21/02/2025 lúc 17:51

VN-Index tiệm cận mốc 1.300 điểm nhờ lực kéo từ nhóm cổ phiếu bluechip

VN-Index tiếp tục tăng phiên thứ tư liên tiếp nhờ lực đỡ từ nhóm ngân hàng, đặc biệt là VCB và CTG.

Bất chấp áp lực chốt lời gia tăng sau ba phiên tăng điểm liên tiếp và VN-Index đang tiệm cận vùng kháng cự mạnh 1.300 điểm, thị trường vẫn duy trì sắc xanh trong phiên giao dịch sáng ngày 21/2 nhờ sự hỗ trợ từ nhóm cổ phiếu bluechip, đặc biệt là dòng ngân hàng.

Phiên chứng khoán hôm nay có rung lắc nhẹ - 60s hôm nay
Phiên chứng khoán hôm nay có rung lắc nhẹ. Ảnh minh họa

Thị trường rung lắc nhưng giữ vững sắc xanh

Mở cửa phiên sáng, VN-Index trải qua những nhịp điều chỉnh nhẹ khi áp lực bán gia tăng sau giai đoạn tăng mạnh trước đó. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục là điểm tựa quan trọng, giúp chỉ số duy trì sắc xanh và kết phiên sáng ở mức 1.295,19 điểm, tăng 2,21 điểm (+0,17%).

Bước sang phiên chiều, thị trường tiếp tục giao dịch giằng co quanh mốc tham chiếu khi bên bán dần mất kiên nhẫn, khiến sắc đỏ lan rộng trên bảng điện tử. Dù vậy, khi VN-Index lùi về vùng 1.290 điểm, lực cầu nhanh chóng gia tăng, đặc biệt tập trung vào nhóm ngân hàng với sự dẫn dắt của hai mã trụ VCB và CTG. Đà hồi phục mạnh của các cổ phiếu này đã giúp VN-Index đảo chiều thành công và khép lại phiên giao dịch ở mức cao nhất trong ngày.

Mặc dù mức tăng chỉ gần 4 điểm, nhưng đây là phiên tăng thứ tư liên tiếp của VN-Index, tạo thêm động lực cho xu hướng tích cực của thị trường. Sự luân chuyển nhịp nhàng của dòng tiền giữa các nhóm cổ phiếu lớn, cùng thanh khoản duy trì ổn định, cũng là tín hiệu hỗ trợ cho kỳ vọng vượt mốc 1.300 điểm.

Kết phiên, VN-Index tăng 3,77 điểm (+0,29%) lên 1.296,75 điểm. Toàn sàn HOSE có 202 mã tăng và 258 mã giảm. Thanh khoản đạt hơn 770,7 triệu đơn vị, giá trị giao dịch 16.293,5 tỷ đồng, giảm gần 4% về khối lượng và 2,2% về giá trị so với phiên trước. Riêng giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 73 triệu đơn vị, giá trị 1.467 tỷ đồng.

Nếu trong phiên trước, VHM là nhân tố chính hỗ trợ thị trường, thì đến phiên này, vai trò đó thuộc về nhóm ngân hàng, đặc biệt là bộ đôi VCB và CTG. Hai mã này đều tăng hơn 1,5% và đóng cửa tại mức cao nhất trong ngày, đóng góp tổng cộng hơn 2,7 điểm vào chỉ số chung.

VN-Index đã tiến sát mốc 1.300 điểm - 60s hôm nay
VN-Index đã tiến sát mốc 1.300 điểm. Ảnh: Tin nhanh chứng khoán

Ngoài VCB và CTG, nhiều mã ngân hàng khác cũng giao dịch tích cực. VPB tăng 1,3%, MBB, ACB, HDB, SHB, VIB đều duy trì sắc xanh nhẹ. Trong đó, VPB dẫn đầu thanh khoản toàn thị trường với gần 42,3 triệu đơn vị khớp lệnh, tiếp theo là SHB (23 triệu đơn vị) và MBB (20,5 triệu đơn vị). ACB và HDB cũng ghi nhận khối lượng giao dịch trên 10 triệu đơn vị mỗi mã.

Nhóm VN30 phân hóa, cổ phiếu trụ luân phiên giữ nhịp

Rổ VN30 đóng vai trò quan trọng trong việc giữ ổn định chỉ số. Trong phiên 21/2, BCM tăng mạnh nhất nhóm với 3,5%, tiếp đến là MWG tăng 2,5%, BVH tăng 1,9%, VPB tăng 1,3%, VNM tăng 1,2%.

