Đề xuất vay mua nhà với lãi suất 5%/năm, tăng tín dụng tiêu dùng ưu đãi
(VNF) – Đề xuất gói tín dụng cho vay mua nhà với lãi suất 5%/năm; yêu cầu kích cầu tiêu dùng, giảm thêm lãi suất cho vay; NHNN hút tiền trở lại; quỹ ngoại thoái vốn tại VPBank… là những điểm nhấn quan trọng trong tuần qua.
Đề xuất gói tín dụng cho vay mua nhà với lãi suất 5%/năm
Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên xem xét lại các gói tín dụng hỗ trợ mua nhà như gói 30.000 tỷ đồng với lãi suất 5%/năm và thời hạn vay 20 năm, để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân.
Đó là đề xuất của TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng tại hội thảo khoa học “Thị trường bất động sản Việt Nam trong bối cảnh thực hiện Luật Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh Bất động sản” mới đây.
NHNN yêu cầu kích cầu tiêu dùng, giảm thêm lãi suất cho vay
Thống đốc NHNN vừa ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN và các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ ngành ngân hàng được giao tại Chỉ thị số 29/CT-TTg về việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước.
NHNN yêu cầu nghiêm túc triển khai nhiệm vụ kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; duy trì ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi, đơn giản hóa thủ tục cho vay, xem xét giảm thêm lãi suất cho vay…
Chính thức chuyển giao hai ‘ngân hàng 0 đồng’ CBBank và OceanBank
Theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, ngay trong chiều 17/10, NHNN tổ chức lễ chuyển giao 2 ngân hàng bắt buộc là CBBank và OceanBank. Theo đó, CBBank sẽ được chuyển giao cho Vietcombank còn OceanBank chuyển giao cho ngân hàng MB.
Ngoài ra, còn hai ngân hàng khác là Ngân hàng TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) dự kiến sẽ tiếp tục được chuyển giao lần lượt các ngân hàng khác trong tương lai.
Vietcombank, MB thêm lợi thế gì khi nhận CBBank và OceanBank?
Đối với Vietcombank và MB, việc nhận chuyển giao CBBank và OceanBank sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các “ông lớn” này.
Cụ thể, việc nhận chuyển giao CBBank và OceanBank giúp Vietcombank và MB được một số quyền lợi như nhận được hạn mức tín dụng cao hơn, được nới giới hạn về cho vay và có thêm dư địa tăng trưởng.
Ủy ban Kinh tế nói về đề xuất tăng hơn 20.000 tỷ đồng vốn cho Vietcombank
Chính phủ vừa có tờ trình đề nghị Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung 20.695 tỷ đồng vốn nhà nước cho Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).
Ủy ban Kinh tế nhất trí với đề xuất bổ sung vốn nhà nước cho Vietcombank nhưng đề nghị đánh giá về hiệu quả việc đầu tư vốn nhà nước và ảnh hưởng của việc đầu tư này đến ngân sách nhà nước.
Tỷ giá tăng mạnh, NHNN hút tiền trở lại
NHNN vừa mở lại kênh hút tiền sau gần 2 tháng tạm ngưng trong bối cảnh tỷ giá bật tăng mạnh trở lại và lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng giảm sâu.
Theo giới phân tích, động thái này nhằm điều chỉnh thanh khoản hệ thống trong ngắn hạn, từ đó có thể đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng VND, giúp làm giảm mức chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND, qua đó hỗ trợ sự ổn định của tỷ giá USD/VND.
Ngân hàng thứ 2 công bố BCTC quý III, lợi nhuận tăng 133%
LPBank là ngân hàng thứ 2 công bố báo cáo tài chính quý III, sau Saigonbank. LPBank tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ba chữ số.
Theo đó, lãi trước thuế của LPBank trong quý III tăng 133,7% so với cùng kỳ năm trước đạt 2.899 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của LPBank đạt 8.818 tỷ đồng, tăng 139% so với cùng kỳ.
Tài liệu lan truyền trên mạng xã hội về Eximbank là không xác thực, không rõ nguồn gốc
Trước đó, mạng xã hội lan truyền thông tin về đơn kiến nghị và phản ánh khẩn cấp về rủi ro nghiêm trọng dẫn đến mất an toàn hoạt động và nguy cơ sụp đổ hệ thống Eximbank. Tài liệu trên mạng xã hội chỉ có 1 trang và không có chữ ký cũng như con dấu, khiến nhiều người suy đoán về nguồn gốc phát tán.
Trong thông cáo phát đi tối 15/10, Eximbank khẳng định, tài liệu này không phải là văn bản của Ban kiểm soát và không xuất phát từ ngân hàng Eximbank. Đây là tài liệu chưa được xác thực, không rõ nguồn gốc và không có chữ ký, không có con dấu.
Ông Nguyễn Trần Mạnh Trung làm Tổng giám đốc làm VietinBank
Ngày 17/10, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank – mã chứng khoán: CTG) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2024. Đại hội đã bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị VietinBank nhiệm kỳ 2024-2029.
Ông Nguyễn Trần Mạnh Trung vừa được bầu bổ sung Thành viên Hội đồng quản trị kiêm giữ chức vụ Tổng Giám đốc VietinBank từ ngày 17/10.
Cho vay vốn ưu đãi trồng lúa phát thải carbon thấp
NHNN đã có các văn bản về việc triển khai thực hiện Chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL.
Theo Chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL, người dân có thể vay vốn với lãi suất thấp hơn tối thiểu 1%/năm so với lãi suất cho vay của kỳ hạn tương ứng.
Quỹ ngoại thoái vốn tại VPBank
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – mã chứng khoán: VPB) vừa công bố danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên, cập nhật đến ngày 9/10.
Theo đó, Composite Capital Master Fund LP không còn là cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ tại VPBank. Composite Capital Master Fund LP là một quỹ đầu tư có đăng ký trụ sở tại quần đảo Cayman (thuộc Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland).
NHNN nói gì khi dân kêu khó mua vàng miếng online?
Bà Trần Nhi (Hà Nội) phản ánh, từ khi 4 ngân hàng và Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) chỉ cho mua vàng miếng khi đăng ký trực tuyến đã có tình trạng người dân gần như không thể mua vàng miếng vì liên tục đăng ký không thành công, dù “canh” rất đúng giờ.
NHNN cho biết trường hợp khách hàng có kiến nghị về cách thức bán vàng miếng SJC bằng phương thức trực tiếp hay đăng ký trực tuyến của Công ty SJC, đề nghị khách hàng liên hệ với Công ty SJC qua các kênh thông tin điện tử hoặc đến trực tiếp các điểm kinh doanh của Công ty SJC để được giải đáp.
Nguồn: vietnamfinance.vn – Minh Anh