28/10/2024 lúc 11:24

Cuộc đua ngân hàng số trong thời đại AI

Đứng top 5 quốc gia có nhiều người sở hữu tài sản số nhất thế giới trong năm 2021 (Thống kê của Statista). Việt Nam được đánh giá là thị trường vô cùng tiềm năng.

Trí tuệ nhân tạo và sự đổi mới trong ngân hàng

Công cuộc chuyển đổi số đã có từ lâu trong nền kinh tế nước ta và đã trở thành xu hướng tất yếu và ngành tài chính – ngân hàng. Với sự hỗ trợ của các chính sách và công nghệ hiện đại, ngành ngân hàng đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc phát triển ngân hàng số, góp phần nâng cao trải nghiệm khách hàng và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2023, số lượng giao dịch qua kênh ngân hàng số đã tăng hơn 45% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, tỷ lệ người dùng sử dụng ứng dụng ngân hàng di động (Mobile Banking) đã vượt mốc 80% ở nhóm khách hàng trong độ tuổi 18-45.

Các hệ thống AI có thể phân tích hàng triệu giao dịch trong thời gian thực để phát hiện các hoạt động đáng ngờ, giúp bảo vệ tài sản của khách hàng và ngân hàng. Đối với khách hàng, việc sử dụng ngân hàng số giúp tiết kiệm thời gian và công sức, cung cấp dịch vụ nhanh chóng và tiện lợi.

Sự lên ngôi của ngân hàng số

Trong lễ trao giải Better Choice Awards 2024, Cake by VPBank đã một lần nữa khẳng định vị thế dẫn đầu của mình khi xuất sắc giành được danh hiệu “Ngân hàng công nghệ của năm”, nhờ vào việc ứng dụng AI tiên tiến để phục vụ hơn 4,6 triệu khách hàng.

Nhiều ngân hàng lớn tại Việt Nam đã và đang đầu tư mạnh vào công nghệ AI, mang lại nhiều kết quả ấn tượng. Điển hình là Techcombank, ngân hàng này đạt được thành công khi triển khai hệ thống chatbot AI có khả năng xử lý hơn 80% câu hỏi thường gặp của khách hàng. Kế đến là ngân hàng VPBank, nổi bật với ứng dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt trong mở tài khoản trực tuyến, giúp rút ngắn thời gian xác thực từ 15 phút xuống chỉ còn 3 phút.

Mới đây nhất, Ngân hàng VIB cũng đã cho ra mắt thẻ tín dụng cá nhân hóa đầu tiên tại Việt Nam, giúp đưa ảnh cá nhân của người dùng lên mặt thẻ. Có thể thấy được rằng hiện nay các Ngân hàng số tại Việt Nam không chỉ hướng đến công nghệ và các lợi ích tài chính mà còn đặc biệt quan tâm đến tối ưu hóa trải nghiệm người dùng.

phien-ban-the-tin-dung-ca-nhan-hoa-cua-ngan-hang-VIB
Thẻ tín dụng in ảnh cá nhân của VIB. Ảnh: VIB

Lộ trình tối ưu cho hành trình chuyển đổi số

Đóng vai trò thúc đẩy trong sự chuyển đổi của ngành ngân hàng, hiện nay đã có tới 85% ngân hàng có chiến lược triển khai AI và 59% nhân sự đang sử dụng công nghệ này hàng ngày. Dự báo đến năm 2030, ngân hàng sẽ chi tới 85 tỷ USD cho GenAI, tăng đột biến từ mức 6 tỷ USD năm 2024.

Tương lai của ngân hàng số hứa hẹn sẽ trở thành xu hướng chủ đạo trong ngành tài chính. Sự tham gia của các công nghệ Blockchain, Internet of Things (IoT) có thể sẽ là bước tiến tiếp theo, giúp các giao dịch ngân hàng trở nên minh bạch và an toàn hơn. Các ngân hàng cũng sẽ tiếp tục đầu tư vào AI để tối ưu hóa quy trình và cung cấp các dịch vụ tùy chỉnh cao hơn.

ngan-hang-so-mo-ra-nhieu-co-hoi-va-cac-thach-thuc
Phát triển ngân hàng số tạo ra nhiều cơ hội và thách thức. Ảnh: Internet

Tuy nhiên, việc triển khai AI đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và một lộ trình rõ ràng. Các ngân hàng cần đánh giá kỹ lưỡng về khả năng sẵn sàng của tổ chức, xác định các lĩnh vực ưu tiên và xây dựng một kế hoạch triển khai chi tiết, bao gồm cả việc quản lý rủi ro và đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật. Điều quan trọng là mỗi ngân hàng cần có một lộ trình phù hợp với quy mô và đặc thù riêng, tránh áp dụng một cách máy móc các giải pháp chung.

Ông Trần Hoàng Long, Giám đốc Công nghệ FPT Digital đã nhấn mạnh “Mỗi ngân hàng cần có lộ trình chuyển đổi riêng phù hợp với năng lực. Không nên chạy đua ứng dụng AI một cách ồ ạt mà cần đánh giá kỹ về cơ sở hạ tầng, nhân lực và khả năng tài chính”.

Minh Thư