16/03/2025 lúc 16:24

Công ty chứng khoán tăng vốn mạnh mẽ, chuẩn bị đón đầu sóng nâng hạng

Năm 2025, các công ty chứng khoán khẩn trương triển khai nhiều đợt tăng vốn điều lệ, nhằm củng cố tài chính và mở rộng hoạt động kinh doanh.

Những kế hoạch nghìn tỷ

Ngày 3/4/2025, Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC – mã chứng khoán: VDS) sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên để trình phương án phát hành 77 triệu cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ. Trong đó, 24,3 triệu cổ phiếu sẽ được phát hành để trả cổ tức, 4,7 triệu cổ phiếu theo chương trình ESOP và 48 triệu cổ phiếu chào bán riêng lẻ.

Các công ty chứng khoán triển khai tăng vốn - 60s hôm nay
Các công ty chứng khoán triển khai tăng vốn. Ảnh minh họa

Cổ phiếu ESOP bị hạn chế chuyển nhượng trong hai năm đầu. Trong khi đó, cổ phiếu chào bán riêng lẻ sẽ bị hạn chế giao dịch tối thiểu ba năm đối với nhà đầu tư chiến lược và một năm với nhà đầu tư chuyên nghiệp. Sau khi hoàn tất, vốn điều lệ của VDSC dự kiến tăng từ 2.430 tỷ đồng lên 3.200 tỷ đồng.

Tương tự, Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS – mã chứng khoán: FTS) cũng sẽ trình cổ đông phương án phát hành gần 30,6 triệu cổ phiếu theo tỷ lệ 10% từ lợi nhuận chưa phân phối, dự kiến thực hiện trong quý 2-3/2025. Ngoài ra, FPTS còn có kế hoạch phát hành 10 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, bị hạn chế chuyển nhượng trong hai năm. Dự kiến, FPTS sẽ thu về gần 100 tỷ đồng từ đợt phát hành này để bổ sung vốn cho hoạt động ký quỹ.

Năm 2024, FPTS đã hoàn tất tăng vốn từ 2.145 tỷ đồng lên 3.059 tỷ đồng qua các đợt phát hành cổ phiếu. Nếu kế hoạch mới được thực hiện, vốn điều lệ của công ty sẽ đạt 3.465 tỷ đồng.

Trong khi đó, Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS (mã chứng khoán: ART) lên kế hoạch phát hành 20 triệu cổ phiếu nhằm mở rộng quy mô vốn điều lệ và nâng cao năng lực tự doanh. Giá chào bán tối thiểu dự kiến là 10.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến thu về ít nhất 200 tỷ đồng, trong đó 160 tỷ đồng bổ sung cho hoạt động giao dịch ký quỹ và 40 tỷ đồng cho tự doanh. Cổ phiếu chào bán riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng từ một đến ba năm tùy đối tượng nhà đầu tư.

Công ty Cổ phần Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VISecurities) cũng đang điều chỉnh kế hoạch tăng vốn. Trước đó, công ty dự kiến nâng vốn điều lệ lên 600 tỷ đồng nhưng do điều kiện thị trường không thuận lợi, kế hoạch này đã bị hoãn. Nay, công ty trình phương án mới chào bán 90 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 1:3, giá 10.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến thu về 900 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ lên 1.200 tỷ đồng.

Ở diễn biến khác, Công ty Cổ phần Chứng khoán VTG (VTGS) vừa hủy phương án chào bán riêng lẻ 286 triệu cổ phiếu và thay thế bằng kế hoạch phát hành 289,8 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:21. Nếu hoàn thành, vốn điều lệ của VTGS sẽ tăng mạnh lên 3.036 tỷ đồng.

Nước cờ chiến lược

Việc các công ty chứng khoán ồ ạt tăng vốn được xem là bước đi chiến lược nhằm đón đầu các thay đổi lớn trên thị trường. Một trong những động lực chính là chuẩn bị cho khả năng thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng. Nếu điều này xảy ra, dòng vốn ngoại có thể đổ vào mạnh mẽ, tạo ra nhiều cơ hội tăng trưởng.

Bước đi chiến lược nhằm đón đầu nâng hạng - 60s hôm nay
Bước đi chiến lược nhằm đón đầu nâng hạng. Ảnh minh họa

Việc tăng vốn cũng giúp các công ty chứng khoán mở rộng hoạt động, đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao năng lực tài chính. Theo thống kê, phần lớn nguồn vốn huy động được từ các đợt phát hành đều tập trung vào hoạt động tự doanh và cho vay ký quỹ, hai mảng quan trọng giúp các công ty tăng trưởng bền vững.

Hiện tại, Chính phủ và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang tích cực làm việc với các tổ chức quốc tế như FTSE Russell để cải thiện các tiêu chí đánh giá thị trường. Khả năng thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng lên nhóm “Thị trường mới nổi hạng 2” ngay trong năm 2025 đang trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.

Bên cạnh đó, hệ thống công nghệ thông tin mới (KRX) dự kiến đi vào hoạt động trong quý 2/2025 sẽ giúp nâng cao tính minh bạch và hiệu quả của thị trường. Khi các rào cản kỹ thuật và quy định được tháo gỡ, dòng vốn ngoại có thể đổ vào mạnh hơn, tạo động lực cho sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo báo cáo của Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), khoảng 9 tỷ USD có thể đổ vào thị trường Việt Nam sau khi được nâng hạng. Dòng vốn này dự kiến tập trung chủ yếu vào các cổ phiếu vốn hóa lớn, thanh khoản cao và có tỷ lệ sở hữu nước ngoài còn dư địa. Đây sẽ là cơ hội lớn cho các công ty chứng khoán trong nước tận dụng nguồn lực để mở rộng hoạt động, gia tăng thị phần và nâng cao sức cạnh tranh.

Minh Thư

Nguồn tham khảo: Báo Thương gia