Trong đó, cả nước có 79 dự án đã hoàn thành với quy mô 40.679 căn; đã khởi công xây dựng 131 dự án với quy mô 111.687 căn; đã được chấp thuận chủ trương đầu tư là 412 dự án với quy mô 411.076 căn.
Tuy nhiên, mới có 83 dự án tại 63 tỉnh, thành phố đủ điều kiện vay vốn ưu đãi từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Trong đó, 15 dự án được cam kết cấp tín dụng 4.200 tỷ đồng, 57 dự án chủ đầu tư không có nhu cầu vay vốn và có 6 dự án đang được thẩm định, 5 dự án không đáp ứng điều kiện cho vay.
Người mua nhà tại 32/83 dự án nhà ở xã hội đã được vay vốn theo cả chương trình 120.000 tỷ đồng với tổng dư nợ là 2.099 tỷ đồng với 5.236 khách hàng. Trong đó, dư nợ phát sinh chủ yếu tại Ngân hàng Chính sách xã hội với 2.019 tỷ đồng, do mức lãi suất cho vay ưu đãi hơn.
Theo nhận định của Bộ Xây dựng, cơ chế, chính sách và nguồn vốn tín dụng ưu đãi dành cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội vẫn chưa đủ hấp dẫn. Nguồn vốn đầu tư xây dựng từ ngân sách còn hạn chế. Thủ tục mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội vẫn phức tạp, nhất là việc xác nhận các giấy tờ chứng minh về điều kiện nhà ở, thu nhập và cư trú.
Những thành quả trong công cuộc phát triển nhà ở xã hội càng trở nên ý nghĩa hơn khi mặt bằng giá bất động sản thương mại liên tục tăng cao. Trong khuôn khổ cuộc họp, Bộ Xây dựng cho biết, trong những tháng đầu năm 2024, nguồn cung của thị trường mặc dù có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn khá hạn chế.
“Cơ cấu sản phẩm nhà ở phần lớn tập trung về phân khúc nhà ở trung và cao cấp. Nhà ở cho người thu nhập thấp còn thiếu, cơ cấu sản phẩm bất động sản bình dân giảm dần”, báo cáo của Bộ cho hay.
Trong quý III/2024, giá bất động sản tại một số địa phương vẫn có xu hướng tăng, đặc biệt là tại Hà Nội, TP.HCM và các đô thị lớn. Bên cạnh đó, Bộ cho biết, thị trường đất đấu giá tại một số địa phương đang liên tục lập kỷ lục, với giá trúng cao gấp nhiều lần mức khởi điểm. Nhiều đối tượng còn bỏ cọc sau khi trúng đấu giá, nhằm mục đích thiết lập mặt bằng giá ảo tại khu vực.
Nguồn: Tinnhanhchungkhoan.vn – Thanh vũ