31/10/2024 lúc 16:49

Masan vượt kế hoạch 9 tháng, tiến gần mục tiêu lãi ròng 2.000 tỷ năm 2024

Masan đạt lợi nhuận sau thuế 1.308 tỷ đồng trong 9 tháng, hoàn thành 130,8% kế hoạch năm 2024.

Masan đạt lợi nhuận vượt trội - 60s hôm nay
Masan đạt lợi nhuận vượt trội. Ảnh: Nhịp sống kinh doanh

Tăng trưởng vượt kỳ vọng

Ngay sau khi Công ty CP Tập đoàn Masan (HoSE: MSN) công bố báo cáo tài chính quý III/2024, nhiều công ty chứng khoán như Vietcap và BVSC đã đánh giá kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này với từ khóa “vượt kỳ vọng”.

Báo cáo tài chính cho thấy Masan đạt doanh thu thuần 21.487 tỷ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế sau phân bổ cổ đông thiểu số (NPAT Post-MI) tăng đột biến lên 701 tỷ đồng, cao hơn gần 1.350% so với quý III/2023.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của Masan không chỉ đến từ mảng kinh doanh tiêu dùng và bán lẻ mà còn nhờ chi phí lãi vay ròng giảm 277 tỷ đồng và việc không phát sinh chi phí do biến động tỷ giá hối đoái. Đây là những yếu tố quan trọng giúp tập đoàn này cải thiện hiệu suất tài chính và gia tăng lợi nhuận trong bối cảnh thị trường vẫn còn nhiều thách thức.

Masan Consumer Corporation (MCH) – đơn vị kinh doanh hàng tiêu dùng của tập đoàn, tiếp tục đóng góp lớn vào doanh thu khi ghi nhận mức tăng trưởng 10,4% trong quý III, đạt 7.987 tỷ đồng. MCH duy trì biên lợi nhuận gộp ở mức cao 46,8%, tăng nhẹ 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái, khẳng định sức mạnh của doanh nghiệp trong ngành hàng tiêu dùng nhanh.

WinCommerce (WCM) – hệ thống bán lẻ của Masan, ghi nhận doanh thu tăng 9,1% lên 8.603 tỷ đồng. Thành công này đến từ sự mở rộng của các mô hình cửa hàng mới như WiN (phục vụ người tiêu dùng thành thị) và WinMart+ Rural (hướng đến khách hàng nông thôn). Đặc biệt, lợi nhuận sau thuế của WCM đạt 20 tỷ đồng, đánh dấu lần đầu tiên đơn vị này có lãi dương kể từ sau đại dịch COVID-19.

Trong lĩnh vực thực phẩm, Masan MEATLife (MML) cũng ghi nhận kết quả khả quan với EBIT tăng 43 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế trước phân bổ cổ đông thiểu số tăng 105 tỷ đồng.

Kết quả này được thúc đẩy nhờ doanh số mảng thịt chế biến gia tăng và giá thịt lợn, thịt gà trên thị trường ở mức cao. Phúc Long Heritage (PLH) – chuỗi kinh doanh đồ uống của Masan, cũng ghi nhận doanh thu tăng trưởng 12,8% so với cùng kỳ, đạt 425 tỷ đồng. Tính đến nay, hệ thống này đang vận hành 174 cửa hàng trên toàn quốc, tiếp tục mở rộng mạng lưới để khai thác tiềm năng thị trường đồ uống Việt Nam.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Masan đạt lợi nhuận sau thuế trước phân bổ cổ đông thiểu số (NPAT Pre-MI) 2.726 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau phân bổ cổ đông thiểu số đạt 1.308 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp đã hoàn thành 130,8% kế hoạch lợi nhuận theo kịch bản cơ sở được cổ đông thông qua, tiến gần hơn đến mục tiêu 2.000 tỷ đồng theo kịch bản tích cực.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan cho biết doanh nghiệp đang từng bước hiện thực hóa kế hoạch lợi nhuận sau thuế 2.000 tỷ đồng theo kịch bản tích cực. “Chúng tôi đã và đang tập trung kết hợp toàn bộ nền tảng tiêu dùng bán lẻ của mình, hướng đến mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận hợp nhất hai chữ số cho năm 2025”, ông Quang nói.

