Theo VARS, giá chung cư sơ cấp tăng cao đã tạo ra động lực dẫn dắt mặt bằng giá căn hộ thứ cấp giữ ở mức cao, mặc dù thanh khoản đã dần ổn định sau giai đoạn tăng trưởng “nóng”.
Báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) về phân khúc chung cư cho thấy, phân khúc này vẫn dẫn dắt thị trường bất động sản thời gian qua.
Về nguồn cung, chung cư chiếm gần 70% nguồn cung chào báo mới trong quý 3, với gần 10.000 sản phẩm, trong đó 70% thuộc phân khúc cao cấp, hạng sang. Mặt khác, các căn hộ trung cấp chỉ xuất hiện tại những dự án đại đô thị ven đô. Trong khi đó, phân khúc căn hộ bình dân gần như đã “bốc hơi” khỏi thị trường.
Về giao dịch, tổng lượng nhà ở giao dịch thành công trong quý III/2024 lên tới 10.400 giao dịch, cao hơn 80% so với cùng kỳ năm 2023. Tỷ lệ hấp thụ đạt 51%, tăng 28 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tỷ lệ hấp thụ trên nguồn cung mới của phân khúc chung cư ở mức cao nhất, vào khoảng 75%.
Xét về cơ cấu giao dịch, trong quý 3/2024, chung cư chiếm 71%, giảm 5% so với quý 2. VARS nhận định, qua các quý, cơ cấu giao dịch chung cư tiếp tục áp đảo. Chung cư có giá trên 80 triệu đồng/m2 có lượng giao dịch tăng từ mức chiếm 3% vào đầu năm 2023 lên tới 17% trong quý 3/2024.
Về giá bán, mặt bằng giá nhà ở tiếp tục “neo” ở mức cao, trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp, nhất là tại phân khúc căn hộ. Bởi tình trạng mất cân đối cung cầu đang ngày càng nghiêm trọng do nguồn cung dù đã được cải thiện nhưng vẫn rất khó đáp ứng đủ nhu cầu. Bên cạnh đó, phần lớn nguồn cung mới tiếp tục được hoàn thiện ở mức tiêu chuẩn cao với chi phí đầu tư, nhất là chi phí liên quan đến đất đai tăng cao.
Tính đến quý 3/2024, trên thị trường sơ cấp, giá bán trung bình Hà Nội gần tiệm cận mức 60 triệu đồng /m2, tăng 64% so với quý 2/2019. Giá bán bình quân ở TP.HCM tăng từ 49,2 triệu đồng/m2 lên 64,2 triệu đồng/m2, tăng 30,6% so với quý 2/2019.
“Mặt bằng giá sơ cấp tại Hà Nội tiếp tục tăng cao và chưa có dấu hiệu dừng lại, trong khi nguồn cung đã và đang dần được cải thiện. Các dự án mới chủ yếu thuộc phân khúc cao cấp và hạng sang, vẫn nhận được sự quan tâm mạnh mẽ từ thị trường.
Điều này đã tạo ra động lực dẫn dắt mặt bằng giá căn hộ thứ cấp giữ ở mức cao, mặc dù thanh khoản đã dần ổn định sau giai đoạn tăng trưởng “nóng”. Cụ thể, giá căn hộ chung cư cũ tại Hà Nội đã bắt đầu đi ngang sau khoảng thời gian tăng trưởng “nóng. Ngược lại, căn hộ tại TP.HCM lại xuất hiện đà tăng giá trở lại”, bà Phạm Thị Miền, Phó trưởng Ban Nghiên cứu thị trường và Tư vấn, xúc tiến đầu tư của VARS chia sẻ.
Đối với TP.HCM, mặt bằng giá sơ cấp duy trì ổn định ở mức cao do nguồn cung chủ yếu đến từ các dự án đang triển khai. Trong khi đó, mặt bằng giá sơ cấp tại các tỉnh thành vùng ven TP.HCM tăng nhẹ, dao động từ 3-5%, với nguồn cung mới có giá bán cao hơn.
Tại Đà Nẵng, mặt bằng giá sơ cấp căn hộ chung cư cũng ghi nhận mức tăng “kỷ lục”, với hơn 50% nguồn cung mới có giá trên 80 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, thị trường vẫn được hấp thụ tốt nhờ nhu cầu đầu tư từ người mua ngoài tỉnh, đặc biệt là các nhà đầu tư từ Hà Nội. Bên cạnh đó, mặt bằng giá thứ cấp cũng cải thiện trên diện rộng, với giá nhà đất thổ cư tại một số khu vực tăng từ 10-25% so với cùng kỳ.
Nguồn:
Nhịp sống Kinh doanh – Dương Dương