Bật mí bí quyết sống còn trong ngành F&B: Bài học kinh nghiệm từ iPOS.vn
Ngành F&B đang thực hiện chiến lược tái cấu trúc mạnh mẽ, và kinh nghiệm từ iPOS.vn là ví dụ điển hình cho chiến lược này.
Ngành F&B Việt Nam đang trải qua giai đoạn biến động mạnh mẽ, được ví như một cuộc “đại thanh lọc” của thị trường. Theo báo cáo, hơn 30.000 cửa hàng F&B đã phải đóng cửa trong nửa đầu năm 2024, chiếm khoảng 4% tổng số cửa hàng trên toàn quốc. Giữa “cơn bão” này, các thương hiệu lớn như Starbucks, Highlands Coffee và cả những doanh nghiệp hỗ trợ ngành F&B như iPOS.vn đã có những điều chỉnh chiến lược đáng chú ý để không chỉ duy trì hoạt động mà còn hướng tới tăng trưởng bền vững.
Tái cấu trúc để tối ưu – Chiến lược của những “ông lớn”
Sự cạnh tranh khốc liệt và biến động của thị trường, cùng với những thay đổi trong hành vi tiêu dùng, đòi hỏi các doanh nghiệp F&B phải liên tục đổi mới và thích nghi. Theo ông Đỗ Duy Thanh, Giám đốc Công ty Tư vấn FnB Director, phần lớn các cửa hàng đóng cửa là do năng lực vận hành yếu kém, thiếu chiến lược dài hạn và không đủ khả năng ứng phó với biến động thị trường.
Nhiều cửa hàng mới mở chưa đầy một năm đã phải đóng cửa do chưa có kế hoạch kinh doanh bài bản và khả năng quản lý tài chính còn yếu. Bên cạnh đó, một số cửa hàng hoạt động được vài năm cũng gặp khó khăn trong việc duy trì lợi nhuận và thu hút khách hàng.
Ngược lại, các chuỗi lớn như Starbucks và Highlands Coffee lại chủ động đóng cửa một số cửa hàng, không phải vì kinh doanh thua lỗ, mà là một phần trong chiến lược tối ưu hóa hệ thống. Họ không chạy theo xu hướng ngắn hạn mà tập trung xây dựng thương hiệu và trải nghiệm khách hàng.
Các chuỗi này thường đa dạng hóa mô hình kinh doanh, từ kiosk nhỏ gọn phục vụ mang đi đến các cửa hàng cao cấp mang tính biểu tượng (flagship store) tại các vị trí đắc địa. Họ tập trung vào việc nâng cấp trải nghiệm khách hàng, tích hợp văn hóa địa phương vào thiết kế không gian và đẩy mạnh thương mại điện tử thông qua ứng dụng di động và các chiến dịch bán hàng trực tuyến.
Việc đóng cửa các cửa hàng kém hiệu quả giúp họ tinh gọn bộ máy, giảm chi phí vận hành và tập trung nguồn lực vào những hướng đi chiến lược hơn. Chiến lược này cũng được Starbucks áp dụng thành công tại các thị trường khó tính như Nhật Bản và Trung Quốc.
Bài học thích ứng từ iPOS.vn
Không chỉ các thương hiệu F&B trực tiếp, mà cả những doanh nghiệp cung cấp giải pháp cho ngành này cũng phải linh hoạt chuyển mình để thích nghi với thị trường. iPOS.vn, một công ty cung cấp giải pháp phần mềm và thiết bị thanh toán cho ngành F&B, là một ví dụ điển hình.
Đối mặt với khó khăn chung của thị trường, iPOS.vn đã chủ động tái cấu trúc hệ thống vận hành từ năm 2023. iPOS.vn đã thực hiện đóng cửa một số văn phòng tại các tỉnh thành nhỏ, và chuyển sang mô hình chi nhánh trung tâm khu vực để quản lý và hỗ trợ khách hàng hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí vận hành. Ví dụ, văn phòng tại Huế sẽ quản lý cả khu vực lân cận như Quảng Trị, Quảng Bình, hay văn phòng Nha Trang sau khi chuyển địa điểm, sẽ kiêm nhiệm cả Ninh Thuận, Phú Yên và Bình Định.
Đáng chú ý là iPOS.vn không cắt giảm nhân sự mà ngược lại còn tạo điều kiện cho nhân viên làm việc từ xa hoặc chuyển đến các chi nhánh trung tâm, và vẫn đảm bảo quyền lợi và phúc lợi. Ông Trương Văn Trực, Phó Tổng Giám đốc iPOS.vn, khẳng định chiến lược này giúp công ty tiết kiệm chi phí, vượt qua khó khăn và sẵn sàng cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo. Theo ông Trực, iPOS.vn dự kiến sẽ mở lại các văn phòng đã đóng cửa và mở rộng sang các thị trường tiềm năng khác khi kinh tế ổn định hơn.
Chuyển đổi số – Xu hướng tất yếu của ngành F&B
Theo các chuyên gia, ngành F&B Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt là ở các phân khúc như trà đậm vị, ẩm thực giải trí, ẩm thực Thái, Nhật bình dân và ẩm thực địa phương. Tuy nhiên, để thành công trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, các doanh nghiệp cần phải có chiến lược bài bản, linh hoạt thích ứng và đặc biệt là đẩy mạnh chuyển đổi số.
Việc ứng dụng công nghệ vào quản lý vận hành, từ khâu đặt hàng, thanh toán đến quản lý kho hàng và chăm sóc khách hàng, là yếu tố then chốt giúp tối ưu hóa chi phí và nâng cao hiệu quả kinh doanh. Bên cạnh đó, việc phát triển các kênh bán hàng trực tuyến và cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng sẽ là những yếu tố quyết định sự thành công của các doanh nghiệp F&B trong tương lai.
Dữ liệu của iPOS.vn cho thấy, doanh thu ngành F&B Việt Nam tính đến hết tháng 7/2024 đạt 403,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 68,46% doanh thu cả năm 2023. Con số này cho thấy, dù gặp nhiều khó khăn, thị trường F&B vẫn đang trên đà phục hồi.
Ông Đỗ Duy Thanh, Giám đốc Công ty Tư vấn FnB Director, nhận định khó khăn hiện nay chủ yếu đến từ tâm lý e ngại rủi ro của các nhà đầu tư, hơn là thiếu cơ hội thị trường. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp F&B có tư duy chuyên nghiệp và kế hoạch bài bản vẫn đang triển khai các cửa hàng mới và ghi nhận doanh thu khả quan. Những doanh nghiệp nào nhanh chóng thích ứng, nắm bắt xu hướng và đầu tư đúng hướng sẽ là những người chiến thắng trong cuộc đua này.
Kim Khanh
Xem thêm tin: Tại đây