Chủ động ứng phó với “cơn lốc” hàng ngoại giá rẻ
Để ứng phó với “cơn lốc” hàng ngoại giá rẻ rất cần sự chủ động từ cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng các rào cản kỹ thuật về quản lý chất lượng hàng hóa, chính sách thuế và quan trọng hơn là sự chủ động từ chính mỗi doanh nghiệp Việt.
Thách thức không nhỏ
Bộ Công Thương cho biết, trong thời gian gần đây các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới như Temu, Shein, 1688… đã tiến hành các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng chưa đăng ký hoạt động.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Cục TMĐT và Kinh tế số phải chủ động liên hệ với đội ngũ pháp lý của Temu yêu cầu tuân thủ pháp luật hiện hành của Việt Nam, trong trường hợp cần thiết có thể phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông có giải pháp kỹ thuật ngăn chặn phù hợp; đồng thời tham mưu cho Lãnh đạo Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu phương án giám sát, quản lý hàng hóa nhập khẩu lưu thông qua các sàn TMĐT chưa tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.
Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát các yếu tố pháp lý, đề xuất phương án xử lý các nền tảng TMĐT xuyên biên giới hoạt động trái phép.
Khảo sát năm 2023 của Cục TMĐT và Kinh tế số cho thấy, có 28% người tiêu dùng Việt Nam mua hàng qua các website TMĐT nước ngoài vì cho rằng giá rẻ hơn. Giá trị các đơn hàng qua mạng từ thương nhân nước ngoài trong năm 2023 chủ yếu có giá trị dưới 5 triệu đồng.
Ông Đoàn Đức Thuận, Phó tổng giám đốc Kowil Fashion nhận định, với sự xuất hiện của các nền tảng TMĐT như Temu, Taobao và 1688… việc hàng hóa Trung Quốc giá rẻ thâm nhập vào thị trường Việt Nam đang trở thành một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp trong ngành thời trang. “Tuy nhiên, doanh nghiệp xem đây là cơ hội để xây dựng mối liên kết sâu sắc hơn với người tiêu dùng trong nước bằng cách tập trung vào việc hiểu biết văn hóa và giá trị địa phương”, ông Thuận chia sẻ.
Thay vì cạnh tranh về giá, doanh nghiệp chú trọng phát triển các dòng sản phẩm phù hợp với gu thẩm mỹ và nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam. Sự am hiểu về văn hóa và thị hiếu địa phương giúp tạo ra những bộ sưu tập không chỉ bắt kịp xu hướng mà còn phản ánh lối sống và giá trị của khách hàng, từ đó xây dựng lòng trung thành mà các sản phẩm nhập khẩu giá rẻ khó có thể cạnh tranh.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp tập trung xây dựng thương hiệu mạnh thông qua các chiến dịch truyền thông gắn kết khách hàng Việt; hợp tác chặt chẽ với các đối tác địa phương như nhà cung cấp và nhà phân phối để mang lại giá trị phù hợp hơn cho từng phân khúc khách hàng cụ thể, điều này tạo lợi thế cạnh tranh so với các sản phẩm quốc tế.
Đặc biệt, ông Thuận nhấn mạnh công nghệ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì mối quan hệ lâu dài với khách hàng. Theo đó, doanh nghiệp sử dụng các công cụ kỹ thuật số để nâng cao trải nghiệm mua sắm và giữ chân khách hàng bằng cách cung cấp các gợi ý cá nhân hóa và tương tác liên tục.
Nâng cao sức cạnh tranh
Theo TS. Đào Cẩm Thủy, Chủ nhiệm Bộ môn Marketing – Viện Quản trị Kinh doanh – Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), các doanh nghiệp trong nước cần nâng cao sức cạnh tranh. Việt Nam cần có các chiến lược thúc đẩy các sản phẩm “made in Vietnam” trên các nền tảng TMĐT nước ngoài.
Trong tháng 11/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Vụ Thị trường trong nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đánh giá tác động đối với thị trường trong nước (nếu có) khi hàng hóa nước ngoài thâm nhập thông qua các nền tảng TMĐT xuyên biên giới. Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” để thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt, thúc đẩy sản xuất trong nước.
Vụ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với các mặt hàng thuộc lĩnh vực Bộ Công Thương quản lý nhằm giúp các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, bao bì nhãn mác, xây dựng thương hiệu, góp phần gia tăng niềm tin của người tiêu dùng và tính cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam.
Theo bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, Cục đã làm việc với những sàn TMĐT lớn trong và ngoài nước để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, tổ chức gian hàng Việt và những tuần lễ hàng Việt trên các sàn TMĐT.
Đáng chú ý, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương nghiên cứu giải pháp kiểm soát chặt chẽ hàng nhập khẩu qua thương mại điện tử phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam; Phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan rà soát, đề xuất chính sách thuế đối với các dự án thu hút đầu tư sản xuất hàng hóa thay thế hàng nhập khẩu.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, hiện nay khi TMĐT xuyên biên giới phát triển mạnh, số lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua phương thức này vô cùng lớn với rất nhiều lô hàng nhỏ thì việc miễn thuế xuất khẩu, nhập khẩu đối với hàng hóa giá trị nhỏ, vừa làm thất thu ngân sách nhà nước, vừa tạo ra sự không công bằng trong đánh thuế. Do vậy, nên nghiên cứu sửa đổi Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để phù hợp với tình hình mới.
Nguồn: Thời báo Ngân hàng – Hồng Hạnh