Tăng trưởng tài chính xanh: Giải pháp và thách thức trong giai đoạn mới
Tài chính xanh đang trở thành xu hướng tất yếu, việc mở rộng vốn xanh tại Việt Nam vẫn đối mặt nhiều rào cản cần tháo gỡ để đạt mục tiêu phát triển bền vững.
Tài chính xanh: xu hướng tất yếu của kinh tế toàn cầu
Tài chính xanh đóng vai trò cốt lõi, hỗ trợ doanh nghiệp thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, triển khai các dự án mang lại lợi ích tích cực cho môi trường và xã hội, đồng thời góp phần thúc đẩy chiến lược tăng trưởng tài chính xanh của Việt Nam.
Tuy nhiên, việc mở rộng tài chính xanh không chỉ là xu hướng mà còn là thách thức lớn trong bối cảnh thị trường vốn nội địa còn non trẻ và các tiêu chuẩn quốc tế chưa đồng bộ.
Những rào cản trong việc phát triển vốn xanh tại Việt Nam
Một trong những thách thức lớn nhất là sự thiếu đồng bộ trong khung pháp lý liên quan đến tài chính xanh. Hiện nay, các quy định về phát hành trái phiếu xanh, tín dụng xanh hay các tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG) vẫn chưa được hoàn thiện. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp và tổ chức tài chính khi muốn tiếp cận hoặc triển khai các dự án xanh.
Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), vẫn chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích của tài chính xanh. Việc thiếu kiến thức về ESG hay các tiêu chí đánh giá xanh khiến nhiều dự án không đạt yêu cầu để tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.
Trong khi các quốc gia phát triển đã huy động được nguồn vốn lớn từ trái phiếu xanh hoặc quỹ đầu tư ESG, Việt Nam lại đối mặt với khó khăn về dòng vốn. Ngân hàng – nguồn cung cấp tín dụng chính – hiện vẫn dè dặt trong việc cho vay các dự án xanh do lo ngại rủi ro và chi phí cao.
Việt Nam đang đối mặt với một thách thức lớn trong quá trình chuyển đổi sang tài chính xanh, hướng tới nền kinh tế xanh: nhu cầu về vốn. Cụ thể, theo ADB, cần khoảng 368 tỷ USD cho đến năm 2040, tương đương 20 tỷ USD mỗi năm cho nguồn lực để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.
Mặc dù tiềm năng huy động vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế là rất lớn, nhưng các dự án cần đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe về môi trường và xã hội. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp và dự án phải chuẩn bị kỹ lưỡng để tiếp cận được nguồn vốn này.
Những giải pháp đẩy mạnh tài chính xanh
Tại diễn đàn “Thành phố Hồ Chí Minh – Gỡ vướng cho kinh tế xanh” vừa qua, các chuyên gia và nhà quản lý đã cùng nhau bàn bạc và đưa ra những giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy tăng trưởng vốn tài chính xanh, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của thành phố.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ hoàn thiện các khung pháp lý nhằm hỗ trợ phát triển xanh và đáp ứng nhu cầu vốn của kinh tế xanh. Chẳng hạn, ban hành các chính sách ưu đãi về lãi suất đối với các khoản vay xanh, khuyến khích ngân hàng tăng cường cho vay lĩnh vực này.
Một giải pháp nữa là xây dựng cơ chế bảo lãnh tín dụng cho các dự án xanh, giảm đến mức thấp nhất rủi ro cho ngân hàng cũng như thiết lập một hệ thống giám sát chặt chẽ để bảo đảm các khoản vay xanh được sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu hướng tới mục đích tài chính xanh. “Với cơ chế này, các bên liên quan sẽ góp phần tạo ra một môi trường thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh của nền kinh tế”.
Ngoài ra, học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển trong lĩnh vực tài chính xanh là cách giúp Việt Nam rút ngắn khoảng cách. Các tổ chức như Ngân hàng Thế giới (WB), hay các tổ chức phi chính phủ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ kỹ thuật và tài chính.
Tài chính xanh – Chìa khóa cho phát triển bền vững
Mặc dù đối mặt nhiều thách thức, tài chính xanh tại Việt Nam đã đạt được một số kết quả tích cực. Một trong những minh chứng rõ nét nhất là sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường tín dụng xanh.
Với dư nợ tín dụng xanh đạt gần 637.000 tỷ đồng và tổng giá trị trái phiếu xanh phát hành lên tới 1,157 tỷ USD, Việt Nam đang ngày càng khẳng định vị thế của mình trong cuộc đua chuyển đổi xanh toàn cầu. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy nỗ lực của Chính phủ, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp trong việc hướng tới tài chính xanh và thúc đẩy phát triển bền vững.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp lớn đã phát hành trái phiếu xanh hoặc triển khai các dự án năng lượng tái tạo, góp phần giảm phát thải khí nhà kính.
Việt Nam đang tích cực hội nhập vào nền kinh tế xanh toàn cầu. Chỉ thị 44/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang nền kinh tế xanh, tài chính xanh và phát triển bền vững.
Việc xây dựng bộ tiêu chí xanh quốc gia sẽ giúp Việt Nam bắt kịp các xu hướng phát triển của thế giới và thu hút dòng vốn đầu tư xanh quốc tế.
Phương Thảo
Xem thêm tin: Tại đây