18/03/2025 lúc 18:31

Dòng tiền rút khỏi thị trường khiến thanh khoản sụt giảm, giao dịch chững lại

Thêm một lần nữa, VN-Index lại không thể chiến thắng được ngưỡng cản 1.340 điểm thị trường rơi vào trạng thái điều chỉnh.

Tiếp nối đà tăng mạnh của phiên giao dịch trước đó vào ngày 17/3, thị trường chứng khoán mở cửa phiên sáng nay với tâm lý tích cực. VN-Index đã có những nỗ lực chinh phục ngưỡng 1.340 điểm – mốc kháng cự mà chỉ số này không thể vượt qua trong phiên giao dịch hôm thứ Tư (12/3) và thứ Năm (13/3). Tuy nhiên, VN-Index lại một lần nữa bị đẩy lùi khi dòng tiền chưa đủ mạnh để giữ vững đà tăng.

VN-Index không thể chiến thắng được ngưỡng cản 1.340 điểm - 60s hôm nay
VN-Index không thể chiến thắng được ngưỡng cản 1.340 điểm. Ảnh minh họa

VN-Index giảm điểm sau nỗ lực mốc 1.340 điểm

Dù cố gắng giữ được sắc xanh vào cuối phiên sáng, thị trường bước vào phiên chiều đã phải đối mặt với áp lực bán ngày càng gia tăng trên bảng điện tử. Mặc dù dòng tiền vẫn cho thấy sự tích cực, song một số cổ phiếu blue-chip đã đảo chiều giảm khiến VN-Index chịu tác động tiêu cực. Cuối phiên, chỉ số này lùi về dưới tham chiếu và dần nới rộng khoảng cách đi xuống, đóng cửa ở mức gần 1.330 điểm.

Kết thúc phiên giao dịch, trên sàn HOSE ghi nhận 160 mã cổ phiếu tăng giá, trong khi 318 mã giảm. VN-Index giảm 5,29 điểm, tương đương 0,40%, xuống còn 1.330,97 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 903,3 triệu đơn vị, tương đương giá trị 19.697,9 tỷ đồng, giảm nhẹ 7% về khối lượng và 5% về giá trị so với phiên trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 93,2 triệu đơn vị, với giá trị đạt 2.340 tỷ đồng.

Trong nhóm VN30, có tới 21 cổ phiếu ghi nhận mức giảm, tuy nhiên, các mức giảm đều không đáng kể, với cổ phiếu VPB dẫn đầu, chỉ mất gần 2% xuống còn 19.750 đồng. Theo sau là các cổ phiếu như VHM, STB, MSN, VRE, CTG, VIC, MBB với mức giảm dao động từ 1% đến 1,7%.

Ngược lại, cổ phiếu SHB ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ, từ mức giá tham chiếu cuối phiên sáng có lúc tăng tới 4%. Cuối phiên, SHB đóng cửa với mức tăng 3,1% lên 11.550 đồng và khớp lệnh nổi bật trên toàn thị trường với gần 72 triệu đơn vị. Một cổ phiếu ngân hàng khác, LPB, cũng có mức tăng ấn tượng, đạt 2% lên 35.400 đồng và khớp hơn 5,1 triệu đơn vị.

Những đốm xanh hiếm hoi hôm nay không mang tính đại diện nhóm ngành - 60s hôm nay
Những đốm xanh hiếm hoi hôm nay không mang tính đại diện nhóm ngành. Ảnh: VnEconomy

Ngoài ra, các cổ phiếu vừa và nhỏ thuộc ngành năng lượng, điện, dầu khí vẫn giữ vững phong độ, có sự dẫn dắt tâm lý từ cổ phiếu POW khi mã này tăng trần 6,6% lên 12.900 đồng, khớp lệnh 35,5 triệu đơn vị – mức cao nhất kể từ giữa tháng 6/2024, và còn dư mua giá trần hơn 4,4 triệu đơn vị.

Trong số các mã cổ phiếu khác, có KHP tăng 5,1% lên 11.350 đồng, GEG tăng 4% lên 14.250 đồng, BSR tăng 3,1% lên 19.850 đồng, và TV2 tăng 2,9% lên 34.200 đồng. Những cái tên riêng lẻ như FIR cũng thu hút lực cầu tốt với mức tăng trần 6,9%, đạt 8.240 đồng, khớp hơn 1 triệu đơn vị; VTP tăng 5% lên 147.000 đồng; TRC tăng 3,8% lên 79.200 đồng; và YEG tăng 3,1% lên 15.100 đồng.

Tuy nhiên, một số cổ phiếu khác đã ghi nhận mức giảm, dù không sâu nhưng có thanh khoản khớp lệnh đáng kể, như DXG, GEE, SCR, VPH, TCI, KHG, NKG, HSG, và HTN, với mức mất từ 2% đến hơn 3%.

Sàn HNX-Index duy trì sắc xanh nhẹ

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index dao động giằng co và đóng cửa ở mức 247,03 điểm, tăng nhẹ 0,26 điểm (+0,11%). Số mã tăng/giảm gần cân bằng với 80 mã tăng và 84 mã giảm. Thanh khoản đạt hơn 47,6 triệu đơn vị, tương đương giá trị 847,7 tỷ đồng.

Thị trường có phiên điều chỉnh về sát mốc 1.330 - 60s hôm nay
Thị trường có phiên điều chỉnh về sát mốc 1.330. Ảnh: Tin nhanh chứng khoán

Trong phiên sáng, KSF là mã dẫn dắt khi tăng trần, nhưng đến cuối phiên mức tăng thu hẹp chỉ còn +0,14% lên 72.800 đồng/cp. Các cổ phiếu trụ cột khác như SHS, CEO, MBS, HUT điều chỉnh nhẹ, trong khi PVS, IDC, KSV có biên độ tăng không đáng kể. SHS là mã có thanh khoản cao nhất với hơn 9,61 triệu đơn vị được giao dịch.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index giảm nhẹ 0,14 điểm (-0,14%) xuống 100,29 điểm. Thanh khoản đạt hơn 57,9 triệu đơn vị, giá trị 648,2 tỷ đồng. Cổ phiếu ABB tiếp tục thu hút dòng tiền mạnh, đóng cửa tăng 3,6% lên 8.500 đồng/cp, khớp lệnh tới 20,7 triệu đơn vị, bỏ xa các mã khác trên sàn.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm điểm. Hợp đồng VN30F2503, sẽ đáo hạn vào thứ Năm tới, mất 2,8 điểm (-0,2%) xuống 1.387,5 điểm, khớp lệnh hơn 136.600 đơn vị. Trong khi đó, thị trường chứng quyền cũng chìm trong sắc đỏ. Mã CMBB2405 khớp lệnh cao nhất với hơn 8,5 triệu đơn vị, giảm 8,2% xuống 780 đồng/cq. CACB2504 cũng giảm mạnh 14,1% xuống 730 đồng/cq sau khi khớp lệnh hơn 3 triệu đơn vị.

Minh Thư

Nguồn tham khảo: Tinnhanhchungkhoan.vn