26/09/2024 lúc 14:56

Saigon Glory liên tiếp mua lại trái phiếu trước khi ‘đổi chủ’

Trước khi bị Bitexco bán vốn cho một công ty tại Hà Nội, Saigon Glory liên tiếp chi 300 tỷ đồng mua lại trái phiếu trong hai đợt 18/9 và 12/9.

Theo thông tin từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty TNHH Saigon Glory chi tiền mua lại một phần của ba lô trái phiếu trong ngày 18/9.

Thứ nhất, Saigon Glory đã mua lại 600 triệu đồng mã trái phiếu SGL-2020.01, qua đó giá trị lưu hành còn lại là 702,9 tỷ đồng. Lô trái phiếu này được phát hành tháng 6/2020, kỳ hạn 5 năm.

Thứ hai, Saigon Glory mua lại 149,2 tỷ đồng mã trái phiếu SGL-2020.02, qua đó giá trị lưu hành còn lại là hơn 702 tỷ đồng. Lô trái phiếu này cũng được phát hành tháng 6/2020, kỳ hạn 5 năm.

Cuối cùng, chủ dự án The Spirit of Saigon mua lại 150 triệu đồng mã trái phiếu SGL-2020.04, giá trị lưu hành còn lại là 850,8 tỷ đồng. Lô trái phiếu này cũng được phát hành tháng 6/2020, đáo hạn tháng 6/2025.

saigon glory lien tiep mua lai trai phieu truoc khi doi chu 2 1727324761705634607012 1727333464553 1727333464769342352958
Nguồn: HNX

Trước đó, ngày 12/9, Saigon Glory cũng mua lại 148,2 tỷ đồng mã trái phiếu SGL-2020.01. Như vậy, công ty này đã chi gần 300 tỷ đồng mua lại trái phiếu sau 2 đợt, dư nợ trái phiếu đang lưu hành còn lại 8.710,5 tỷ đồng.

Việc Saigon Glory liên tiếp mua lại trái phiếu trước hạn diễn ra vài ngày trước khi công ty này chính thức “về tay” chủ mới. Cụ thể, ngày 20/09, đại diện người sở hữu trái phiếu Saigon Glory đã có văn bản đồng ý việc Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco (công ty mẹ của Saigon Glory) được phép chuyển nhượng tài sản bảo đảm trái phiếu là phần vốn góp tại Saigon Glory cho Công ty TNHH Bất động sản Phương Đông Hà Nội (Bất động sản Phương Đông Hà Nội).

Việc chuyển nhượng này không làm thay đổi nghĩa vụ của Công ty TNHH Saigon Glory với người sở hữu trái phiếu và các nghị quyết đã được trái chủ thông qua trước đó.

Sau khi hoàn tất giao dịch chuyển nhượng, chủ mới là Bất động sản Phương Đông Hà Nội phải thực hiện thế chấp lại tài sản bảo đảm phần vốn góp tại Techcombank để đảm bảo nghĩa vụ các trái phiếu từ SGL-2020.01 đến SGL-2020.10.

Trước đó, Bitexco đã thế chấp cổ phần tại Saigon Glory cho ngân hàng để đảm bảo các nghĩa vụ của 10 gói trái phiếu từ SGL-2020.01 đến SGL-2020.10 do Saigon Glory phát hành, tổng mệnh giá 10.000 tỷ đồng.

Sau khi nhận chuyển nhượng cổ phần Saigon Glory từ Bitexco, Bất động sản Phương Đông Hà Nội sẽ thế chấp lại phần vốn góp phù hợp với quy định của nghị quyết trái chủ ngày 04/12/2020.

Về việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán gốc lãi trái phiếu sau chuyển nhượng, Bitexco sẽ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thanh toán gốc và lãi 10 gói trái phiếu Saigon Glory từ ngày 01/09/2024 đến hết kỳ ngày 12/06/2025 và số tiền lãi của kỳ thanh toán ngày 18/06/2025 theo lịch thanh toán gốc lãi trái phiếu tại nghị quyết trái chủ ngày 05/02/2024.

Bất động sản Phương Đông Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thanh toán số tiền gốc của kỳ thanh toán ngày 18/06/2025 và nghĩa vụ thanh toán gốc cộng lãi 10 gói trái phiếu từ sau 18/06/2025 đúng theo lịch biểu của nghị quyết ngày 05/02/2024.

Saigon Glory là chủ đầu tư dự án The Spirit of Saigon. Đối với tài sản bảo đảm là tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc toà tháp A cấu phần khu văn phòng và khách sạn của dự án The Spirit of Saigon vẫn được giữ nguyên là tài sản bảo đảm như hợp đồng thế chấp bất động sản đã ký giữa Saigon Glory với ngân hàng ngày 16/03/2021.

Dự án The Spirit of Saigon có tên gọi ban đầu là khu văn phòng – thương mại – dịch vụ – căn hộ ở – khách sạn 6 sao và văn phòng khách sạn (khu tứ giác Bến Thành) tọa lạc tại khu đất có diện tích 8.537m2 tại ngã tư đường lớn Lê Thị Hồng Gấm – Calmette – Phạm Ngũ Lão – Phó Đức Chính, đối diện chợ Bến Thành, ngay nhà ga metro số 1.

Theo thiết kế ban đầu, dự án cao 224m, gồm 2 tòa tháp được kết nối bởi khối đế bán lẻ. Tòa tháp 55 tầng West Tower gồm 37.400 m2 sàn khách sạn Ritz Carlton 250 phòng, 17.800m2 sàn văn phòng hạng A; tòa tháp 48 tầng East Tower gồm 58.400m2 sàn, chia thành 350 căn hộ hạng sang.

Dự án này ban đầu thuộc sở hữu của Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco, vốn đầu tư 500 triệu USD. Tuy nhiên, dự án nhiều lần đổi chủ, đổi tên và chậm tiến độ nhiều năm trước khi trở lại chủ cũ Bitexco vào năm 2022.

Nguồn: An ninh tiền tệ – Hà Ly