Giải mã chiến lược thu hút 5 tỷ USD vốn ngoại của Masan Group
Từ WinCommerce đến hệ sinh thái tiêu dùng – bán lẻ: Chiến lược M&A giúp Masan Group thu hút 5 tỷ USD vốn đầu quốc tế.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đang trên đà hồi phục, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài chính là mục tiêu chiến lược ưu tiên của nhiều doanh nghiệp. Masan Group, một trong những tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực tiêu dùng bán lẻ nổi lên như một ví dụ điển hình cho câu chuyện này. Vậy đâu là những yếu tố then chốt tạo nên sức hút của Masan Group?
Quyết định mua lại WinCommerce của Masan Group
Trong 17 năm qua, Masan Group đã thu hút được tổng cộng 5 tỷ USD vốn đầu tư quốc tế. Chia sẻ về thành công này, ông Michael Hung Nguyen – Phó Tổng Giám đốc Masan Group đã nói, yếu tố then chốt thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư chính là một chiến lược kinh doanh rõ ràng, minh bạch và có khả năng sinh lời. Và thương vụ mua lại WinCommerce (WCM) vào cuối năm 2019 là minh chứng rõ nét nhất cho tầm nhìn chiến lược của tập đoàn.
Tuy nhiên, thương vụ mua lại WCM không chỉ đơn thuần là thu mua một chuỗi siêu thị đang gặp khó khăn. Masan Group, với tham vọng xây dựng một hệ sinh thái tiêu dùng – bán lẻ toàn diện, đã nhìn thấy tiềm năng to lớn từ thị trường bán lẻ Việt Nam và WCM chính là mảnh ghép hoàn hảo cho chiến lược này.
Thoát khỏi vũng lầy, WCM lượm trái ngọt
Vào thời điểm trước khi bị mua lại bởi Masan Group, WCM đang trong tình trạng kinh doanh thua lỗ với EBITDA âm 7%, cho thấy những khó khăn mà công ty đang gặp phải. Nhưng Masan Group đã không màng đến điều này và vẫn quyết định đầu tư vào WCM.
Bằng chứng là ngay sau khi hoàn tất thương vụ, Masan Group đã nhanh chóng triển khai chiến lược tái cấu trúc quyết liệt, tập trung cải tiến hệ thống quản lý và vận hành. Đồng thời, Masan Group cũng đẩy mạnh mở rộng mạng lưới, nâng cao chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa sản phẩm của WinCommerce hơn.
Kết quả là chỉ sau 4 năm, WCM đã ghi nhận những bước chuyển mình ấn tượng. Chỉ số EBITDA tăng lên mức dương 4% và đạt lợi nhuận sau thuế dương trong 3 tháng liên tiếp (6,7,8/2024). Doanh thu của WCM trong quý II/2024 cũng đạt 7.844 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước.
WCM hiện đang vận hành gần 3.700 siêu thị, phủ sóng 62/63 tình thành trên cả nước và chiếm khoảng 50% thị phần bán lẻ hiện đại tại Việt Nam. Không dừng lại ở đó, Masan Group còn đặt mục tiêu đầy tham vọng hơn nữa, khi quyết tâm mở rộng quy mô WCM lên tới 10.000 cửa hàng vào 2030.
Bí mật đằng sau thành công thu hút vốn ngoại của Masan Group
Thành công của Masan trong việc thu hút vốn đầu tư quốc tế không đến từ may mắn. Chính chiến lược kinh doanh bài bản, nhạy bén và khả năng nắm bắt cơ hội đã giúp Masan đạt được thành công đó. Minh chứng rõ nét nhất là con số 5 tỷ USD – tổng số vốn mà tập đoàn đã kêu gọi được từ các nhà đầu tư quốc tế. Trong đó có những “ông lớn” như KKR, TPG, SK Group, và mới đây nhất là quỹ Bill & Melinda Gates Foundation Trust.
Chiến lược tái cấu trúc WinCommerce (WCM) là một ví dụ điển hình cho thấy cách Masan vận dụng chiến lược kinh doanh của mình để tạo ra thành công và thu hút vốn đầu tư. Chỉ trong 4 năm, chuỗi siêu thị này đã từ chỗ thua lỗ trở thành “con gà đẻ trứng vàng” cho tập đoàn.
Không chỉ dừng lại ở những thương vụ M&A táo bạo, Masan Group còn cho thấy sự nhạy bén, nhanh chóng trong việc nắm bắt, tận dụng thời cơ từ các chính sách thúc đẩy kinh tế của Chính phủ. Việc chủ động nắm bắt “thời cơ” này đã giúp Masan tối ưu hóa hoạt động kinh doanh và thu hút thêm dòng vốn đầu tư.
Kim Khanh