21/01/2025 lúc 12:07

Tăng cường quản lý sàn TMĐT nhằm định danh người bán, bảo vệ người tiêu dùng

Thị trường sàn TMĐT Việt Nam tăng trưởng tốt nhưng tồn tại nhiều bất cập. Dự thảo Luật TMĐT mới đặt ra quy định nhằm tăng cường quản lý, bảo vệ người tiêu dùng.

Với quy mô 25 tỷ USD năm 2024, Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên việc quản lý người bán và nền tảng trung gian còn lỏng lẻo. Dự thảo Luật TMĐT siết chặt quản lý, tập trung vào định danh người bán, minh bạch thông tin, quản lý sàn TMĐT xuyên biên giới và livestream bán hàng.

Dự thảo Luật TMĐT. Quản lý sàn TMĐT
Dự thảo Luật TMĐT sẽ siết chặt quản lý, tập trung vào định danh người bán, minh bạch thông tin, quản lý TMĐT xuyên biên giới và cả livestream bán hàng. Ảnh: Nhanh.vn

Yếu tố then chốt nhất trong quản lý sàn TMĐT đó là định danh người bán

Sàn TMĐT Việt Nam đã và đang có những bước phát triển vượt bậc, đạt quy mô 25 tỷ USD trong năm 2024. Sự tăng trưởng này là tín hiệu tích cực, thu hút đầu tư nước ngoài, tạo cơ hội cho người tiêu dùng Việt tiếp cận hàng hóa toàn cầu, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa mở rộng kênh phân phối. Bên cạnh những cơ hội, thị trường TMĐT cũng đối mặt với không ít thách thức, đặc biệt là những bất cập trong công tác quản lý, gây ảnh hưởng đến cả người bán lẫn người mua.

xác minh thông tin người bán trên sàn TMĐT (thương mại điện tử)
Thị trường sàn TMĐT đối mặt với thách thức, bất cập trong công tác quản lý, gây ảnh hưởng đến cả người bán lẫn người mua. Ảnh: Tạp chí Tài chính

Một trong những vấn đề nổi cộm nhất hiện nay là việc thiếu thông tin chính xác và minh bạch về người bán trên các nền tảng sàn TMĐT. Việc chưa định danh người bán khiến cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc điều tra, xử lý vi phạm, truy vết kho hàng và đối tượng bán hàng khi có tranh chấp xảy ra. Điều này tạo kẽ hở cho các hoạt động gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng nhái, thậm chí là trốn thuế.

Đối với hoạt động livestream bán hàng, sự tham gia của các KOL, KOC lại càng làm gia tăng nguy cơ gian lận, quảng cáo sai sự thật, bán hàng kém chất lượng do chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của các chủ thể tham gia livestream.

Bài toán khó cho cơ quan quản lý sàn TMĐT xuyên biên giới

Thương mại điện tử xuyên biên giới mặc dù mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan quản lý. Hiện nay việc kiểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu qua kênh TMĐT còn nhiều hạn chế, gây khó khăn trong việc bảo vệ người tiêu dùng trước hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. 

Bên cạnh đó việc thu thuế từ các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ vào Việt Nam cũng chưa thực sự hiệu quả, dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước. Hơn nữa, sự cạnh tranh không lành mạnh giữa doanh nghiệp trong nước và quốc tế cũng là một vấn đề cần được quan tâm.

Dự thảo cho Luật TMĐT, tạo nên môi trường mua sắm minh bạch 

Nhằm giải quyết những bất cập nêu trên, Bộ Công Thương đã đề xuất xây dựng Luật Thương mại điện tử, tập trung vào việc tăng cường quản lý, giám sát, kiểm soát các chủ thể tham gia giao dịch sàn TMĐT. Dự thảo luật được kỳ vọng sẽ là cú hích giúp thị trường phát triển ổn định, bền vững, minh bạch và an toàn.

Dự thảo Luật TMĐT đề xuất một số quy định quan trọng, bao gồm: bắt buộc người bán hàng online phải thực hiện định danh điện tử thông qua việc cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân (tên, địa chỉ, mã số định danh, mã số thuế); yêu cầu các nền tảng sàn TMĐT phải có trách nhiệm xác minh và lưu trữ thông tin người bán, minh bạch thông tin về hàng hóa, dịch vụ và phân loại hàng hóa; quy định cụ thể về hoạt động livestream bán hàng, từ chủ thể tham gia, thông tin sản phẩm, trình độ chuyên môn của người livestream đến việc kiểm soát thông tin trong quá trình livestream.

xác minh thông tin người bán hàng, livestream trên sàn TMĐT
Dự thảo Luật TMĐT yêu cầu các nền tảng trên sàn TMĐT phải có trách nhiệm xác minh và lưu trữ thông tin người bán, minh bạch thông tin về hàng hóa, dịch vụ và phân loại hàng hóa; quy định cụ thể về hoạt động livestream bán hàng. Ảnh: Brands Vietnam

Bên những quy định trên, dự thảo luật cũng đề cập đến việc thiết lập cơ chế quản lý sàn TMĐT xuyên biên giới hiệu quả hơn, bao gồm việc kiểm soát chất lượng hàng hóa, thu thuế từ doanh nghiệp nước ngoài và bảo vệ người tiêu dùng.

Dự thảo Luật TMĐT được kỳ vọng sẽ tạo ra một hành lang pháp lý vững chắc, thúc đẩy thị trường TMĐT Việt Nam phát triển bền vững, minh bạch, an toàn, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của đất nước.

Chí Cường