Giao dịch chứng khoán 17/10: Dòng tiền yếu, giao dịch thị trường nhạt nhoà
(ĐTCK) Thiếu vắng chất xúc tác, thông tin hỗ trợ đang khiến nhà đầu tư xa lánh thị trường. Diễn biến này kỳ vọng có thể sớm chấm dứt khi kết quả kinh doanh của những cái tên lớn sẽ dần được hé lộ trong thời gian tới.
Trong phiên hôm qua, sự thận trọng diễn ra từ sớm khiến VN-Index chỉ lình xình quanh tham chiếu với bảng điện tử phân hóa rõ nét.
Tình hình không có nhiều thay đổi sau giờ nghỉ trưa, khi nhà đầu tư vẫn chọn cách đứng ngoài quan sát.
Có thời điểm lực cung thắng thế khiến VN-Index rơi về gần ngưỡng 1.275 điểm. Tuy nhiên, sự vững vàng của một số bluechip đã giúp chỉ số đóng cửa chỉ còn giảm nhẹ.
Bước sang phiên giao dịch sáng nay 17/10, sau nhịp tăng khoảng 5 điểm ngay khi mở cửa, bảng điện tử lại cho thấy sự phân hoá mạnh, trong khi dòng tiền yếu đi đã khiến VN-Index đảo chiều lùi về tham chiếu sau hơn 1 giờ đồng hồ.
Giao dịch nhạt nhoà từ cả bên mua và bên bán và hiếm có cái tên đáng kể nào trên thị trường đang giành được sự chú ý, ngoài mã nhỏ QCG khi có thời điểm chạm giá trần và thu hẹp đáng kể mức tăng sau đó, khớp lệnh đang dẫn đầu sàn, dù chỉ gần 5 triệu đơn vị.
Phản ánh sự ảm đạm chung, toàn sàn HOSE chỉ có khoảng 10 cổ phiếu nhích hơn 2%, nhưng thanh khoản đa phần dừng lại ở mức thấp, ngoài HVH khớp hơn 0,6 triệu đơn vị, N01 khớp gần 0,2 triệu đơn vị…
Đà giảm của VN-Index được nới thêm ở nửa sau của phiên, khi bảng điện tử nghiêng hẳn về số mã giảm, trong khi các bluechip cũng chỉ còn lác đác vài mã còn tăng. Dù vậy, mức giảm của chỉ số cũng không quá lớn, khi mà áp lực bán dù lan rộng nhưng không xuất hiện cung giá thấp.
Chốt phiên, sàn HOSE có 67 mã tăng và 270 mã giảm, VN-Index giảm 5,61 điểm (-0,44%), xuống 1.273,87 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 232,1 triệu đơn vị, giá trị 5.474 tỷ đồng, giảm nhẹ về khối lượng và 6% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 30,8 triệu đơn vị, giá trị 708 tỷ đồng.
Nhóm VN30 chỉ còn ba cổ phiếu ACB, VIC và VCB duy trì được mức tăng nhẹ 0,2%-0,3%, trong khi PLX và TCB về tham chiếu.
Còn lại đều chìm trong sắc đỏ, tuy nhiên, mức giảm không sâu, với SSB mất điểm mạnh nhất chỉ -2,1% xuống 16.350 đồng. Các mã HDB, TPB, POW, VJC, MSN, GVR theo sau với mức giảm chỉ từ 1% đến 1,66%.
Hai cổ phiếu khác đáng kể là STB và HPG khi dẫn đầu thanh khoản nhóm và toàn sàn HOSE với 7,94 triệu và 9 triệu đơn vị, cả hai giảm nhẹ lần lượt 0,6% và 0,9%.
Nhóm các cổ phiếu vừa và nhỏ cũng giao dịch ảm đạm, ngoài cái tên duy nhất chạm giá trần là HVX lên 2.960 đồng, nhưng cũng chỉ khớp 0,12 triệu đơn vị và NO1 +3% lên 9.580 đồng, khớp 0,2 triệu đơn vị.
Ở chiều ngược lại, như đã đề cập, do lực cung giá thấp được tiết giảm mạnh, nên các sắc đỏ đa phần chỉ giảm điểm nhẹ. Một vài cái tên có thanh khoản cao như TCD, RDP, CSV, DBC, VDS, SMC giảm từ 2,7% đến hơn 3%.
Trên sàn HNX, diễn biến tương tự, khi HNX-Index lùi về dưới tham chiếu sau nửa đầu phiên tăng điểm.
Chốt phiên, sàn HNX có 38 mã tăng và 80 mã giảm, HNX-Index giảm 0,76 điểm (-0,33%), xuống 227,5 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 20,4 triệu đơn vị, giá trị 384 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không xuất hiện.
Các cổ phiếu lớn ngoài CEO, NVB, KSF, VCS đứng tham chiếu, BAB nhích 0,9%, KSV tăng hơn 2%, TNG +2,9% lên 24.800 đồng, thì còn lại đều giảm, dù mức giảm cũng chỉ trên dưới 1%.
cổ phiếu lớn khác là PVS có phiên biến động mạnh, khi mở cửa giảm sàn và thu hẹp đáng kể đà giảm, kết phiên -0,3% xuống 39.000 đồng.
Các cổ phiếu tăng điểm khác đáng kể có MBG +6,7% lên 3.200 đồng, GKM +3,6% lên 8.600 đồng, DXP +2,6% lên 12.000 đồng.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng đảo chiều xuống dưới tham chiếu vào cuối phiên khi sắc đỏ mở rộng trên bảng điện tử.
Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,32 điểm (-0,35%), xuống 92 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 9,56 triệu đơn vị, giá trị 135,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 3,9 triệu đơn vị, giá trị gần 82 tỷ đồng.
Nhóm các cổ phiếu thanh khoản cao ngoài HNG, VGT, OIL, VEA tăng nhẹ, cùng AAH, BCR, C4G đứng tham chiếu, thì những cái tên khác đều giảm, dù cũng chỉ mất điểm nhẹ như BSR, BVB, VGI, DDV, ABB, với mức giảm chỉ trên dưới 1%, với BSR khớp lệnh cao nhất UpCoM khi có hơn 2,3 triệu đơn vị.
Nguồn: Tinnhanhchungkhoan.vn – Lạc Nhạn