18/10/2024 lúc 14:05

Lối riêng cho phim tài liệu Việt

bo-phim-dien-sanh-nhung-dua-tre-trong-suong-dat-giai-lon-tai-lieu
Những Đứa Trẻ Trong Sương của đạo diễn Hà Lệ Diễm đã lọt vào vòng rút gọn 15 phim tài liệu xuất sắc Oscar 2023.

Phim tài liệu Việt ngày càng nâng chất, không lo kén khách nếu chủ động tiếp cận được đúng đối tượng khán giả.

Phim tài liệu là thể loại phim rất quan trọng, đặc biệt là tính hiện thực và giúp ta soi chiếu những vấn đề của lịch sử, của thế giới, của những cá nhân kiệt xuất. Nhiều phim thậm chí còn khai sáng và làm thay đổi nhận thức của người xem.

Tuy nhiên, một thực tế là phim tài liệu của điện ảnh Việt Nam được trình chiếu tại các rạp và gây được hiện tượng chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Thập niên 1980 là 2 bộ phim của đạo diễn Trần Văn Thủy: Hà Nội Trong Mắt Ai và Chuyện Tử Tế. Phim của ông xem lại ở thời điểm hiện tại vẫn đầy tính thời sự.

Một quãng thời gian dài sau đó, đa số phim tài liệu Việt Nam bị rơi vào hạn chế chung là chậm chạp, lạc hậu, cách làm như những năm 1960, 1970. Các bộ phim bố trí dàn dựng, can thiệp vào thực tế, nặng về tuyên truyền với nội dung ôm đồm, áp đặt, sơ lược minh họa, thiếu tính triết lý, thiếu tầm tư tưởng, lời nói át hình ảnh. Đạo diễn phim tài liệu người Bỉ Thierry Michel nhận xét về phim tài liệu Việt Nam thời kỳ này: “Quá nhiều bộ phim bị lời bình áp đặt, dẫn dắt cả phim, không xây dựng được kịch tính”.

tai-lieu

Những năm gần đây phim tài liệu Việt Nam làm mới mình để bám vào dòng chảy xã hội, đồng hành với cuộc sống. Đang xuất hiện những lứa đạo diễn, nhà làm phim trẻ bắt đầu có cách tiếp cận hiện thực mới, cách kể chuyện mới. Nhiều phim không sử dụng lời bình hoặc nếu dùng thì rất ít, thay vào đó những hình ảnh, chi tiết có tính tác động mạnh về thị giác, âm thanh. Một số phim có thời lượng lên tới 80-90 phút, phù hợp để chiếu rạp. Và khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ cũng ngày càng quan tâm hơn đến thể loại phim này.

Đơn cử, Chuyến Đi Cuối Cùng Của Chị Phụng của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm từng tạo nên một cơn sốt nhỏ khi được phát hành độc lập, đồng thời mở ra một hướng đi mới cho dòng phim tài liệu trực tiếp được du nhập từ Pháp. Đến năm 2018, bộ phim Đi Tìm Phong của đạo diễn Trần Phương Thảo và Swann Dubus tiếp tục tạo nên một cột mốc khi được phát hành thương mại tại các rạp chiếu trên toàn quốc. Cả 2 bộ phim đều cho khán giả thấy được một sự thay đổi thực sự trong nhận thức của xã hội Việt Nam đối với cộng đồng LGBT.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên sau đó cũng nhận được phản hồi tốt, chạm vào cảm xúc chân thật của khán giả với bộ phim tài liệu Không Sợ Hãi do anh trực tiếp quay dựng vào thời điểm dịch COVID-19 bùng nổ tại TP.HCM và các tỉnh.

Hay bộ phim tài liệu Những Đứa Trẻ Trong Sương của Hà Lệ Diễm lọt vào vòng rút gọn 15 phim tài liệu xuất sắc Oscar 2023 và đã được ra rạp tại Việt Nam, cho thấy sức hút đối với thể loại phim tài liệu. Cách làm phim của Hà Lệ Diễm cũng là điển hình cho hướng đi mà nhiều đạo diễn trẻ dòng phim tài liệu Việt Nam đang theo đuổi.

