23/12/2024 lúc 14:55

Việt Nam – “Miền đất hứa” mới của doanh nghiệp Nhật Bản và UAE

Làn sóng đầu tư từ các doanh nghiệp Nhật Bản và UAE đang đổ bộ vào Việt Nam, khẳng định sức hút của nền kinh tế đầy năng đông này.

Thị trường Việt Nam đang chứng kiến làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ cả doanh nghiệp Nhật Bản và UAE.Trong khi doanh nghiệp Nhật Bản thể hiện sự lạc quan thông qua việc mở rộng kinh doanh, tập trung vào bán hàng và sản xuất các sản phẩm đa năng, giá trị gia tăng cao, thì UAE cũng đang đẩy mạnh hợp tác, đặc biệt sau chuyến thăm của Thủ tướng và ký kết CEPA, hứa hẹn một tương lai tươi sáng cho nền kinh tế nước nhà.

Việt Nam đang trở thành “miền đất hứa” cho các doanh nghiệp Nhật Bản và UAE. Ảnh minh họa
Việt Nam đang trở thành “miền đất hứa” cho các doanh nghiệp Nhật Bản và UAE. Ảnh minh họa

Doanh nghiệp Nhật Bản tăng tốc đầu tư tại Việt Nam

Theo khảo sát thường niên của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) cho thấy thị trường Việt Nam đang là điểm sáng thu hút đầu tư cho các doanh nghiệp nước ngoài. Cụ thể, 64,1% doanh nghiệp Nhật Bản thông qua khảo sát đã kỳ vọng kinh doanh có lãi tại Việt Nam trong năm 2024, đánh dấu lần đầu tiên tỷ lệ này vượt mốc 60% sau 5 năm kể từ trước đại dịch Covid-19. Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ và niềm tin của nhà đầu tư Nhật Bản vào thị trường này.

Bên cạnh đó, 56,1% doanh nghiệp Nhật Bản còn có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại đây trong 1 – 2 năm tới. Tỷ lệ này dẫn đầu khu vực Đông Nam Á và chỉ đứng sau Ấn Độ và Bangladesh trên toàn cầu. JETRO cho biết, nhu cầu nội địa tăng cao và triển vọng xuất khẩu khả quan là động lực chính thúc đẩy sự lạc quan và kế hoạch mở rộng này. Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đang tập trung tăng cường hoạt động bán hàng, đặc biệt là đối với các sản phẩm đa năng và sản phẩm có giá trị cao.

Trong lĩnh vực chế tạo, các ngành sản xuất linh kiện máy móc vận chuyển, thiết bị y tế, sản phẩm nhựa và hóa chất/dược phẩm đều dự đoán tỷ lệ doanh nghiệp có lãi trên 80%. Các ngành phi chế tạo như thương mại/bán buôn, khai khoáng/năng lượng và dịch vụ liên quan đến kinh doanh cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng với tỷ lệ doanh nghiệp có lãi tăng hơn 15 điểm phần trăm so với năm trước.

Triển vọng lợi nhuận kinh doanh ở các quốc gia. Ảnh: Nhịp sống thị trường
Triển vọng lợi nhuận kinh doanh ở các quốc gia. Ảnh: Nhịp sống thị trường

Hiện Nhật Bản đang đứng thứ 3 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với hơn 5.000 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký hơn 69 tỷ USD. Trong 7 tháng đầu năm 2024, Nhật Bản cũng đứng thứ ba về vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam với gần 2 tỷ USD. Sự hiện diện của các doanh nghiệp Nhật Bản tại đây không chỉ thể hiện qua con số thống kê, mà còn được phản ánh rõ nét trong đời sống hàng ngày của người dân.

Các thương hiệu Nhật Bản, đặc biệt trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), đã thâm nhập sâu rộng vào thị trường và gặt hái nhiều thành công, chiếm ưu thế trong lĩnh vực bán lẻ, thời trang và siêu thị. Chắc hẳn người tiêu dùng đã không còn xa lạ với những cái tên như Aeon, Uniqlo, Matsumoto Kiyoshi hay Muji.

Với hơn 8 trung tâm thương mại hiện có và kế hoạch đầy tham vọng mở rộng lên 20 trung tâm trong 5 năm tới, Aeon khẳng định Việt Nam là một trong những thị trường trọng điểm toàn cầu của tập đoàn. Uniqlo cũng đang gặt hái thành công vang dội với 27 cửa hàng trên toàn quốc, bỏ xa các đối thủ cạnh tranh trong cùng phân khúc như Zara (3 cửa hàng) và H&M (14 cửa hàng). Không kém cạnh, Matsumoto Kiyoshi và Muji cũng đang nhanh chóng mở rộng mạng lưới, mỗi thương hiệu hiện sở hữu 12 cửa hàng.

UAE – Đối tác chiến lược mới của Việt Nam

Bên cạnh sự hiện diện vững chắc của Nhật Bản, các doanh nghiệp tại UAE cũng đang nổi lên như một đối tác chiến lược quan trọng của nước nhà. Chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới UAE vào tháng 10/2024 và việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (CEPA) đã đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ hợp tác song phương.

Hai bên đặc mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 20 tỷ USD, mở ra tiềm năng to lớn cho xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Đông. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2024 ước đạt trên 6,02 tỷ USD, tăng 28.33% so với năm 2023.

Sự hợp tác giữa Việt Nam và UAE không chỉ giới hạn trong lĩnh vực thương mại. Hai bên đang tích cực tìm kiếm cơ hội hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác, bao gồm đầu tư, năng lượng, năng lượng tái tạo, logistics, nông nghiệp, công nghệ cao, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Minh chứng rõ nét nhất cho thấy sự quan tâm của UAE đối với thị trường này là việc hàng loạt tập đoàn lớn của quốc gia này đã lên kế hoạch thăm và tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

Chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới UAE vào tháng 10/2024. Ảnh: Tạp chí chứng khoán
Chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới UAE vào tháng 10/2024. Ảnh: Tạp chí chứng khoán

Không dừng lại ở đó, 13 thỏa thuận hợp tác chiến lược đã được ký kết giữa các doanh nghiệp hai nước, bao gồm các dự án hợp tác giữa Viettel và G42 trong lĩnh vực phát triển trung tâm dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, Vietnam Airlines ký kết hợp tác với cả Etihad Airways và Emirates Airlines, VIMC hợp tác với DP World phát triển cảng Cần Thơ, VinGroup bắt tay với Benya Group và NDMC Group trong lĩnh vực trung tâm dữ liệu.

Những thỏa thuận này cho thấy tiềm năng hợp tác đa dạng và sâu rộng giữa hai quốc gia. Với vị trí địa lý chiến lược và nền kinh tế năng động, Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành cầu nối quan trọng, giúp UAE mở rộng ảnh hưởng kinh tế tại khu vực Đông Nam Á. Đồng thời, UAE cũng là cửa ngõ giúp hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường Trung Đông rộng lớn.

Sự quan tâm và đầu tư ngày càng tăng từ cả Nhật Bản và UAE khẳng định sức hút của thị trường nước nhà. Với việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, Việt Nam đang trên đà trở thành một “miền đất hứa” cho các nhà đầu tư quốc tế.

Kim Khanh

Xem thêm tin: Tại đây