai cổ phiếu ngân hàng lớn là ACB (10,2%) và TCB (7%). Việc phân bổ danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro từ cổ phiếu công nghệ và tận dụng cơ hội từ nhóm ngân hàng, bất động sản đã giúp MBVF vượt trội so với thị trường chung.
Chiến lược giảm thiểu rủi ro từ nhóm công nghệ và tận dụng cơ hội từ ngân hàng, bất động sản đã giúp MBVF không chỉ tránh được “cơn bão” từ FPT mà còn vượt trội so với thị trường chung. Thành công của MBVF trở thành bài học quý giá cho các quỹ đầu tư khác trong bối cảnh thị trường biến động khó lường.
Minh Thư
Nguồn tham khảo: Tinnhanhchungkhoan.vn