14/11/2024 lúc 17:30

Triển vọng xuất khẩu tôm Việt sang Mỹ trong nhiệm kỳ tổng thống mới

Trong quý III năm nay, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt được 263 triệu USD, ghi nhận mức tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023.

Nhập khẩu hàng hóa và thủy sản vào thị trường Mỹ sẽ có các ảnh hưởng
Sự kiện Tổng thống Mỹ tái đắc cử chắc chắn có những ảnh hưởng đến nhập khẩu hàng hóa trong đó có thủy sản. Ảnh: VASEP

Xuất khẩu tôm Việt sang Mỹ tăng trưởng tích cực trong quý III/2024

Trong đó, Mỹ tiếp tục là thị trường đơn lẻ lớn nhất nhập khẩu tôm từ Việt Nam, chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước. Tính đến ngày 15/10/2024, tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ đã gần chạm mốc 600 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 3 quý đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu tôm Việt sang Mỹ đạt được 566 triệu USD, ghi nhận tăng 9% so với năm 2023. Sau khi sụt giảm 7% trong quý II, xuất khẩu tôm đã phục hồi trở lại trong quý III với mức tăng 19% so với năm trước. Sự giảm lượng hàng tồn kho, nhu cầu tăng cao vào dịp lễ cuối năm và triển vọng kinh tế khả quan đã phần nào thúc đẩy xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ.

Trong 3 quý đầu năm 2024, sản phẩm tôm chân trắng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu sản phẩm các loại tôm Việt Nam được xuất khẩu sang Mỹ, với 85,5%, tiếp đến là tôm sú với 8,9%, phần còn lại là các loại tôm khác. Đáng chú ý, giá trị xuất khẩu tôm sú chế biến tăng mạnh nhất với 44%, và trong nhóm các loại tôm khác, tôm tươi/đông lạnh tăng trưởng mạnh nhất với 188%.

Số liệu xuất khẩu tôm sang thị trường của các nước
Bảng số liệu xuất khẩu tôm sang Mỹ của các nước trong 9 tháng đầu năm. Ảnh: VASEP

Theo FAS.USDA, trong 9 tháng đầu năm nay, Mỹ đã nhập khẩu 550.162 tấn tôm, trị giá 4,3 tỷ USD, ghi nhận mức giảm 4% về khối lượng và 10% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong cùng giai đoạn, nhập khẩu tôm từ Việt Nam vào Mỹ có dấu hiệu tích cực hơn so với các đối thủ như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia và Thái Lan.

Ấn Độ vẫn là nguồn cung cấp tôm hàng đầu cho Mỹ, với 213.520 tấn tôm xuất khẩu, tương đương 1,6 tỷ USD trong 9 tháng qua, tuy nhiên, lượng xuất khẩu đã giảm 1% và giá trị giảm 7% so với cùng kỳ năm 2023.

DOC công bố thuế chống trợ cấp và chống bán phá giá đối với tôm

Vào ngày 22 tháng 10 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng từ các cuộc điều tra thuế chống bán phá giá (AD) đối với tôm nước ấm đông lạnh từ hai nơi là Ecuador và Indonesia, cùng với các cuộc điều tra về vấn đề thuế chống trợ cấp (CVD) áp dụng cho tôm nước ấm đông lạnh từ Ecuador, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam.

Theo kết quả điều tra, thuế CVD đối với tôm của Ấn Độ là 5,77%, cao hơn so với mức 2,84% của Việt Nam.Trong khi đó, tôm Ecuador nhận được kết quả tích cực với mức thuế AD thuận lợi nhưng phải chịu thuế CVD trung bình là 3,78%. Ngược lại, Indonesia có kết quả khả quan hơn với thuế CVD nhưng chịu thuế AD trung bình là 3,90%. Nhìn chung, tôm Việt Nam đạt kết quả tích cực hơn so với ba nước còn lại trong lần công bố này của DOC.

Xuất khẩu tôm sang Mỹ trong bối cảnh mới
Thách thức và cơ hội của Việt Nam khi xuất khẩu tôm sang Mỹ trong bối cảnh mới. Ảnh: VASEP

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), việc ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ có thể sẽ tác động đến nhập khẩu hàng hóa, bao gồm thủy sản, vào thị trường Mỹ. Việc này có thể đem lại cả cơ hội và thách thức cho xuất khẩu tôm của Việt Nam, phụ thuộc vào chính sách thuế nhập khẩu mà chính quyền của ông Donald Trump sẽ triển khai.

Tổng thống Donald Trump từng đề xuất áp thuế 10% cho toàn bộ hàng hóa nhập khẩu vào thị trường Mỹ, đặc biệt đối với hàng hóa đến từ Trung Quốc sẽ bị đánh thuế tới 60%. Các đề xuất này có khả năng khiến giá tiêu dùng tăng cao, đồng thời ảnh hưởng đến GDP và việc làm. Thêm vào đó, cuộc chiến thương mại với Trung Quốc cũng có thể sẽ là một vấn đề trọng tâm trong lĩnh vực thương mại nông sản toàn cầu, do Trung Quốc là một trong những thị trường tiêu thụ hàng đầu của nhiều mặt hàng.

Thực tế là, sự cạnh tranh gia tăng từ các đối thủ như Thái Lan, Ecuador và Ấn Độ trong lĩnh vực thủy sản cũng sẽ tạo thêm áp lực lên xuất khẩu tôm Việt Nam. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam cần liên tục cải tiến chất lượng sản phẩm, chú trọng đến truy xuất nguồn gốc và các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm để duy trì vị thế cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ thị trường Mỹ.

Minh Thư

Nguồn tham khảo: Nhịp cầu đầu tư