Thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 5-12/10: Giá dầu tiếp tục đi lên, vàng cũng hồi phục
(ĐTCK) Kết thúc tuần giao dịch từ 5-12/10, thị trường hàng hóa thế giới chứng kiến giá dầu ghi nhận tuần tăng giá thứ 2 liên tiếp, giá vàng cũng hồi phục, trong khi nhiều mặt hàng khác giảm giá như ngô, đậu tương, cà phê, cao su, đường…
Năng lượng: Giá khí LNG giảm 8%, dầu tăng hơn 1%, than cũng đi lên
Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu thế giới thay đổi ít vào thứ Sáu (11/9) nhưng tăng trong tuần thứ hai liên tiếp khi các nhà đầu tư cân nhắc khả năng gián đoạn nguồn cung ở Trung Đông và tác động của cơn bão Milton đối với nhu cầu nhiên liệu ở Florida, Mỹ.
Cụ thể, đóng cửa phiên 11/9, giá dầu thô Brent giảm nhẹ 36 cent (-0,45%) về mức 79,04 USD/thùng; dầu thô Mỹ (WTI) giảm 29 cent (-0,38%) xuống 75,56 USD/thùng. Tuy nhiên, trong tuần, cả 2 loại dầu đều tăng hơn 1%. Các nhà quản lý tiền tệ đã tăng vị thế mua ròng đối với dầu thô Brent.
Về phía cung, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Libya (NOC) cho biết đã khôi phục sản lượng dầu về mức trước cuộc khủng hoảng ngân hàng trung ương của nước này khi đạt 1,25 triệu thùng/ngày.
Trong khi đó, việc thu nhập quý III/2024 giảm sút của các công ty dầu khí lớn cũng có thể ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, với biên lợi nhuận lọc dầu yếu do nhu cầu nhiên liệu toàn cầu chậm lại và giao dịch dầu thấp hơn.
Trên thị trường khí đốt, giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Mỹ giảm khoảng 2% xuống mức thấp nhất trong 2 tuần vào thứ Sáu (11/9). Cụ thể, giá LNG giao tháng 11/2024 trên Sàn giao dịch hàng hóa New York giảm 4,3 cent (- 1,6%) xuống 2,632 USD/mmBTU, mức thấp nhất kể từ ngày 26/9/2024. Cả tuần, hợp đồng này giảm khoảng 8%, sau khi giảm 2% vào tuần trước nữa.
Công ty Tài chính LSEG cho biết, sản lượng khí đốt trung bình tại 48 tiểu bang của Mỹ đã giảm xuống 101,2 bcfd cho đến nay trong tháng 10, giảm so với mức 101,8 bcfd trong tháng 9. Con số này tương đương với mức kỷ lục 105,5 bcfd vào tháng 12/2023.
Với thời tiết mát mẻ theo mùa, LSEG dự báo nhu cầu khí đốt trung bình ở 48 tiểu bang của Mỹ, bao gồm cả xuất khẩu, sẽ tăng từ 96,2 bcfd trong tuần này lên 96,8 bcfd vào tuần tới và 98,2 bcfd trong 2 tuần tiếp theo.
Lưu lượng khí đốt đến bảy nhà máy xuất khẩu LNG lớn của Mỹ đã giảm xuống mức trung bình 12,4 bcfd cho đến nay trong tháng 10, giảm so với mức 12,7 bcfd trong tháng 9. Con số này so với mức cao kỷ lục hàng tháng là 14,7 bcfd vào tháng 12/2023.
Trên thị trường than, trong tuần qua, chỉ số than nhiệt châu Âu đã tăng lên 116-117 USD/tấn. Giá được hỗ trợ bởi lượng dự trữ thấp, thời tiết lạnh dự kiến và giá khí đốt tăng sau xung đột gia tăng ở Trung Đông. Ngoài ra, tổng lượng than nhiệt xuất khẩu từ Colombia (bao gồm cả giao hàng đến châu Âu) đã giảm 20% theo tuần.
