Đón tin tốt, VN-Index vẫn loanh quanh ngưỡng 1.300 điểm
(VNF) – Dù có nhiều tín hiệu tích cực, VN-Index vẫn giằng co quanh ngưỡng 1.300 điể. Điều này phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước các yếu tố biến động trên thị trường.
Giằng co quanh ngưỡng 1.300
Trong suốt chặng đường năm 2024, kinh tế Việt Nam đã ghi nhận nhiều diễn biến tích cực. Với triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán đang cận kề, nhiều nhà đầu tư không khỏi thắc mắc vì sao VN-Index vẫn giằng co quanh ngưỡng 1.300 điểm.
Theo ông Nguyễn Quang Đạt, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán UP (UPS), tình trạng này khiến nhiều nhà đầu tư trở nên thận trọng và hoài nghi về khả năng bứt phá của thị trường.
“Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Trước hết, thanh khoản thị trường ở mức thấp do nhà đầu tư đang thận trọng, chờ đợi các yếu tố kích thích rõ ràng hơn, đặc biệt là thông tin về nâng hạng thị trường. Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dù đã giảm lãi suất nhưng vẫn duy trì mức cao để kiểm soát lạm phát, tạo áp lực lên dòng vốn ngoại vào các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Lãi suất cao không chỉ làm tăng chi phí vốn của nhà đầu tư, mà còn làm tỷ giá USD/VND biến động, khiến nhà đầu tư quốc tế rút vốn để tìm kiếm các kênh an toàn hơn như trái phiếu chính phủ Mỹ,” ông Đạt chia sẻ.
Theo ông Đạt, các thông tin tích cực phần lớn đã phản ánh vào đà tăng trước đó của thị trường; ngưỡng 1.300 hiện tại là ngưỡng kháng cự mạnh. Thống kê của UPS cho thấy VN-Index đã bảy lần gặp ngưỡng cản này trong thời gian gần đây, và chưa có thông tin vĩ mô hoặc dòng tiền đủ mạnh để giúp thị trường bứt phá qua ngưỡng 1.300 điểm.
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh TP.HCM của Công ty Chứng khoán DSC, nhận định rằng 1.300 điểm là một “ngưỡng ám ảnh” đối với các nhà đầu tư. Ông cho rằng thị trường chứng khoán trong nước đang trong “vùng trũng thông tin”, khi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp không có nhiều bất ngờ hay biến động lớn.
Bên cạnh đó, các thị trường quốc tế có diễn biến tích cực, điển hình là thị trường Mỹ với tác động từ các tin tức về cuộc bầu cử tổng thống. Tuy nhiên, khi cuộc bầu cử tới gần, thị trường đã có dấu hiệu chững lại để chờ đợi tín hiệu mới. Đồng thời, đồng USD gây bất ngờ khi tỷ giá trong những ngày qua vẫn căng thẳng, trái với kỳ vọng giảm nhiệt sau khi Fed hạ lãi suất.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán còn nhiều biến động, Tổng giám đốc UPS khuyến nghị nhà đầu tư nên điều chỉnh chiến lược phù hợp với mục tiêu. Đối với nhà đầu tư dài hạn, có thể tận dụng các đợt sụt giảm mạnh của thị trường để tích lũy cổ phiếu với mức giá hợp lý, đồng thời cơ cấu lại các nhóm cổ phiếu có định giá cao và tiềm năng tăng trưởng chậm. Ông Đạt khuyến khích tập trung vào các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt trong các ngành ngân hàng, tiêu dùng thiết yếu và công nghiệp với tầm nhìn dài hạn.
Còn nhà đầu tư ngắn hạn nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu dưới 50% danh mục để hạn chế rủi ro từ biến động thị trường, đồng thời linh hoạt điều chỉnh danh mục khi thị trường có dấu hiệu đảo chiều, ưu tiên các cổ phiếu chưa tăng giá mạnh, đặc biệt là những doanh nghiệp có triển vọng lợi nhuận tốt trong quý IV.
Nhóm ngành tiềm năng trong tương lai
Nhìn về tương lai, các chuyên gia nhận định có nhiều nhóm ngành tiềm năng với tăng trưởng tốt. Ông Đạt cho rằng ngành ngân hàng dự kiến sẽ tăng trưởng 8-10% trong năm 2024, được hỗ trợ bởi tăng trưởng tín dụng và chính sách tiền tệ ổn định của Ngân hàng Nhà nước. Đặc biệt, khi Việt Nam được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, cổ phiếu ngân hàng sẽ thu hút dòng vốn ngoại, giúp thúc đẩy thanh khoản và giá cổ phiếu, trong bối cảnh nhiều cổ phiếu ngân hàng hiện đang bị định giá thấp hơn các ngành khác.
Ngành thứ hai là các ngành hưởng lợi từ đầu tư công của Chính phủ, bao gồm xây dựng và thép, vốn đã chịu ảnh hưởng nặng nề về lợi nhuận trong năm 2023 và đầu 2024. Hiện tại, nhóm ngành này đã có dấu hiệu tăng trưởng trở lại và được dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng tích cực trong quý IV/2024 và quý I/2025. Ngoài ra, ngành bất động sản khu công nghiệp cũng được dự báo tăng trưởng 10-12% trong năm 2024 nhờ dòng vốn FDI và sự phát triển của hạ tầng giao thông.
Ngành tiềm năng thứ ba là năng lượng tái tạo, với dự kiến tăng trưởng 12-15% trong năm 2024, nhờ các dự án điện mặt trời và điện gió đang được triển khai mạnh mẽ. Chính phủ cũng khuyến khích phát triển các dự án điện sạch nhằm giảm phát thải và đảm bảo an ninh năng lượng.
Thứ tư là ngành tiêu dùng và bán lẻ, dự báo sẽ tăng trưởng 7-9% trong năm nay, nhờ sự phục hồi tiêu dùng nội địa và sự phát triển của thương mại điện tử, trong khi định giá ngành vẫn còn hấp dẫn.
Ngành cuối cùng là công nghệ thông tin và viễn thông, với mức tăng trưởng dự kiến từ 9-12% trong năm 2024, được thúc đẩy bởi quá trình chuyển đổi số và sự phát triển của kinh tế số khi Chính phủ đang đẩy mạnh các chính sách liên quan.
Ông Bùi Văn Huy bổ sung rằng các nhóm ngành tài chính ngân hàng, bán lẻ và một số ngành sản xuất sẽ hưởng lợi theo đà phục hồi của nền kinh tế, cùng với các ngành được hưởng lợi từ xu hướng đầu tư công. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng việc lựa chọn nhóm ngành là cần thiết, nhưng xác định thời điểm mua ở mức giá hợp lý mới là yếu tố quan trọng.
Nguồn: vietnamfinance.vn – Hải Đường