Ở chiều ngược lại, nhóm VN30 có 11 mã giảm, trong đó FPT và VIC là hai mã tác động tiêu cực nhất khi cùng giảm 0,7%, mỗi mã lấy đi khoảng 0,3 điểm của VN-Index.

Trái ngược với nhóm ngân hàng, nhóm chứng khoán và thép có sự phân hóa nhẹ. VIX đóng cửa tại mức cao nhất phiên là 11.300 đồng/cổ phiếu, tăng 0,4% với thanh khoản gần 29,4 triệu đơn vị, dẫn đầu nhóm chứng khoán.

SSI cũng hồi phục và tăng 0,4% với 11,6 triệu đơn vị được giao dịch. Trong khi đó, VND giảm 0,4% với khối lượng khớp 13,2 triệu đơn vị. Các mã chứng khoán khác ít biến động, ngoại trừ DSC tăng mạnh 4%.

Trên sàn HNX, thị trường có sự phân hóa rõ rệt. Sau 8 phiên tăng liên tiếp, áp lực chốt lời xuất hiện khiến HNX-Index quay đầu giảm nhẹ 0,45 điểm (-0,19%) xuống 237,57 điểm. Toàn sàn có 88 mã tăng và 89 mã giảm. Thanh khoản đạt hơn 66,4 triệu đơn vị, giá trị 976,5 tỷ đồng.

Cổ phiếu CEO tiếp tục duy trì đà tăng nhờ lực cầu mạnh mẽ, đóng cửa tăng 2,1% lên 14.500 đồng/cổ phiếu với thanh khoản dẫn đầu sàn HNX, đạt gần 8,4 triệu đơn vị. Đáng chú ý, khối ngoại mua ròng gần 600.000 đơn vị mã này.

Ngược lại, nhóm chứng khoán trên HNX kém tích cực khi SHS giảm 1,4% xuống 14.200 đồng/cổ phiếu, khớp 8,19 triệu đơn vị. Các mã MBS, APS, BVS cũng đồng loạt giảm từ 1% đến 1,6%.

Cổ phiếu được hỗ trợ bởi nhóm bluechips và nhóm ngân hàng - 60s hôm nay
Cổ phiếu được hỗ trợ bởi nhóm bluechips và nhóm ngân hàng. Ảnh: VnEconomy

Một số cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ có diễn biến tích cực, với NRC, AMV và VHE đều tăng trần cùng khối lượng dư mua lớn. VTZ tăng 5,7% với khối lượng khớp 2 triệu đơn vị, trong khi MST tăng 3% với 1,43 triệu đơn vị giao dịch.

UPCoM tiếp tục khởi sắc

Sàn UPCoM cũng ghi nhận xu hướng tăng điểm sau khi trải qua giai đoạn rung lắc giữa phiên. Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,52 điểm (+0,52%) lên 100,61 điểm. Thanh khoản đạt 72,3 triệu đơn vị, giá trị giao dịch 750 tỷ đồng. Cổ phiếu MSR dù có lúc điều chỉnh nhưng đã nhanh chóng hồi phục, đóng cửa tăng 2,6% lên 23.300 đồng/cổ phiếu với thanh khoản đạt 3,9 triệu đơn vị.

Trong khi đó, AAH giảm mạnh nhất sàn khi mất 5,4% xuống 5.300 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh gần 4,3 triệu đơn vị. BGR và DRI cũng giảm hơn 1% với thanh khoản trên 2,5 triệu đơn vị.cTrên thị trường phái sinh, cả bốn hợp đồng tương lai đều đóng cửa trong sắc xanh. VN30F2503 tăng mạnh nhất với 5,8 điểm (+0,4%) lên 1.353,8 điểm, với hơn 166.980 hợp đồng được giao dịch, khối lượng mở đạt hơn 28.100 hợp đồng.

Ở mảng chứng quyền, mã CHPG2407 có thanh khoản lớn nhất với gần 3,8 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa giảm 3,6% xuống 530 đồng/cq. CFPT2504 khớp 3,51 triệu đơn vị, giảm 7,8% xuống 590 đồng/cq, trong khi CMWWG2502 tăng 17,7% lên 930 đồng/cq với khối lượng giao dịch gần 3,4 triệu đơn vị.

Minh Thư

Nguồn tham khảo: Tinnhanhchungkhoan.vn