Giá than nhiệt lượng CV 6.000 của Nam Phi tăng lên 106-108 USD/tấn trong bối cảnh thị trường châu Âu tăng trưởng cùng với nhu cầu từ châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm cả Việt Nam.
Tại Trung Quốc, giá giao ngay đối với than 5.500 NAR tại cảng Tần Hoàng Đảo vẫn hầu như không thay đổi ở mức 124 USD/tấn do hoạt động giao dịch chậm lại liên quan đến lễ kỷ niệm Tuần lễ Vàng trong khoảng thời gian từ 1-7/10/2024.
Giá than tại Indonesia biến động theo hướng trái chiều: Than 5.900 GAR không đổi ở mức 92 USD/tấn, trong khi than 4200 GAR CV thấp giảm xuống còn 51 USD/tấn. Áp lực được tạo ra bởi nguồn cung mạnh, do điều kiện thời tiết thuận lợi và nhu cầu yếu từ Ấn Độ, nơi báo cáo lượng hàng tồn kho cao tại các cảng biển.
Than nhiệt lượng CV 6.000 của Úc tăng lên trong khoảng 140-142 USD/tấn, cho thấy mức tăng trưởng vừa phải nhờ nhu cầu ổn định ở châu Á – Thái Bình Dương và các biện pháp kích thích được công bố cho nền kinh tế Trung Quốc.
Chính phủ Úc đã công bố dự báo về xuất khẩu than nhiệt năm 2025 điều chỉnh giảm từ 208 triệu tấn xuống 198 triệu tấn. Các nhà chức trách nước này cũng dự kiến doanh thu xuất khẩu than sẽ giảm gần 22%.
Chỉ số than luyện kim HCC của Úc đã tăng mạnh trên 200 USD/tấn trong bối cảnh các biện pháp kích thích ở Trung Quốc. Sự hỗ trợ bổ sung đến từ sự phục hồi của chỉ số PMI cho thấy hoạt động sản xuất cao hơn ở Trung Quốc.
Kim loại: Vàng tăng tuần thứ 2, thép cũng đi lên, quặng sắt giảm, đồng diễn biến trái chiều
Ở nhóm kim loại quý, giá vàng tăng hơn 1% sau số liệu lạm phát của Mỹ đã củng cố triển vọng cắt giảm lãi suất vào tháng 11 tới, kìm chế USD ở dưới mức cao gần đây, trong khi nhu cầu trú ẩn an toàn xuất phát từ căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông cũng thúc đẩy giá vàng tăng.
Cụ thể, giá vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 1,1% lên 2.658,42 USD/ounce – tăng phiên thứ 2 liên tiếp. Vàng kỳ hạn tháng 12/2024 trên sàn New York tăng 1,4% lên 2.676,3 USD/ounce.
Giá sản xuất của Mỹ trong tháng 9/2024 không thay đổi, cho thấy triển vọng lạm phát vẫn lạc quan và hỗ trợ kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng tới. Trong khi đó, giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 9/2024 tăng nhẹ so với dự kiến, song mức tăng lạm phát hàng năm thấp nhất trong hơn 3,5 năm.
Giá vàng dự kiến đạt 3.000 USD/ounce vào năm 2025 do căng thẳng địa chính trị, lo ngại lạm phát và bất ổn bầu cử. Giá trị USD về dưới mức cao nhất 2 tháng so với giỏ các đồng tiền chủ chốt.
Về các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 0,1% lên 30,53 USD/ounce; bạch kim tăng 1,9% lên 963,35 USD/ounce và palladium tăng 1,1% lên 1.050,52 USD/ounce.
Ngân hàng ANZ đã nâng dự báo bạc ngắn hạn lên 34 USD/ounce. Nhu cầu công nghiệp vững chắc và nguồn cung trì trệ dự kiến sẽ làm gia tăng thâm hụt thị trường, tạo ra trường hợp đầu tư mạnh mẽ đối với bạc, ANZ cho hay.
