06/01/2025 lúc 09:39

Kỷ lục 5 tỷ USD xuất khẩu cà phê và bài học chuỗi cung ứng bền vững

Dù là nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, Việt Nam mất gần một thế kỷ để đạt cột mốc xuất khẩu 5 tỷ USD vào năm 2024.

Việc đảm bảo tăng trưởng bền vững giữa bối cảnh thị trường đầy biến động đang là thách thức lớn đối với nhiều doanh nghiệp và ngành hàng tại Việt Nam. Đặc biệt, khi bước sang năm 2025, bài toán phát triển không chỉ dừng lại ở các con số ấn tượng mà còn phải hướng tới sự ổn định và bền vững trong dài hạn.

Nông dân Gia Lai đang áp dụng kỹ thuật giúp vườn cà phê đạt năng suất cao
Nông dân Gia Lai đang áp dụng kỹ thuật giúp vườn cà phê đạt năng suất cao. Ảnh: Hồng Điệp – TTXVN

Tăng trưởng mạnh nhờ giá cao

Niên vụ cà phê 2023-2024, Việt Nam ghi nhận xuất khẩu 1,45 triệu tấn cà phê với kim ngạch gần 5,43 tỷ USD, giảm 12,7% về lượng nhưng tăng 33% về giá trị so với niên vụ trước. Tính riêng năm 2024, đến ngày 15/12, kim ngạch xuất khẩu cà phê đã cán mốc 5,2 tỷ USD, đưa cà phê trở thành mặt hàng nông sản thứ ba (sau rau quả và gạo) xuất khẩu vượt ngưỡng 5 tỷ USD.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), lý giải rằng đợt tăng trưởng ngoạn mục này đến từ “cơn sốt giá” chưa từng có trong nửa đầu năm 2024. Giá cà phê Robusta trên sàn giao dịch London lần đầu vượt ngưỡng 5.000 USD/tấn, cao hơn cả cà phê Arabica, điều chưa từng xảy ra trước đây. Tại thị trường trong nước, giá cà phê liên tục lập đỉnh, đạt mức cao nhất trong 30 năm qua.

Bình quân niên vụ 2023-2024, giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 3.673 USD/tấn, tăng gần 50% so với niên vụ trước. Với mức tăng trưởng này, cà phê đang dẫn đầu về tỷ lệ tăng giá trong số các nông sản xuất khẩu chủ lực.

Về thị trường, EU tiếp tục là điểm đến lớn nhất của cà phê Việt Nam với khối lượng xuất khẩu đạt 563.000 tấn, trị giá 2 tỷ USD, chiếm 38% lượng và 37% kim ngạch toàn ngành. Dù giảm 8,6% về lượng, giá trị xuất khẩu sang EU vẫn tăng tới 41% so với niên vụ trước.

Cà phê được chăm sóc bằng phương pháp hữu cơ ở thành phố Pleiku (Gia Lai) đạt chất lượng ổn định.
Cà phê được chăm sóc bằng phương pháp hữu cơ ở thành phố Pleiku (Gia Lai) đạt chất lượng ổn định. Ảnh: Hồng Điệp – TTXVN

Tuy đạt lợi nhuận cao, năm 2024 cũng chứng kiến không ít khó khăn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu và chế biến cà phê. Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty Simexco Đắk Lắk, cho biết giá cà phê tăng “chóng mặt” đã gây ra tình trạng hủy hợp đồng, làm đứt gãy chuỗi cung ứng.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu buộc phải mua bù với giá cao để thực hiện hợp đồng, dẫn đến thua lỗ nghiêm trọng. Trong khi đó, một số đối tác nước ngoài cũng hủy đơn hàng để tìm kiếm nguồn cung rẻ hơn từ các quốc gia khác như Brazil và Ấn Độ.

Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất khẩu mà còn khiến các nhà máy rang xay, chế biến tại Việt Nam đối mặt với rủi ro lớn. Đại diện Nestlé Việt Nam cho biết doanh nghiệp đang cân nhắc nhập khẩu cà phê từ nước ngoài để duy trì sản xuất, điều này đồng nghĩa với việc thị phần cà phê Việt Nam có nguy cơ bị thu hẹp.

Hướng đi cho xuất khẩu cà phê Việt Nam

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2024-2025 sẽ đạt 29 triệu bao, xếp sau Brazil (69,9 triệu bao). Các chuyên gia nhận định, dù sản lượng trong nước có dấu hiệu tăng nhờ tái canh và đầu tư, ngành cà phê vẫn đối mặt với nhiều biến động từ thị trường toàn cầu.

Ông Nguyễn Quang Bình, chuyên gia thị trường cà phê, nhấn mạnh ngành cà phê cần sớm khắc phục các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng và tập trung vào cải thiện chất lượng. Việc mở rộng diện tích ồ ạt để chạy theo sản lượng tiềm ẩn nguy cơ cung vượt cầu, kéo theo giá giảm trong tương lai.

Cà phê hạt tại Risaralda được xuất khẩu Colombia
Cà phê hạt tại Risaralda tại Colombia. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh đầu tư vào chế biến sâu để tăng giá trị gia tăng. Ông Phan Minh Thông, Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh, cho rằng cà phê Việt Nam vẫn bị định giá thấp trên thị trường quốc tế do chất lượng chưa đồng đều.

“Người tiêu dùng hiện nay ưu tiên cà phê chất lượng cao, đặc sản, có giá trị cao hơn nhiều so với cà phê nguyên liệu. Một kg cà phê đặc sản có thể bán với giá 11-35 USD, gấp 3-11 lần cà phê thường. Do đó, việc cải thiện chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm là chìa khóa để nâng tầm thương hiệu cà phê Việt Nam,” ông Thông chia sẻ.

Theo ông Thông, sản xuất bền vững và tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường – xã hội – quản trị (ESG) là yếu tố sống còn nếu doanh nghiệp muốn tiếp cận các thị trường quan trọng như EU. Điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân trong xây dựng chuỗi cung ứng bền vững.

Các chuyên gia nhấn mạnh, ngành cà phê cần tận dụng lợi thế từ cơn sốt giá hiện tại để cải thiện hệ thống sản xuất, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, đồng thời xây dựng thương hiệu mạnh mẽ trên thị trường quốc tế. Chỉ khi đạt được sự cân bằng giữa chất lượng và sản lượng, cà phê Việt Nam mới có thể khẳng định giá trị lâu dài, góp phần duy trì tăng trưởng bền vững trong tương lai.

Thu Ngân

Nguồn tham khảo: Tạp chí Doanh nhân Việt Nam