Tăng trưởng vượt kỳ vọng
Tăng trưởng vượt kỳ vọng. Ảnh: Nhịp sống kinh doanh

Trong quý cuối năm 2024, Masan sẽ tập trung vào ba chiến lược chính. Thứ nhất, tăng trưởng lợi nhuận của mảng kinh doanh tiêu dùng bán lẻ thông qua tối ưu hóa chương trình Hội viên WIN. Thứ hai, giảm nợ để cải thiện bảng cân đối kế toán và giảm chi phí tài chính. Cuối cùng, tiếp tục mở rộng mạng lưới bán lẻ và đẩy mạnh các sản phẩm mới để gia tăng sức cạnh tranh.

Các công ty chứng khoán cũng đưa ra dự báo lạc quan về Masan. Vietcap dự báo doanh thu thuần năm 2024 của tập đoàn có thể đạt 85.185 tỷ đồng, với lợi nhuận sau thuế 4.609 tỷ đồng. Trong khi đó, BVSC nâng dự báo doanh thu lên 86.840 tỷ đồng, tăng 11%, và dự báo lợi nhuận sau thuế sau phân bổ cổ đông thiểu số đạt 2.766 tỷ đồng, vượt mục tiêu mà Masan đề ra. BVSC cũng khuyến nghị giá mục tiêu cho cổ phiếu MSN ở mức 108.000 đồng, cao hơn 38% so với giá đóng cửa phiên 29/10.

Những “con gà đẻ trứng vàng” của Masan

Masan Consumer (MCH) và WinCommerce (WCM) hiện là hai “con gà đẻ trứng vàng” của Masan, đóng góp gần 80% tổng doanh thu và lợi nhuận của tập đoàn. Tính đến tháng 9/2024, WCM vận hành 3.733 cửa hàng, mở thêm 60 cửa hàng mới chỉ trong quý III. Các chương trình ưu đãi dành cho hội viên WinMart cũng giúp tăng cường sức cạnh tranh của chuỗi bán lẻ này so với Bách Hóa Xanh, Co.opmart và AEON.

Trong khi đó, Masan Consumer duy trì biên lợi nhuận gộp cao, với lợi nhuận sau thuế sau phân bổ cổ đông thiểu số đạt 25,9%, tăng 90 điểm cơ bản so với năm trước. Masan cũng đang lên kế hoạch IPO Masan Consumer vào năm 2025, đồng thời đẩy mạnh chiến lược “Go Global” nhằm quảng bá sản phẩm Việt ra thị trường quốc tế.

Kỳ vọng năm 2025 càng tăng trưởng hơn
Kỳ vọng năm 2025 càng tăng trưởng hơn. Ảnh: Nhịp sống kinh doanh

Mảng khoáng sản Masan High-Tech Materials (MHT) cũng có nhiều tín hiệu tích cực. Doanh nghiệp này đang tập trung bán lượng đồng tồn kho, với tổng doanh số bán trong quý IV dự kiến cao hơn cả 9 tháng đầu năm. Việc bán H.C. Starck cho Mitsubishi Materials Corporation với giá 134,5 triệu USD cũng dự kiến hoàn tất trước cuối năm 2024, mang lại lợi nhuận dài hạn từ 20-30 triệu USD.

Mới đây, Masan ký kết bản ghi nhớ hợp tác với Cơ quan Phát triển Xuất khẩu Canada (EDC) nhằm thúc đẩy chiến lược mở rộng toàn cầu. EDC, với mạng lưới quốc tế rộng lớn và khả năng cung cấp tài chính dài hạn, sẽ hỗ trợ Masan trong lĩnh vực khai thác và chế biến vonfram. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu MSN hiện giao dịch quanh mức 77.000 đồng, tăng 15% từ đầu năm.

Vốn hóa thị trường đạt hơn 110.750 tỷ đồng. Trong một diễn biến đáng chú ý, Nguyễn Yến Linh, con gái Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang, đã đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu MSN từ ngày 29/10 đến 18/11 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Nếu giao dịch thành công, bà Yến Linh sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại Masan lên 0,66% vốn điều lệ.

Kim Khanh

Nguồn tham khảo: Nhịp sống kinh doanh