Ở nhóm kim loại màu, giá đồng London phục hồi từ mức thấp nhất trong 2 tuần ở phiên trước, do các nhà giao dịch và nhà đầu tư chờ đợi thông tin về các biện pháp kích thích của Trung Quốc.
Cụ thể, giá đồng giao sau 3 tháng trên Sàn Giao dịch kim loại London (LME) tăng 0,2% lên 9.693 USD/tấn. Hợp đồng này ghi nhận mức thấp nhất kể từ ngày 24/9/2024 ở phiên 10/10 do sự thất vọng trước thông báo kích thích gần đây của Trung Quốc.
Trong khi đó,hợp đồng đồng giao tháng 11/2024 được giao dịch nhiều nhất trên Sàn Giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) giảm 1% xuống 76.870 CNY (tương đương 10.869,93 USD)/tấn.
Giá đồng quay trở lại mức trước khi Trung Quốc bắt đầu công bố các biện pháp hỗ trợ, những biện pháp này đã không đạt được kỳ vọng và thiếu chi tiết. Các nhà đầu tư hiện đang mong đợi một cuộc họp báo của Bộ Tài chính Trung Quốc, nơi chính phủ dự kiến sẽ chi tiết kế hoạch kích thích tài chính của mình.
Sự tăng giá gần đây của đồng đã làm yếu đi sự quan tâm mua sắm của các nhà sản xuất bán thành phẩm, đặc biệt là các nhà sản xuất dây đồng. Giá đồng đã giảm 1,3% tính đến thời điểm này của tháng, sau khi tăng 6,4% trong tháng 9, ghi nhận mức tăng hàng tháng tốt nhất kể từ tháng 4/2024.
Trên sàn LME, giá nhôm tăng 0,6% lên 2.557 USD/tấn; nickel giảm 0,2% xuống 17.345 USD/tấn; kẽm tăng 0,1% lên 3.022,5 USD/tấn; thiếc tăng 0,5% lên 32.655 USD/tấn; chì gần như không thay đổi ở mức 2.062,5 USD/tấn.
Trên sàn SHFE, giá nhôm tăng 0,1% lên 20.585 CNY/tấn; thiếc giảm 0,4% xuống 264.500 CNY/tấn; nickel giảm 1,9% xuống 132.330 CNY/tấn; kẽm giảm 1,5% xuống 24.800 CNY/tấn; chì giảm 1,9% xuống 16.525 CNY/tấn.
Ở nhóm kim loại đen, trong phiên giao dịch cuối tuần qua (11/10), giá quặng sắt đã hồi phục nhưng ghi nhận mức giảm hàng tuần đầu tiên trong 3 tuần, do các nhà giao dịch thận trọng chờ đợi các thông báo về chính sách tài khóa từ Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ lớn nhất.
Cụ thể, hợp đồng quặng sắt giao tháng 1/2025 được giao dịch nhiều nhất trên Sàn Giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) tăng 1,15% lên 789,0 CNY (tương đương 111,55 USD)/tấn trong phiên 11/10, nhưng giảm 2,18% trong tuần – đánh dấu mức giảm hàng tuần đầu tiên kể từ ngày 27/9/2024.
Quặng sắt chuẩn tháng 11/2024 trên Sàn Giao dịch Singapore tăng 1,64% lên 106,1 USD/tấn, nhưng giảm 3,88% trong tuần.
Mặc dù các biện pháp kích thích đã nâng cao tâm lý trong thị trường bất động sản và thép, nhưng các yếu tố cơ bản như tiêu thụ ổn định và tăng sản xuất sẽ vẫn là những biến số quan trọng cho động lực cung – cầu của thép, Công ty Tư vấn Steelhome (Trung Quốc) cho biết.
Các chỉ số thép trên sàn SHFE đã phục hồi sau những mất mát trước đó: Giá thép cây và thép không gỉ tăng khoảng 0,25%; thép cuộn nóng tăng khoảng 0,6% và thép dây tăng 0,77%.
