Ngân hàng quốc doanh trắc trở tăng vốn
Từ đầu năm đến nay, trong khi khối ngân hàng thương mại cổ phần rầm rộ tăng vốn thì nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước vẫn giậm chân tại chỗ. Nguyên nhân là việc tăng vốn phải qua quá nhiều vòng xét duyệt, trong khi việc bán vốn gặp Từ đầu năm đến nay, trong khi khối ngân hàng thương mại cổ phần rầm rộ tăng vốn thì nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước vẫn giậm chân tại chỗ. Nguyên nhân là việc tăng vốn phải qua quá nhiều vòng xét duyệt, trong khi việc bán vốn gặp nhiều trắc trở thị trường.
Mòn mỏi đợi được tăng vốn
Trong phiên họp diễn ra tuần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về sự cần thiết và phương án bổ sung hơn 20.000 tỷ đồng vốn nhà nước cho Vietcombank. Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), việc tăng vốn sẽ giúp Vietcombank nâng cao năng lực tài chính để phấn đấu nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á, khẳng định vai trò “sếu đầu đàn” trong ngành tài chính – ngân hàng.
Trước đó, tại buổi làm việc với các ngân hàng thương mại cuối tuần trước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị ngành ngân hàng phấn đấu đến cuối năm 2025 có ít nhất từ 2-3 ngân hàng thương mại nằm trong nhóm 100 ngân hàng lớn mạnh nhất trong khu vực châu Á.
Thực tế, không chỉ với Vietcombank, việc tăng vốn hiện nay rất cấp bách với tất cả ngân hàng thương mại có vốn nhà nước khác, bao gồm VietinBank, Agribank và BIDV. Nhóm ngân hàng này giữ vị trí chủ lực trong bơm vốn cho nền kinh tế, là cánh tay nối dài của NHNN trong thực hiện chính sách tiền tệ và tín dụng, luôn đi đầu trong giảm lãi suất, hỗ trợ nền kinh tế, tham gia hỗ trợ các tổ chức tín dụng yếu kém…
Tuy vậy, trong khi các ngân hàng TMCP tư nhân dễ dàng thực hiện kế hoạch tăng vốn thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu, thì khối ngân hàng TMCP nhà nước phải trải qua quá trình xét duyệt lâu dài để nhận được sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền. Điều này khiến nhóm ngân hàng TMCP quốc doanh ngày càng tụt lùi trong cuộc đua thứ hạng về vốn điều lệ so với các ngân hàng TMCP tư nhân. Vốn điều lệ của nhiều ngân hàng TMCP tư nhân như Techcombank, VPBank… đang “vượt mặt” khối ngân hàng TMCP nhà nước.
Ngoài Vietcombank đang chờ đợi để được tăng vốn, thì BIDV, VietinBank và Agribank cũng thấp thỏm chờ được tăng vốn. Tại Đại hội đồng cổ đông năm nay, BIDV thông qua phương án phát hành thêm gần 1,2 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022, tương ứng tỷ lệ 21% số cổ phiếu đang lưu hành vào cuối năm 2023 và dự kiến chi tiếp 12.347 tỷ đồng để chia cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận năm 2023. Tuy nhiên, kế hoạch này chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Tại VietinBank, Chủ tịch HĐQT Trần Minh Bình cho biết, đã nhận được ý kiến của NHNN và Bộ Tài chính cho phép Ngân hàng giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022 để tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu. Các bước tiếp theo vẫn đang trong quá trình tiến hành. Ngân hàng cũng đề nghị được chia cổ tức năm 2023 bằng cổ phiếu để tăng vốn, nhưng chưa được chấp thuận.
Với Agribank, Nghị quyết Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV đã chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho giai đoạn 2021-2030 tương ứng số lợi nhuận còn lại thực nộp ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2023 của Ngân hàng, tối đa là 17.100 tỷ đồng (năm 2023 là 6.753 tỷ đồng và năm 2024 là 10.347 tỷ đồng). Tuy nhiên, hiện Agribank mới được bổ sung 6.753 tỷ đồng (cuối năm 2023).
Cần cơ chế tăng vốn lâu dài cho nhóm Big 4
Ngoài chia cổ tức để tăng vốn, các ngân hàng TMCP nhà nước có thể tăng vốn thông qua phát hành riêng lẻ cho đối tác nước ngoài, song kế hoạch này không dễ thực hiện.
Đầu năm nay, Vietcombank đặt kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5%, trong khi BIDV đặt mục tiêu phát hành riêng lẻ 9%. Thương vụ dự kiến mang về cho mỗi ngân hàng hơn 1 tỷ USD. Tuy vậy, theo nguồn tin của Công ty Chứng khoán MBS, kế hoạch của hai “ông lớn” này đều đang phải tạm hoãn.
Trong khi đó, VietinBank đã cạn room vốn ngoại, việc tăng vốn chỉ còn dựa vào cách chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành trái phiếu cấp 2.
Trước tình trạng thấp thỏm chờ tăng vốn hàng năm, lãnh đạo các ngân hàng thương mại trong nhóm Big 4 đề nghị Chính phủ, Quốc hội có cơ chế dài hơi để các ngân hàng này có thể tăng vốn bền vững và chủ động hơn.
Theo lãnh đạo Agribank, ngay cả khi được cấp đủ 17.100 tỷ đồng vốn điều lệ cho giai đoạn 2021-2023, thì số vốn tăng thêm cũng chỉ đủ cho tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng đến năm 2024. Dự kiến năm 2025, để tăng trưởng 10% dư nợ tín dụng, Agribank cần được Nhà nước cấp bổ sung vốn điều lệ 10.000 tỷ đồng.
“Chúng tôi mong muốn Chính phủ trình Quốc hội thông qua chủ trương từ năm 2024 cho phép áp dụng cơ chế tăng vốn điều lệ hàng năm cho Agribank từ phần lợi nhuận nộp ngân sách nhà nước của Ngân hàng”, Chủ tịch Agribank kiến nghị.
Trong khi đó, VietinBank đề xuất các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương cho phép Ngân hàng được giữ lại toàn bộ lợi nhuận hàng năm trong vòng 5 năm (giai đoạn 2024 – 2028) để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng.
Nguồn: Báo Đầu Tư – Hà Tâm