04/01/2025 lúc 12:48

Nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ đổ vốn vào chứng khoán 2025

Nhiều chuyên gia nhận định dòng vốn trong nước và quốc tế sẽ gia tăng trên thị trường chứng khoán 2025 nhờ các yếu tố tích cực.

Nhận định dòng vốn trong nước và quốc tế sẽ gia tăng
Nhận định dòng vốn trong nước và quốc tế sẽ gia tăng. Ảnh: Tin nhanh chứng khoán

Kênh đầu tư vốn nội nổi bật năm 2025

Trong bối cảnh lãi suất duy trì ở mức thấp kỷ lục và không có nhiều lựa chọn đầu tư thay thế, thị trường chứng khoán Việt Nam đang nổi lên như một kênh hấp dẫn đối với dòng vốn nội. Theo Công ty Chứng khoán ABS, xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục trong năm 2025, nhờ các yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ từ lãi suất, lợi nhuận doanh nghiệp và những chuyển biến trong các thị trường đầu tư khác.

Hiện nay, lãi suất huy động kỳ hạn 1 năm tại các ngân hàng phổ biến ở mức 4,6–5,4%/năm, tương đương với mức định giá P/E từ 18,5–21,7 lần, cao hơn so với P/E của VN-Index. Điều này làm giảm sức hút của kênh gửi tiết kiệm, đặc biệt khi lợi nhuận doanh nghiệp trên sàn chứng khoán dự kiến tăng trưởng mạnh vào năm 2025.

Bên cạnh đó, xu hướng lãi suất tại Việt Nam được dự báo chưa tăng mạnh trong ít nhất nửa đầu năm 2025 do nhu cầu tín dụng chưa phục hồi đáng kể. Tình hình này tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư cá nhân chuyển hướng sang chứng khoán, thay vì tập trung vào các kênh đầu tư truyền thống như tiết kiệm ngân hàng.

Xu hướng lãi suất dự kiến sẽ chưa tăng mạnh trong nửa đầu năm 2025
Xu hướng lãi suất dự kiến sẽ chưa tăng mạnh trong khoảng nửa đầu năm 2025. Ảnh: Tin nhanh chứng khoán

Trong khi chứng khoán ghi nhận triển vọng tích cực, các kênh đầu tư khác đang đối mặt với không ít thách thức. Bất động sản hiện không thu hút nhà đầu tư cá nhân do lượng vốn lớn đang bị “chôn” trong các dự án, cùng với mức giá cao và tín dụng bị siết chặt.

Dù các luật mới hứa hẹn cải thiện nguồn cung căn hộ, chi phí phát triển đất đai tăng cao đang hạn chế khả năng tăng giá của phân khúc này. Đáng chú ý, áp lực đáo hạn trái phiếu vào năm 2025 có thể khiến nhiều doanh nghiệp phải giảm giá bán để cải thiện dòng tiền, làm gia tăng nguồn cung bất động sản thứ cấp.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp, dù có triển vọng phát triển với sự sửa đổi Luật Chứng khoán, vẫn cần chờ các quy định bổ sung để cải thiện chất lượng trái phiếu chào bán. Điều này khiến nhà đầu tư cá nhân thận trọng hơn khi tiếp cận kênh này.

Thị trường vàng tiếp tục thu hút sự quan tâm nhờ các bất ổn địa chính trị và xu hướng lãi suất toàn cầu giảm dần. Trong khi đó, thị trường tiền kỹ thuật số đã không còn là điểm đến hấp dẫn sau khi tăng giá mạnh cuối năm 2024, khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại về mức độ an toàn khi đầu tư mới.

Theo số liệu từ ABS, dư nợ cho vay của các công ty chứng khoán vào cuối quý III/2024 đạt gần 237 nghìn tỷ đồng, tăng 29,8% so với đầu năm. Tỷ lệ dư nợ cho vay/vốn hóa toàn thị trường đã tăng lên mức cao kỷ lục 4,51%, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức tối đa cho phép. Với dư địa cho vay ký quỹ còn rất lớn, các công ty chứng khoán sẵn sàng hỗ trợ nhà đầu tư tiếp cận thị trường, tạo thêm động lực tăng trưởng cho kênh chứng khoán trong năm tới.

Cơ hội hút vốn ngoại nhờ nâng hạng

Trong năm 2024, khối ngoại đã đẩy mạnh bán ròng trước áp lực tỷ giá và lợi nhuận kỳ vọng cao tại các thị trường phát triển như Mỹ. Tuy nhiên, dòng vốn ngoại dự kiến quay trở lại Việt Nam nhờ những yếu tố hấp dẫn từ định giá thấp và triển vọng nâng hạng thị trường.

Giao dịch mua bán ròng khối ngoại trong giai đoạn 2017 - 2024
Giao dịch mua bán ròng khối ngoại giai đoạn 2017 – 2024. Ảnh: Tin nhanh chứng khoán

Theo Công ty Chứng khoán KBSV, Việt Nam có thể được FTSE Russell quyết định nâng hạng lên “thị trường mới nổi” trong kỳ đánh giá tháng 9/2025, và chính thức vào rổ chỉ số này năm 2026. Ước tính, việc nâng hạng sẽ mang lại khoảng 36.000 tỷ đồng từ các quỹ ETF mô phỏng chỉ số thị trường mới nổi và khoảng 100.000 tỷ đồng từ các quỹ đầu tư khác.

Ngoài ra, Việt Nam còn lợi thế cạnh tranh khi P/E của VN-Index thấp hơn so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, dù triển vọng tăng trưởng GDP được dự báo cao nhất khu vực. Việc Mỹ, EU và Trung Quốc duy trì hoặc nới lỏng chính sách tiền tệ cũng giúp thu hẹp chênh lệch lãi suất USD-VND, tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn ngoại.

VN-Index hiện giao dịch với P/E thấp hơn trung bình các nước Đông Nam Á
VN-Index hiện đang giao dịch với P/E thấp hơn trung bình khu vực Đông Nam Á. Ảnh: Tin nhanh chứng khoán

Sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ thông tin cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài. Một ví dụ điển hình là chứng chỉ lưu ký quốc tế “FPTVN19” được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan từ tháng 12/2024. Đây là bước tiến lớn, mở ra cơ hội đầu tư vào Tập đoàn FPT – một trong những doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam.

Năm 2025, thị trường chứng khoán Việt Nam không chỉ thu hút vốn nội mà còn mở rộng cơ hội với dòng vốn ngoại nhờ định giá hấp dẫn, môi trường pháp lý cải thiện và tiềm năng từ việc nâng hạng thị trường. Trong bối cảnh các kênh đầu tư khác gặp nhiều thách thức, chứng khoán nổi lên như lựa chọn hàng đầu, hứa hẹn mang lại lợi nhuận vượt trội cho nhà đầu tư.

Minh Thư

Nguồn tham khảo: Tinnhanhchungkhoan.vn