Kinh tế tuần hoàn: Con đường phát triển bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam
Áp dụng kinh tế tuần hoàn không chỉ bảo vệ môi trường mà còn mở ra cơ hội phát triển bền vững và nâng cao lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam.
Từ kinh tế tuyến tính
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổng lượng rác thải rắn đô thị năm 2021 lên tới khoảng 18 triệu tấn, trong đó chỉ khoảng 10% được tái chế.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ ràng, nền kinh tế tuyến tính truyền thống – dựa vào quy trình “sản xuất – tiêu dùng – thải bỏ”, đang cho thấy những hạn chế lớn. Ngược lại, mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) nổi lên như một giải pháp giúp giảm thiểu lãng phí, tận dụng tối đa tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Việt Nam cũng đã có những bước đi quan trọng hướng tới kinh tế tuần hoàn. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 lần đầu tiên quy định rõ về mô hình này, nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong việc sử dụng tài nguyên hiệu quả, tái chế và giảm chất thải. Cùng với đó, Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn năm 2022 của Chính phủ khẳng định Việt Nam sẽ giảm cường độ phát thải khí nhà kính ít nhất 15% vào năm 2030, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Đến kinh tế tuần hoàn và lợi ích dài hạn cho doanh nghiệp Việt Nam
Thực tế, mô hình kinh tế tuần hoàn hoạt động theo nguyên lý hết sức đơn giản “đầu ra của sản phẩm này là đầu vào của sản phẩm khác”, giảm thiểu quy trình hoặc nguyên liệu không cần thiết ngay từ đầu. Nhiều tập đoàn và doanh nghiệp tại Việt Nam đã có những bước đi mạnh mẽ trong việc triển khai kinh tế tuần hoàn với mô hình 3R—Reduce (giảm thiểu), Reuse (tái sử dụng), và Recycle (tái chế) đã có những kết quả đáng ghi nhận.
Thương hiệu đã áp dụng cách tiếp cận phù hợp để giảm thiểu các đầu vào không cần thiết là Clinique thuộc sở hữu của Estee Lauder Companies, một công ty gia đình được thành lập tại Mỹ vào năm 1946, trở thành một công ty đại chúng vào năm 1995 và ngày nay là một tập đoàn toàn cầu sở hữu nhiều thương hiệu mang tính biểu tượng. Một trong những người sáng tạo ra Clinique chính là biên tập viên huyền thoại của tạp chí Vogue, Carol Phillips, người luôn có triết lý “ít hơn là nhiều hơn”. Bà là người có công trong việc tạo ra Clinique, một thương hiệu thành công nhưng tối giản, bằng cách không sử dụng các vật liệu bao bì không cần thiết trừ khi thực sự phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.
Hiện nay, nhiều khu công nghiệp tại TP.HCM cũng đang dần chuyển mình sang mô hình kinh tế tuần hoàn để hướng tới sự phát triển bền vững. Chẳng hạn, Khu công nghiệp Hiệp Phước ở huyện Nhà Bè đã áp dụng khái niệm “cộng sinh công nghiệp,” cho phép chất thải của một doanh nghiệp trở thành nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp khác. Đây là một minh chứng rõ nét cho cách mà các khu công nghiệp đang tối ưu hóa quy trình sản xuất và giảm thiểu lãng phí.
Áp dụng mô hình Kinh tế tuần hoàn không chỉ mang lại hiệu quả về mặt môi trường mà còn là cách giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí sản xuất. Các doanh nghiệp kinh tế tuần hoàn sẽ có cơ hội tiết kiệm tài nguyên, tối ưu quy trình, và từ đó tăng khả năng cạnh tranh khi tiêu thụ sản phẩm hoặc hợp tác với các đối tác có yêu cầu về tiêu chí bền vững.
Xu hướng tiêu dùng bền vững cũng ngày càng được ưa chuộng, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Nhiều người tiêu dùng hiện nay xem xét yếu tố môi trường của doanh nghiệp trước khi quyết định mua sản phẩm.
Phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam: Cơ hội và thách thức
Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế tuần hoàn qua các chính sách, tiêu biểu là Luật Bảo vệ Môi trường 2020. Luật này đưa ra quy định cụ thể nhằm khuyến khích kinh tế tuần hoàn, yêu cầu các cơ quan quản lý và doanh nghiệp triển khai các biện pháp giảm khai thác tài nguyên, nâng cao tái chế chất thải. Các doanh nghiệp có thể kinh tế tuần hoàn ngay từ giai đoạn xây dựng chiến lược sản xuất, giúp kéo dài vòng đời sản phẩm và hạn chế tối đa chất thải.
Thách thức lớn nhất với Việt Nam là hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu cơ chế vận hành và chưa đủ nguồn lực khoa học công nghệ. Dù vậy, kinh tế tuần hoàn vẫn mở ra tiềm năng to lớn, giúp Việt Nam tiến gần hơn đến các tiêu chí về trung hòa carbon và bảo tồn thiên nhiên theo các cam kết quốc tế.
Kinh tế tuần hoàn không còn là lựa chọn phụ mà đã trở thành hướng đi bắt buộc cho doanh nghiệp nếu muốn tồn tại và phát triển bền vững trong tương lai. Trong hành trình này, các doanh nghiệp cần có sự đầu tư và kiên trì. Với những lợi ích rõ ràng từ việc giảm chi phí, gia tăng lợi thế cạnh tranh và tạo dựng hình ảnh thương hiệu bền vững, kinh tế tuần hoàn thực sự là con đường phát triển mới cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Phương Thảo