Thị trường xuất khẩu gạo Việt đổi dòng sau quyết định của Ấn Độ
Giá gạo toàn cầu chạm đáy khiến “dòng chảy” gạo Việt Nam chuyển hướng rõ rệt, đặc biệt sau khi Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vào cuối năm 2024.
Giá gạo chạm đáy, thị trường truyền thống lao đao
Tính đến ngày 24/3/2025, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của ba nước dẫn đầu – Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan – đang giao dịch quanh mức 400 USD/tấn, thấp nhất kể từ năm 2023. So với đỉnh cao đầu năm ngoái, giá gạo Việt Nam giảm 37%, Thái Lan giảm 40%, trong khi Ấn Độ giảm 27%. Áp lực từ quyết định mở cửa xuất khẩu của Ấn Độ đã khiến các nhà sản xuất gạo Việt Nam đối mặt với cạnh tranh khốc liệt.
Trong đó, thị trường Indonesia – nơi nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam năm 2024 với gần 1,3 triệu tấn, đã sụt giảm đột ngột trong hai tháng đầu năm 2025. Lượng gạo xuất khẩu từ Việt Nam sang nước này giảm tới 95%, chỉ còn 10.691 tấn, đẩy Indonesia từ vị trí thứ hai xuống thứ chín trong danh sách các thị trường nhập khẩu chính. Nguyên nhân chính là do Indonesia chuyển sang nhập khẩu gạo từ Ấn Độ, với tỷ trọng gạo Ấn Độ tăng vọt từ 5,4% năm 2024 lên 34% trong tháng 1/2025.

Malaysia cũng không nằm ngoài vòng xoáy. Lượng gạo xuất sang nước này giảm 31%, còn hơn 26.000 tấn, đẩy thứ hạng từ ba xuống sáu. Sự suy giảm đồng thời ở hai thị trường lớn cho thấy tác động mạnh mẽ từ chính sách xuất khẩu của Ấn Độ. Ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH VRICE, nhận định rằng giá gạo Việt Nam hiện thấp nhất trong số các nước xuất khẩu, vừa là cơ hội, vừa là thách thức. Cơ hội nằm ở việc thu hút khách hàng mới, nhưng thách thức là doanh nghiệp khó duy trì lợi nhuận khi giá xuất khẩu quá thấp.
Dòng chảy gạo chuyển hướng sang Châu Phi và Trung Quốc
Khi Đông Nam Á quay lưng, Việt Nam nhanh chóng tìm lối đi mới ở Châu Phi và Trung Quốc. Hai tháng đầu năm 2025, xuất khẩu gạo sang Bờ Biển Ngà tăng gấp 13 lần, đạt gần 213.000 tấn, vươn lên vị trí thứ hai. Ghana theo sau với hơn 112.000 tấn, tăng gấp 4 lần, đứng thứ ba. Các thị trường nhỏ hơn như Bangladesh và Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, lần lượt 379 lần và 214 lần.
Ông Có lý giải: Khách hàng truyền thống của Ấn Độ tại Châu Phi đang chuyển sang Việt Nam vì chất lượng gạo Việt tốt hơn và giá cả cạnh tranh. Trong đó, mặt hàng gạo thơm hiện tại đang thấp nhất trong các nước xuất khẩu. Vì vậy, khách hàng ở châu Phi sẵn sàng chọn gạo Việt dù cước vận chuyển từ Ấn Độ rẻ hơn 10-15 USD/tấn.
Trung Quốc cũng bất ngờ tăng lượng nhập khẩu gạo Việt Nam. Hai tháng đầu năm 2025, lượng gạo Trung Quốc mua từ Việt Nam đạt 73.115 tấn, tăng gấp 3,8 lần so với cùng kỳ. Dù năm 2024, nhập khẩu gạo của nước này chạm mức thấp nhất trong 13 năm, động thái đầu năm nay cho thấy sự thay đổi chiến lược. Theo ông Có, Trung Quốc không phụ thuộc vào gạo nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước, mà tận dụng giá thấp từ Việt Nam để dự trữ hoặc tái xuất khẩu. “Họ chỉ mua khi giá gạo Việt Nam rẻ hơn giá nội địa, nhằm tối ưu chi phí”, ông giải thích

Triển vọng thị trường truyền thống quay lại
Dù tạm thời mất thị phần tại Indonesia và Malaysia, các chuyên gia dự báo các thị trường truyền thống này sẽ sớm quay lại với gạo Việt Nam. Báo cáo từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy tiêu thụ gạo toàn cầu niên vụ 2024-2025 sẽ tăng mạnh lên 530,7 triệu tấn, trong khi sản lượng đạt kỷ lục 532,7 triệu tấn. Philippines vẫn là nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới với 5,4 triệu tấn, trong khi Bangladesh và Trung Quốc cũng tăng nhập khẩu lần lượt lên 1,2 triệu tấn và 2,2 triệu tấn.
Ông Có nhận định: “Gạo tồn kho cũ của Ấn Độ chất lượng không cao, trong khi nhu cầu tiêu thụ tại Indonesia và Malaysia vẫn lớn. Khi giá gạo Việt Nam cạnh tranh và chất lượng được đảm bảo, các thị trường này sẽ quay lại. Vì vậy, giá gạo tuy thấp nhưng nếu quy đổi ra VND thì kho thu mua khó đáp ứng, mà doanh nghiệp không thể xuất kho với giá quá rẻ”.
Nhìn chung, dòng chảy gạo Việt Nam đang luân chuyển tích cực sang các thị trường mới, nhưng áp lực cạnh tranh từ Ấn Độ và Thái Lan vẫn là thách thức lớn. Bên cạnh đó, giá gạo thấp hiện tại cũng đặt doanh nghiệp Việt Nam vào bài toán cân đối lợi nhuận và duy trì chất lượng. Vì vậy, doanh nghiệp cần chuẩn bị nguồn hàng chất lượng, tối ưu chi phí để đón đầu nhu cầu sắp tới.
Kim Hoàng
Nguồn tham khảo: Vietnambiz