Mùa giải Cánh Diều Vàng đã diễn ra vô cùng sôi nổi vào giữa tháng 9 vừa qua với sự tham gia của 163 tác phẩm tranh giải, trong đó có đến 41 bộ phim tài liệu. Cánh Diều Vàng phim tài liệu thuộc về tác phẩm Linh Ảnh của đạo diễn Nguyễn Quang Quyết kể một cách chân thực việc phục chế các bức ảnh liệt sĩ mà nhóm TeamLee thực hiện.

Đạo diễn với ý thức tôn trọng sự thật, dùng thiết bị quay nhỏ gọn, cơ động để các nhân vật không bị chi phối làm đứt mạch cảm xúc hoặc có cả những phân đoạn không nằm trong kịch bản mà đoàn phim bắt gặp trực tiếp trong quá trình tác nghiệp.

NSƯT Trịnh Quang Tùng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, phát biểu trước báo giới tại buổi chiếu Liên hoan Phim tài liệu châu Âu – Việt Nam lần thứ 14 thu hút kín khán giả tại 2 phòng chiếu ở Hà Nội vào những ngày đầu tháng 9: “Quan sát thực tế sẽ thấy giờ đây nhiều bạn trẻ thích xem phim tài liệu, bởi họ tìm thấy ở đó sự chân thật, gần gũi với đời sống.

Thậm chí, có bạn trẻ đam mê, tìm tòi cách làm phim tài liệu để tự kể về người thân, cuộc đời mình, những câu chuyện xung quanh… Đồng thời, quan sát tại các buổi chiếu phim, rõ ràng lứa tuổi khán giả đang trẻ dần. Đó là tín hiệu đáng mừng và là nguồn động viên rất lớn đối với những người làm phim tài liệu”.

tai-lieu

Đạo diễn Hà Lệ Diễm chia sẻ: “Phim Những Đứa Trẻ Trong Sương đã có nhà phát hành quốc tế đem chiếu ở một số nước, nhưng còn ở Việt Nam thì tôi cùng team của mình vẫn đang cố gắng tìm cách để phim có thêm nhiều suất chiếu, để mọi người có thể xem bộ phim trong điều kiện mà nó vốn thuộc về rạp chiếu phim.

Những bạn bè của tôi đi xem phim này ở rạp đều nói đúng là trải nghiệm xem phim này ở rạp thì đầy đủ hơn, thích hơn thật. Và sau khi phim kết thúc chiếu ở rạp chúng tôi sẽ đưa lên các nền tảng online và cả chiếu miễn phí cho khán giả ở các nơi. Tôi mong sẽ dần dần làm những phim tiếp theo cũng như tìm cách chiếu phim của mình tại Việt Nam được tốt hơn”.

Đạo diễn Đặng Linh – tác giả của phim tài liệu Đường Về Hoang Dã chiếu tại Liên hoan phim tài liệu châu Âu – Việt Nam lần thứ 14 – nêu cái khó của phim tài liệu Việt: “Hầu hết doanh thu của những bộ phim tài liệu Việt Nam từng chiếu rạp đều không đủ để bù cho chi phí sản xuất. Khi nguồn đầu tư không có hoặc quá ít thì rất khó để làm phim hay”.

Luật Điện ảnh năm 2022, có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 như lời giải thỏa đáng cho cái khó mà đạo diễn Đặng Linh đã đề cập. Theo đó, Luật Điện ảnh mới thể hiện rõ hơn cơ chế, biện pháp huy động mọi nguồn lực đầu tư, phát triển điện ảnh, xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh, trong đó có đầu tư phát triển phim tài liệu. Đây là cơ hội tốt để phim tài liệu Việt chuyên nghiệp trong từng khâu sản xuất, phát hành, phổ biến phim… Điều này cũng phù hợp với bối cảnh Việt Nam hướng tới sản xuất những bộ phim tài liệu có thời lượng dài, được đầu tư công phu.

Nguồn: Nhịp cầu đầu tư – Thái Huệ