Giá các nguyên liệu khác trong sản xuất thép trên DCE cũng tăng mạnh, với giá than cốc tăng 2,77% và giá than luyện cốc tăng 1,28%.
Nông sản: Lúa mì tăng giá, đi ngược ngô và đậu tương
Giá đậu tương và ngô trên sàn Chicago(CBOT) giảm, sau báo cáo cung cầu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) xác nhận sản lượng vụ thu hoạch tại Mỹ sẽ đạt mức cao kỷ lục.
Cụ thể, giá ngô kỳ hạn tháng 12/2024 giảm 2-3/4 US cent xuống 4,15-3/4 USD/bushel và cả tuần giảm 2,11%.
Giá đậu tương kỳ hạn tháng 11/2024 giảm 9-1/4 US cent xuống 10,05-1/2 USD/bushel và cả tuần giảm 3,1%.
Giá lúa mì kỳ hạn tháng 12/2024 giảm 4-3/4 US cent xuống 5,99 USD/bushel và cả tuần tăng 1,5%.
Nguyên liệu công nghiệp: Giá dầu cọ tăng; đường, cà phê, cao su đều giảm
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, giá đường thô trên sàn ICE giảm, bất chấp việc rời bỏ mức thấp nhất 3 tuần trong đầu tuần qua, do gia tăng lo ngại hiện tượng thời tiết La Nina có thể ảnh hưởng đến năng suất cây trồng mía đường tại nước sản xuất hàng đầu là Brazil.
Cụ thể, giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2025 trên sàn ICE tăng 0,4% lên 22,24 US cent/lb. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá đường thô giảm 3,3%. Đồng thời, giá đường trắng kỳ hạn tháng 12/2024 trên sàn London tăng 0,5% lên 569,7 USD/tấn.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 12/2024 trên sàn ICE giảm 2,7 US cent (-1,1%) xuống 2,5205 USD/lb. Tính chung cả tuần, giá arabica giảm tiếp 2%, sau khi giảm 4,3% trong tuần trước nữa.
Tương tự, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 11/2024 trên sàn London giảm 1,8% xuống 4.828 USD/tấn và cả tuần giảm 5%. Tuần trước nữa, giá robusta đã giảm 8%.
Giá cao su tại Nhật Bản giảm và có tuần giảm đầu tiên trong 5 tuần, do thiếu các biện pháp kích thích tài chính tiếp theo từ nước tiêu thụ hàng đầu Trung Quốc và gây áp lực thị trường, song đồng JPY suy yếu đã hạn chế đà suy giảm. Cụ thể, kết thúc phiên 11/10, giá cao su kỳ hạn tháng 3/2025 trên sàn Osaka (OSE) giảm 11,1 JPY (-2,79%) xuống 386,4 JPY (2,6 USD)/kg. Tính chung cả tuần, giá cao su giảm 3,35% – tuần giảm đầu tiên kể từ ngày 6/9/2024.
Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 1/2025 trên sàn Thượng Hải giảm 515 CNY (-2,77%) xuống 18.100 CNY (2.558,05 USD)/tấn và cả tuần giảm 6,19%. Trong khi đó, giá cao su kỳ hạn tháng 11/2024 trên sàn Singapore tăng 1% lên 195,7 US cent/kg.
Giá dầu cọ tại Malaysia tăng hơn 2% trong phiên 11/10 và có tuần tăng thứ 4 liên tiếp, được thúc đẩy bởi giá dầu thực vật khác tăng và số liệu xuất khẩu tích cực từ các công ty khảo sát hàng hóa.
Cụ thể, giá dầu cọ kỳ hạn tháng 12/2024 trên sàn Bursa Malaysia tăng 117 ringgit (+2,76%) lên 4.350 ringgit (1.015,41 USD)/tấn. Tính chung cả tuần, giá dầu cọ tăng 1,16%.