Sản xuất nội địa trước sức ép của thương mại điện tử
Các ngành sản xuất trong nước đang bước vào giai đoạn cạnh tranh thị phần khốc liệt khi thị trường đón thêm nhiều “tân binh” và chiến dịch mở rộng quy mô của các sàn thương mại điện tử.
Theo báo cáo của Công ty Phân tích tư vấn và phát triển kênh thương mại điện tử YouNet ECI, trong quý II/2024, Shopee tiếp tục giữ ngôi vương khi chiếm tới 71,4% thị phần, xếp sau là TikTok Shop chiếm 22% thị phần. Phần ít ỏi còn lại thuộc về Lazada (5,9%) và Tiki (0,7%). Trong khi đó, sàn Sendo với thị phần quá ít nên không được đưa vào bảng xếp hạng này.
Cuộc cạnh tranh này sẽ càng thêm phần khốc liệt khi thị trường Việt Nam chuẩn bị đón “tân binh”. Theo thông tin từ công ty nghiên cứu thị trường Momentum Works, Temu – sàn thương mại điện tử giá rẻ đình đám của Trung Quốc – sắp ra mắt tại thị trường Việt Nam và Brunei. Trước đó, sàn thương mại điện tử 1688 (chuyên buôn hàng sỉ hàng đầu của Trung Quốc và do tập đoàn Alibaba quản lý) đã có phiên bản trên iOS hỗ trợ thêm ngôn ngữ tiếng Việt để hỗ trợ người dùng Việt mua hàng thuận tiện. Ngoài ra, YouTube cũng dự định triển khai hình thức tiếp thị liên kết với một sàn thương mại để cạnh tranh với TikTok Shop.
Ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đánh giá, trước thực trạng này, đối tượng được hưởng lợi chính là người tiêu dùng. Tuy nhiên, sự mở rộng của các nền tảng thương mại điện tử lớn như Taobao và 1688 vào thị trường Việt Nam cũng tạo nên thách thức lớn với doanh nghiệp trong nước khi hàng hóa có giá rất rẻ.
Ông Nguyễn Ngọc Luận, Tổng giám đốc Công ty Meet More chia sẻ, một hộp cà phê của doanh nghiệp có giá 85.000 đồng, cộng thêm 20.000 đồng phí vận hành, tổng cộng là 105.000 đồng. Trong khi đó, sản phẩm tương tự của Trung Quốc lại rẻ hơn và được miễn phí giao hàng. Để cạnh tranh, Công ty buộc phải giảm giá, thậm chí chấp nhận giảm lợi nhuận. Không chỉ vậy, nhiều doanh nghiệp Việt đã nhận được lời mời hợp tác từ phía Trung Quốc, với đề nghị đưa hàng hóa Việt Nam đến các cửa khẩu để bán vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, khi tính toán chi phí vận chuyển và chiết khấu, lợi nhuận gần như không còn, trong khi hàng Trung Quốc vào Việt Nam lại giữ được giá rẻ nhờ được trợ giá và hỗ trợ từ hệ thống vận chuyển. Nếu không có biện pháp thích ứng kịp thời, các doanh nghiệp Việt có nguy cơ bị đào thải khỏi cuộc chơi.
Trong khi đó, anh Vũ Ngọc Vương, chủ một cơ sản xuất đồ gia dụng tại Bắc Ninh cho biết, trước đây xưởng sản xuất từng hoạt động hết công suất, nhưng giờ đây hàng giá rẻ tràn lan trên các sàn thương mại điện tử khiến giấc mơ mở rộng quy mô sản xuất, đưa sản phẩm Việt đến với mọi nhà của anh thêm xa vời. Bản thân anh cũng từng đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, nhưng không thể cạnh tranh được về giá.
Trước bối cảnh đó, ông Phạm Bảo Trung – cố vấn giải pháp tăng trưởng khách hàng của Metric – một nền tảng phân tích dữ liệu của thương mại điện tử cũng cho rằng, các nhà bán hàng Việt Nam cần nhanh chóng điều chỉnh chiến lược kinh doanh bằng cách tập trung vào việc xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm và cải thiện dịch vụ khách hàng để tạo ra sự khác biệt. Đồng thời, tận dụng dữ liệu và phân tích từ các nền tảng để theo dõi xu hướng thị trường, nắm bắt nhu cầu khách hàng và đối phó linh hoạt với những thay đổi trong môi trường cạnh tranh.
Trong một chia sẻ gần đây, ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải hiểu rõ thương mại điện tử và cách tiếp cận kênh phân phối này. Cùng với đó, phải thấy xu hướng của người tiêu dùng để bắt kịp và đi theo trào lưu.
Để tìm hướng đi cho doanh nghiệp trong nước, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, một trong những định hướng và giải pháp lớn nhất là gắn thương mại điện tử với chuỗi giá trị để gia tăng, thúc đẩy hiệu quả của những mắt xích trong chuỗi cung ứng.
Đơn vị cũng làm việc với những sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước để thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá có hàm lượng sản xuất tại Việt Nam cao, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, nhất là trong cao điểm mùa vụ; phối hợp với những sàn thương mại quốc tế để tổ chức những gian hàng Việt và những tuần lễ hàng Việt để hỗ trợ bà con có thể tiêu thụ hàng hoá một cách tối ưu nhất. Lâu dài hơn, đơn vị cũng nỗ lực phối hợp với các sàn để xây dựng những thương hiệu trực tuyến cho hàng hoá Việt Nam, hướng đến để đưa những sản phẩm Việt ra nước ngoài.
Nguồn: Thời báo ngân hàng – Hương Giang